Rất nhiều hợp đồng góp vốn, mua bán căn hộ, nhà đất dự án bất động sản quy định quyền và nghĩa vụ của các bên không tương xứng nhau, do vậy, khi xảy ra sự cố, khách hàng không dám kiện vì thấy rõ mình sẽ thua. Nhưng nay với các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD), người tiêu dùng đã thật sự được bảo vệ, những quy định “gài” nhau trong hợp đồng sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng...
Bảo vệ kẻ yếu!
Bài cũ của các đại gia độc quyền hay thời “sốt giá” thì hầu hết các đại gia đều xây dựng hợp đồng với những điều khoản có lợi cho doanh nghiệp, khi người tiêu dùng đòi thỏa thuận sẽ được nhận câu trả lời: đó là hợp đồng mẫu, khách nào cũng ký như thế, chịu thì ký không thì thôi! Và khi xảy ra tranh chấp, do hợp đồng quy định những điều khoản bất lợi cho khách hàng nên chẳng ai dám kiện. Do vậy, Luật BVQLNTD đã đưa các loại hợp đồng mẫu cung cấp điện, nước sinh hoạt, truyền hình, thuê bao điện thoại, kết nối internet, vận chuyển hành khách đường hàng không, đường sắt và hợp đồng mua, bán căn hộ chung cư vào diện phải kiểm soát.
|
Theo đó, luật quy định, khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng. Và trách nhiệm lưu giữ hợp đồng theo mẫu đã giao kết cho đến khi hợp đồng hết hiệu lực là trách nhiệm của doanh nghiệp, để trường hợp người tiêu dùng cần thì có thể yêu cầu sao y hợp đồng.
Việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu cũng được quy định cụ thể. Những hợp đồng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu có vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Với những quy định chặt chẽ như thế “những hợp đồng “ép” người dân sẽ kịp thời được xử lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng” – luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Trưởng Văn phòng Luật sư An Luật, nói.
Quy định “ép” khách hàng: Sẽ bị loại bỏ...
Anh Vũ Hồng Khanh, quận 5, TPHCM, phản ánh với Hộp thư BVQLNTD rằng, đơn vị anh mua căn hộ chung cư Đại Thành (Tân Phú), nhưng trong hợp đồng quy định nếu khách hàng thanh toán tiền trễ 1 tháng thì bị phạt lãi suất, trong khi đó, Công ty Đại Thành giao nhà chậm so với thời gian dự kiến bàn giao nhà đến 4 tháng, sau 4 tháng mới bị phạt trả lãi suất cho khách hàng. Rồi điều kiện thanh toán chậm cũng thế, nếu thanh toán chậm, khách hàng không được quyền đòi bồi thường khi Đại Thành vi phạm. “Nói chung, đọc hợp đồng thấy toàn trách nhiệm của khách hàng, những quy định bất lợi cho khách hàng, nhưng không tương xứng với trách nhiệm của chủ đầu tư…” - anh Khanh bức xúc nói.
Những hợp đồng bất lợi như thế không phải là cá biệt. Nhưng giờ đây, nó đã được pháp luật điều chỉnh. TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, cho biết thêm, Luật BVQLNTD quy định rõ những điều khoản hợp đồng giao kết với người tiêu dùng (NTD) không có hiệu lực gồm: điều khoản loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh (TC, CNKD); điều khoản hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của NTD; cho phép TC, CNKD đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng hay đơn phương xác định việc thực hiện nghĩa vụ của NTD; cho phép TC, CNKD quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm cung ứng hàng hóa, dịch vụ; cho phép TC, CNKD giải thích hợp đồng khi có tranh chấp; bắt buộc NTD phải tuân thủ hợp đồng ngay cả khi TC, CNKD không tuân thủ hợp đồng; cho phép TC, CNKD chuyển giao quyền, nghĩa vụ của mình cho bên thứ ba mà không được sự đồng ý của NTD.
Trong đó, luật còn quy định nếu hợp đồng quy định những điều khoản không rõ ràng, thì sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho NTD. Do vậy, giờ đây NTD có thể yên tâm khiếu kiện những hợp đồng “ép” NTD như thế, vì đã có các quy định pháp luật bảo vệ NTD.
CHẾ HÂN