Chiều 10-11, sau khi Chính phủ trình QH dự án Luật Tố cáo, QH đã nghe Ủy ban Pháp luật báo cáo thẩm tra dự án luật này. Một trong nội dung đáng chú ý nhất là bảo vệ người tố cáo. Hiện nay, do cơ chế còn bất cập, nhiều người không dám tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì sợ bị trả thù, trù dập, một số người khác thì tố cáo giấu tên, không nêu địa chỉ của mình.
Mặt khác, cũng có những trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập mà người vi phạm không bị xử lý gì. Tình trạng đó đã và đang cản trở việc tố cáo và giải quyết tố cáo. Khắc phục tình trạng nêu trên, dự thảo Luật Tố cáo đã bổ sung một chương mới về bảo vệ người tố cáo. Trong đó ghi nhận quyền được bảo vệ bí mật của người tố cáo; trách nhiệm và các biện pháp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc xử lý người vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo.
Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tố cáo. Ủy ban cũng cho rằng, tố cáo và giải quyết tố cáo là những vấn đề xã hội phức tạp nhưng cũng rất quan trọng, bởi vì loại trừ yếu tố tiêu cực, lợi dụng và lạm dụng thì tố cáo, giải quyết tố cáo phản ánh trình độ nhận thức chung của xã hội, trách nhiệm của công dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, cấp độ phát triển của bộ máy nhà nước, đồng thời cũng là thước đo của nền dân chủ ở mỗi quốc gia. Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ: Luật cần khẳng định quan điểm tố cáo phải có điểm dừng, không xem xét đối với các tố cáo đã được giải quyết, tố cáo lại.
Về bảo vệ người tố cáo, ủy ban cho rằng cần nghiên cứu để quy định chi tiết hơn. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định về bảo vệ các quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, bảo vệ uy tín cho người tố cáo. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, đảm bảo khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.
PV