Nhiều bức xúc “cũ” về y tế vẫn chưa có câu trả lời

Thành tựu thì đáng phấn khởi, nhưng hạn chế cũng rất đáng lo ngại, ĐB Trương Trọng Nghĩa khái quát khi phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp tổ ĐBQH TPHCM.
ĐB Nguyễn Tri Thức phát biểu tại tổ ĐBQH TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Tri Thức phát biểu tại tổ ĐBQH TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh mặt được, ĐB lưu ý, có những điểm “tưởng vậy mà không phải vậy”. Như xuất siêu, với một quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng cao nhờ sản xuất thì phải nhập siêu mới tăng trưởng một cách đầy đủ chứ. Theo ĐB, xuất siêu của Việt Nam năm nay là do nhập khẩu giảm, sản xuất giảm chứ không phải biểu hiện của nền kinh tế "khỏe mạnh".

Đáng lưu ý, những chỉ tiêu không đạt mang tính chất hệ thống, trong đó năng suất lao động không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Nợ xấu và nợ trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng cũng là những vấn đề mà ĐB Trương Trọng Nghĩa cảnh báo. Đặc biệt, ông đề nghị đánh giá kỹ lưỡng chi phí của người dân để đảm bảo người dân được thụ hưởng những thành quả của tăng trưởng.

Quang cảnh phiên họp tổ ĐB TPHCM

Quang cảnh phiên họp tổ ĐB TPHCM

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)

Đề cập đến lĩnh vực y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan rất trăn trở khi nhiều bức xúc cũ vẫn chưa có câu trả lời. “Đã qua 6 tháng với nhiều vấn đề y tế đã được Quốc hội mổ xẻ từ kỳ họp trước, nhưng không thấy thể hiện trong báo cáo của Chính phủ”, ĐB Phong Lan nhấn mạnh.

Theo ĐB, tình trạng thiếu trang thiết bị vật tư y tế đầu vào vẫn tồn tại, chủ yếu do vướng các quy định về đấu thầu. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ĐB đề nghị sớm bổ sung, hoàn thiện các quy định về xã hội hóa y tế để đảm bảo cán bộ “dám nghĩ dám làm”. “Chúng ta tự gây ra nhiều khó khăn cho chính chúng ta. Cán bộ cũng không tự dưng mà sợ”, nữ ĐB bình luận.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM)

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM)

Tuy nhiên, theo ĐB, xã hội hóa nhằm mục tiêu chính là tăng cường tự chủ, phát huy chất xám cho đội ngũ chứ không phải chủ yếu nhằm tiết kiệm tiền cho ngân sách. Ngân sách nhà nước vẫn cần bố trí đủ, đầu tư xứng đáng cho y tế và giáo dục, đó chính là thể hiện bản chất xã hội chủ nghĩa.

“Cứ để bệnh viện tự bơi, giáo dục tự lo thì dẫn đến tình trạng đau lòng là chỉ ai có tiền mới được khám chữa bệnh tốt, ai có tiền thì con cái mới được học hành đàng hoàng”, nữ ĐB bình luận.

Tiếp theo ý kiến của ĐB Phong Lan, ĐB Nguyễn Tri Thức đề nghị không vì sợ mà chần chừ, không có cơ chế để bệnh viện công thực hiện liên doanh liên kết. “Chính phủ cần ban hành sớm quy định để thực hiện cơ chế này mới có thể đảm bảo đủ thiết bị, vật tư y tế phục vụ nhân dân”, ông Thức nói và dẫn chứng tình trạng thiếu máu cho điều trị ở một số địa phương miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. “Không phải vì người dân không đi hiến máu, mà vì chúng ta không có đủ vật tư y tế để tiếp nhận máu hiến đúng quy định, đó là việc rất đáng tiếc”.

Ngoài ra, để phục vụ tốt nhân dân, đồng thời phát triển TPHCM trở thành trung tâm du lịch y tế của khu vực thì càng phải đầu tư mạnh cho trang thiết bị y tế. Nhu cầu xạ trị proton cho bệnh nhân ung thư, theo ước tính của một số chuyên gia, lên tới 25-30 máy, nhưng Việt Nam còn chưa có máy nào.

Một vấn đề cấp thiết khác, theo ĐB Tri Thức, là tình trạng đấu thầu “chạy” Thông tư 14 vì Thông tư này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023. Hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu mới (thực hiện từ 1-1-2024) đến giờ này vẫn chưa có, nên nếu không làm nhanh thì các bệnh viện không biết thực hiện theo quy định nào.

Điều này cũng liên quan đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, ông Thức nói, bày tỏ đồng tình với ĐB Phong Lan.

Tin cùng chuyên mục