Nhiêu khê kiểm dịch thực vật

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản phải tăng chi phí, tốn thời gian do kiểm dịch thực vật, dẫn đến kém sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chờ đợi 3-4 ngày

Theo một công ty xuất khẩu điều, tình hình thị trường điều đang rất ảm đạm, nhưng các doanh nghiệp lại gặp khó khăn, tăng chi phí khi đưa điều thô về kho. Trước đây, hàng về cảng Cát Lái (TPHCM), doanh nghiệp chỉ cần nộp đơn đăng ký kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật sẽ có người xuống lấy mẫu, kiểm tra, rồi thông quan.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan kiểm dịch thông báo áp dụng quy trình mới là kiểm tra lấy mẫu tại cảng rồi thông quan. Theo quy định, hàng được kiểm dịch trong vòng 24 tiếng, nhưng phần lớn kéo dài 3-4 ngày. Thậm chí, nếu rơi vào ngày thứ sáu, lễ, tết thì thời gian hàng “nằm” tại cảng từ 5-6 ngày, khiến chi phí lưu container, lưu bãi tăng thêm.

Ngược lại, hàng xuất khẩu lại phải kiểm tra tại kho của doanh nghiệp trước khi đưa đến cảng. Việc này, theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước, toàn tỉnh Bình Phước có hàng chục nhà máy, nếu cán bộ kiểm tra phải đi hết các nhà máy, rất mất thời gian. Tỉnh Bình Phước do Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (Bộ NN-PTNT) phụ trách, nhưng do thiếu nhân lực nên đã ủy quyền cho Kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu Hoa Lư đi lấy mẫu cho các lô hàng điều nhân xuất khẩu. Tuy nhiên, Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Hoa Lư cũng nằm rất xa địa bàn có nhiều doanh nghiệp và cũng không đủ nhân lực để làm kịp thời.

Trước đó, để xuất khẩu, các doanh nghiệp đã được các đối tác yêu cầu kiểm định chất lượng, xem có mối mọt, côn trùng trong sản phẩm hay không từ các đơn vị độc lập như Vinacontrol, Cafecontrol, SGS, BV... Theo quy trình, các đơn vị này lấy mẫu ngẫu nhiên ít nhất 10% của lô hàng, rồi tiến hành phân tích kiểm định mẫu. Các đơn vị nhập khẩu chỉ thanh toán cho đơn hàng khi có chứng thư lấy mẫu đạt từ đơn vị chứng nhận độc lập.

“Như vậy, chỉ cần có một sự kiểm tra của đơn vị nhập khẩu là đủ. Một lô hàng mà có 2 đơn vị giám định là không cần thiết, rất lãng phí”, ông Vũ Thái Sơn nói.

Đồng cảnh ngộ, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng trong tình cảnh phải chờ kiểm dịch tại cảng. Mỗi lô hàng gỗ về thường có nhiều container nên thời gian lưu tại cảng kéo dài thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ bị đội lên rất cao.

Xem xét bỏ kiểm dịch một số mặt hàng

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Vũ Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2, cho biết, theo Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật, Luật An toàn thực phẩm, Thông tư 33/2014 của Bộ NN-PTNT, các sản phẩm thực vật nhập khẩu phải kiểm dịch tại cảng đầu tiên. Do trước kia, tình hình thời tiết chưa biến đổi bất thường nên các sinh vật nguy hại trong hàng nhập khẩu không “đủ sức” phát tán mạnh mà thường “nằm” trong container nên chi cục tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa hàng về kho rồi kiểm tra sau.

Hiện nay, sinh vật nguy hại lẫn trong hàng nhập khẩu có thể phát tán bất cứ lúc nào, nên buộc phải kiểm dịch tại cảng. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 phụ trách 13 tỉnh, với 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khu vực phía Nam. Tại cảng, một nhân viên trung bình kiểm tra, lấy mẫu trên 30 lô hàng/ngày. Tuy nhiên, nếu hàng hóa đang nằm tại kho ngoại quan, nhân viên chỉ có thể làm 1 lô/ngày. Chưa kể, hiện nhân sự của chi cục cũng bị cắt giảm.

Cũng theo ông Nguyễn Vũ Phi Long, trên phần mềm quản lý chưa có lô hàng nào lấy mẫu quá 24 giờ, trừ những lô hàng thiếu giấy tờ. Mặt khác, các lô hàng khi cập cảng thường phải chờ đội bốc xếp của cảng đưa đến để cơ quan kiểm dịch tiếp nhận. Dịch vụ bốc xếp không thuộc thẩm quyền của cơ quan kiểm dịch mà do cảng quản lý.

Nhân viên kiểm dịch kiểm tra tại một kho hàng nông sản trước khi xuất khẩu

Nhân viên kiểm dịch kiểm tra tại một kho hàng nông sản trước khi xuất khẩu

Nhân viên kiểm dịch đều làm việc ngày cuối tuần, lễ, tết để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có hàng về những ngày trước lễ, cuối tuần cần phải thông báo để chi cục sắp xếp bố trí nhân sự gồm lãnh đạo, cán bộ, nhân viên văn phòng… để đảm bảo cấp được chứng thư.

Trong khi đó, theo ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), các sản phẩm khi đưa về kho nếu phát hiện ra sinh vật nguy hại sẽ tốn tiền cho doanh nghiệp tiêu hủy. Một số quốc gia yêu cầu không kiểm dịch từ các đơn vị như Vinacontrol, Cafecontrol, SGS, BV... Do đó, các đơn vị xuất khẩu nông sản cần phải tìm hiểu thông tin quy định của nước nhập khẩu, tránh tình trạng lãng phí kiểm dịch mà không có tác dụng.

Ngoài ra, các đơn vị cấp chứng nhận chỉ ghi nhận mối mọt, còn Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra cả các sinh vật bị cấm theo danh mục của các nước và danh mục của Việt Nam. Đối với điều nhân chế biến, nguy cơ nhiễm dịch hại rất thấp, gần như không có, do đó quy trình kiểm dịch hiện nay là không cần thiết. Cục Bảo vệ thực vật sẽ xem xét đề xuất Bộ NN-PTNT đưa mặt hàng nhân điều sơ chế và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu khác ra khỏi danh mục bắt buộc kiểm dịch nếu không có nguy cơ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục