Có dự án dù hoàn thành đến gần 80% khối lượng công việc, song vì vướng 1 - 2 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng nên đành giậm chân cả nhiệm kỳ.
Đó là ý kiến được nêu ra tại buổi họp liên ngành do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức nhằm bàn cách khắc phục tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án quá chậm.
Dài cổ chờ mặt bằng
Nút giao thông vừa thi công vừa chờ mặt bằng
Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ (QL) 1, đoạn qua địa bàn xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ GTVT đã duyệt bổ sung hạng mục “Nút giao thông khác mức QL1 - tuyến tránh TP Huế” vào dự án đầu tư mở rộng QL1. Hạng mục này do Công ty TNHH Trùng Phương làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 115 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11-2016. Song đến nay, dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa nhưng công trình đạt chưa tới 50% khối lượng. “Không chỉ cuộc sống sinh hoạt của những hộ dân nằm trong vùng dự án đảo lộn mà công việc buôn bán của chúng tôi cũng bị ngưng trệ vì đường sá bụi bặm, khách hàng quen thuộc cũng bỏ đi”, chị Nguyễn Thị Phượng (bán nước giải khát ở xã Thủy Phù) than thở.
Tương tự, nhiều dự án dân sinh khác tại Thừa Thiên - Huế cũng đang chậm tiến độ, phần lớn do công tác giải phóng mặt bằng giải quyết không xong. Có dự án, khối lượng công việc hoàn thành gần 80% nhưng vì vướng 1 - 2 hộ dân đành giậm chân tại chỗ nhiều năm, như dự án đường vào khu quy hoạch Bàu Vá (TP Huế), dự án xây dựng khu đô thị hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế hoặc dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế…
Muôn ngàn lý do
Năm 2016, Thừa Thiên - Huế bố trí hơn 3.330 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng đến 31-8 mới giải ngân được 1.434 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch. Hiện có đến 44 dự án khối lượng giải ngân chưa tới 10%, trong đó 26 dự án khối lượng giải ngân… 0 đồng. Riêng “Nút giao thông khác mức QL1 - tuyến tránh TP Huế” dù nhà đầu tư đã chuyển cho Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng tỉnh (hội đồng) toàn bộ số tiền đền bù mà đơn vị này yêu cầu, song theo ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Thủy, vẫn còn 13 hộ chưa chịu nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Nguyên nhân, những hộ dân này cho rằng giá đền bù thấp so với giá trị thực của đất, tài sản; UBND xã Thủy Phù khi lập danh sách gửi hội đồng về một số hộ trong diện giải tỏa là nhà họ xây dựng sau năm 1993, nhưng người dân cho rằng họ làm nhà trước năm 1993, có lãnh đạo thôn và bà con trong vùng làm chứng. Ngoài ra, một số hộ sau khi bị thu hồi, diện tích đất còn lại dưới 60m2 và theo quy định sẽ được bố trí đất tái định cư nhưng họ vừa muốn được nhận đất tái định cư và muốn được xây dựng nhà ngay tại thửa đất còn lại… Hiện hội đồng đã giao UBND xã Thủy Phù kiểm tra lại nguồn gốc, vị trí từng thửa đất trong vùng giải tỏa, đền bù.
Như vậy, dù UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo phải sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, chậm nhất trước ngày 30-9, song giờ vẫn phải chờ giải quyết các kiến nghị của người dân nên các dự án tiếp tục “treo” đó.
Văn Thắng