Nhiều địa phương mới chỉ có một giám định viên pháp y

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp phản ánh, nhiều địa phương mới chỉ có một giám định viên pháp y, trong khi theo Thông tư 47/2013/TT-BYT của Bộ Y tế, số lượng giám định viên tối thiểu để thực hiện một vụ giám định là 2 người.


Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga điều hành phiên họp
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga điều hành phiên họp

Trình bày Báo cáo của Bộ Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về giám định trong tố tụng hình sự tại phiên họp do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 7-8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phát triển ngày càng nhanh về số lượng và chất lượng. 

Theo Bộ Tư pháp, quá trình triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012, các bộ, cơ quan ngang Bộ đã tích cực, tập trung vào việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

Đến nay, số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật do Chính phủ, bộ, ngành ban hành trên dưới 40 văn bản. Ở địa phương, UBND tỉnh cũng đã quan tâm, chủ động tham mưu, trình HĐND ban hành quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực làm giám định tại địa phương mình như TPHCM, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Về người giám định tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng cho biết, hiện tổng số giám định viên trên toàn quốc là 6.154 người. Số người giám định tư pháp theo vụ việc được lựa chọn, công bố là 1.630 người trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên môi trường…  

Tuy nhiên, tại phiên họp, mặc dù ghi nhận công tác triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp đã đạt được kết quả nhất định, hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập cơ bản theo quy định của Luật Giám định tư pháp, một số ý kiến chỉ ra rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật chưa đầy đủ; chất lượng một số văn bản hướng dẫn còn hạn chế; nhiều lĩnh vực chưa có quy trình giám định chuẩn. Các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương chưa thường xuyên tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong các vụ án hình sự. Tổ chức giám định tư pháp công lập (Trung tâm pháp y) ở một số địa phương không thống nhất, thực hiện chưa đúng Luật. Đặc biệt, nhiều địa phương mới chỉ có một giám định viên pháp y, trong khi theo Thông tư 47/2013/TT-BYT của Bộ Y tế, số lượng giám định viên tối thiểu để thực hiện một vụ giám định là 2 người.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa lực lượng pháp y y tế và pháp y trong công an chưa tốt trong việc tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định pháp y, gây lãng phí nguồn lực.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được coi là giải pháp quan trọng để khắc phục những hạn chế trên, cụ thể là bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định; quy định trách nhiệm của các bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định trong ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình, quy chuẩn giám định để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng. Công tác đào tạo đội ngũ giám định viên để nâng cao năng lực cũng như phẩm chất của những người làm công tác giám định tư pháp cũng được nhấn mạnh như một giải pháp trọng tâm.

Tin cùng chuyên mục