Nhiều đoạn hè phố Hà Nội: Còn đâu cho người đi bộ?

Hè phố không dành cho người đi bộ?
Nhiều đoạn hè phố Hà Nội: Còn đâu cho người đi bộ?

Hè phố được tận dụng khai thác một cách triệt để làm chỗ để xe máy đang làm mất đi cảnh quan đô thị của thủ đô. Nhiều người lấy làm tiếc vì không thể thanh thản bách bộ trên hè phố mà phải len lỏi giữa một “rừng” xe máy chen kín trên nhiều đoạn vỉa hè.

Hè phố không dành cho người đi bộ?

Nhiều đoạn hè phố Hà Nội: Còn đâu cho người đi bộ? ảnh 1

Người đi bộ phải bất đắc dĩ tràn xuống lòng đường.

Xe máy tràn ngập vỉa hè, đó là cảnh thường thấy tại một số tuyến phố trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), bên cạnh các bãi để xe có giấy phép, trước cửa các hiệu sách san sát nhau, xe máy của khách mua sách để chật hè phố, tràn xuống lòng đường.

Phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí đã trở thành một trong những con phố sôi động nhất của Hà Nội. Là một trong những tuyến phố có đông khách du lịch, tuy nhiên trước tình trạng xe máy “bành trướng”, người đi bộ qua đây chỉ còn cách “xuống đường”.

Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, xe máy trên đoạn phố này còn được dựng một cách tùy tiện, không theo hàng lối, trông rất mất mỹ quan! Tình trạng xe máy lấn chiếm vỉa hè cũng không kém tại phố Ngô Quyền, đoạn trước cửa khu nhà Liên cơ số 46.

Ông Nguyễn Văn Dần, trông xe tại khu phố này cho biết, hiện tại đoạn phố chưa đầy 100m này là chỗ để xe máy của 5 cơ quan thuộc Bộ Thương mại, mỗi cơ quan được chia khoảng trên dưới 10m2.

Bên cạnh việc để xe của cán bộ công nhân viên, các bãi để xe này cũng tranh thủ trông thêm xe của khách hàng mua sắm quần áo tại các cửa hàng thuộc mặt tiền tầng 1 của tòa nhà.  Nhiều khách hàng sẵn sàng dựng tạm xe ở ngay lối đi khiến cho đoạn phố đã chật hẹp lại càng chật hẹp hơn.

Những người đi bộ qua đoạn phố này cũng chỉ còn cách len lỏi giữa các bãi để xe chật ních để vượt qua. Tình trạng này còn diễn ra ở khá nhiều đoạn hè phố của thủ đô Hà Nội, bất chấp nỗ lực xây dựng văn minh đô thị của chính quyền thành phố. Có thể kể đến phố Lê Văn Hưu, phố Nguyễn Du…

Ông Nguyễn Đức Trường, Việt kiều Canada, tâm sự: “Tôi rất tiếc vì có những đoạn phố đẹp như Ngô Quyền, Nguyễn Du, Đinh Lễ đã bị tình trạng để xe máy bừa bãi, lấn chiếm hết vỉa hè làm mất đi cảnh quan. Không những thế, tình trạng này còn làm giảm nét đẹp của Hà Nội thanh lịch trong con mắt không ít du khách nước ngoài”.

Sức ép của sự phát triển “nóng”

Bắt đầu từ tháng 9-2006, hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng được Sở Giao thông Công chính Hà Nội thực hiện thí điểm việc phân cấp quản lý, khai thác hè phố. Trong thời gian qua, các quận này cũng đã nỗ lực hết sức bằng cách quy hoạch các điểm trông giữ xe, giảm đến mức thấp nhất các điểm trông giữ xe trái phép đồng thời thực hiện xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chính quyền sở tại cũng không “đuổi kịp” sức phát triển quá nhanh của nhu cầu thực tế.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bài, cho biết: “Sự phát triển “nóng” của kinh tế xã hội trên địa bàn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải. Trên tổng diện tích khoảng 0,76km2 toàn phường Hàng Bài, có tới trên 100 cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn phường đã có một số ngân hàng mở thêm các điểm giao dịch chứng khoán, lớp đào tạo chứng khoán khiến số lượng người đến giao dịch có nhu cầu gửi xe tăng đột biến”. Đây cũng là tình trạng chung của các phường thuộc quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình.

Các địa bàn này vốn được coi là điểm nóng về nhà đất, văn phòng cho thuê, là nơi tập trung đông nhất các cơ quan hành chính sự nghiệp, thu hút ngày càng đông các doanh nghiệp tới đặt văn phòng mở địa điểm kinh doanh.

Bên cạnh dấu hiệu tích cực về tốc độ phát triển kinh tế là sức ép  ngày càng tăng lên hạ tầng xã hội của địa phương. Hiện nay, các phường có quản lý khai thác hè phố đều đang nỗ lực siết chặt quản lý, yêu cầu các điểm trông giữ xe phải làm cam kết thực hiện theo đúng quy định của thành phố, chỉ sử dụng đúng diện tích được cho phép, xe được xếp thẳng hàng, đầu xe quay vào phía trong.

Tuy nhiên, do nhu cầu gửi xe quá lớn, các tòa cao ốc mọc lên cũng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu, các doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục đổ dồn về khu vực trung tâm, trong khi quỹ đất có hạn, bài toán giải phóng hè phố cho người đi bộ xem ra còn rất nan giải.

Kim Anh

Tin cùng chuyên mục