Nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam

“Năm 2012 được coi là năm nhiều khó khăn với xuất khẩu lao động Việt Nam nhưng dự báo thị trường xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục rộng cửa đối với lao động Việt Nam”, TS Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) khẳng định với PV báo SGGP.
Nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam

“Năm 2012 được coi là năm nhiều khó khăn với xuất khẩu lao động Việt Nam nhưng dự báo thị trường xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục rộng cửa đối với lao động Việt Nam”, TS Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) khẳng định với PV báo SGGP. Về tình hình xuất khẩu lao động năm 2011, ông cho biết:

Đến hết tháng 11-2011, Việt Nam đã đưa được 81.475 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó những thị trường số lượng lao động Việt Nam tới làm việc nhiều là Đài Loan 34.998 người; Hàn Quốc: 15.049 người; Malaysia: 9.195 người; Nhật Bản: 6.373 người… Bất ổn chính trị tại Libya khiến chúng ta không thể đưa lao động mới sang làm việc tại thị trường này mà còn phải tiếp nhận hơn 10.000 lao động đang làm việc tại đây về nước. Tuy nhiên, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã lên đến 81.475 người, đạt 93,65% kế hoạch cả năm. Khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

* PV:
Trong tháng 12, số người nộp hồ sơ thi tiếng Hàn lên tới 66.000 người, trong khi Hàn Quốc chỉ cho Việt Nam 15.000 chỉ tiêu. Đây chính là cơ hội để các đối tượng lừa đảo người lao động. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có những biện pháp gì để quản lý, khuyến cáo người dân?

* TS LÊ VĂN THANH: Điều kiện quan trọng nhất để thực hiện Chương trình EPS (đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc) là đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn do Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc phối hợp với Bộ LĐTB-XH tổ chức.

Về chi phí đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động theo Chương trình EPS chỉ phải nộp các khoản chi phí sau: Lệ phí kiểm tra tiếng Hàn nộp cho Hàn Quốc: 24 USD/người; chi phí phải nộp về Trung tâm Lao động ngoài nước (theo quy định của Bộ LĐTB-XH sau khi ký hợp đồng lao động với đối tác) tương đương 630 USD để trang trải các chi phí vé máy bay 350 USD, visa 50 USD, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và xử lý hồ sơ: 230 USD.

Khi xuất cảnh, người lao động phải mang theo khoảng 500 USD để mua bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương tại Hàn Quốc. Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu thông tin để nắm chắc quy trình kiểm tra tiếng Hàn và quy trình làm hồ sơ dự tuyển. Tôi khẳng định là không ai có thể giúp người lao động đạt điểm kiểm tra cao nếu bản thân không có khả năng và không ai có thể giúp người lao động đi Hàn Quốc nếu không đủ các tiêu chuẩn theo quy định.

Người lao động đăng ký thi tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: HỒ VIỆT

Người lao động đăng ký thi tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: HỒ VIỆT

* Hiện nay, những thị trường nào thu hút nhiều lao động Việt Nam? Chúng ta làm gì để giữ những thị trường này được, đặc biệt là sau sự cố lao động Việt Nam sang làm việc ở Hàn Quốc rồi bỏ trốn?

* Các thị trường lao động ở châu Á vẫn đang hấp dẫn lao động Việt Nam đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… Đây cũng là những thị trường truyền thống và tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại 4 thị trường này là trên 200.000 người, chiếm 40% tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cụ thể, khoảng 18.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản trong các ngành nghề: cơ khí, điện tử, may công nghiệp, sản xuất sản phẩm nhựa… Trên 60.000 lao động tại Hàn Quốc đang làm việc trong các ngành nghề sản xuất chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp và xây dựng. Thị trường Malaysia có gần 54.000 lao động sang làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, sản xuất đồ gỗ. Riêng Đài Loan là thị trường có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc nhất, với gần 93.000 người, chủ yếu làm công nhân trong các nhà máy, nhân viên chăm sóc trong các nhà dưỡng lão…

* Ông có thể đưa ra một vài dự báo cho xuất khẩu lao động của Việt Nam trong năm 2012? Ngoài các thị trường truyền thống, sẽ có thêm những thị trường nào?

* Ngoài các nước có truyền thống tiếp tục nhận lao động Việt Nam, mới đây, việc ký thỏa thuận quốc gia về tiếp nhận y tá và hộ lý Việt Nam của Nhật Bản đã mở ra một cơ hội mới cho lao động trong nước sang làm việc tại thị trường này trong ngành nghề có thu nhập cao. Hàn Quốc cũng đã có chỉ tiêu tiếp nhận khoảng 15.000 lao động. Chúng ta tiếp tục thực hiện các giải pháp để khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường đang phục hồi ở Trung Đông, đồng thời nghiên cứu phát triển các thị trường mới như Australia, New Zealand, Canada, Nga, Phần Lan, Thụy Điển… Đặc biệt, vào cuối tháng 12-2011, sẽ tổ chức thi tiếng Hàn cho trên 60.000 lao động có nhu cầu sang làm việc tại Hàn Quốc. 

HỒ THU thực hiện

Tin cùng chuyên mục