Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, bảo hiểm nông nghiệp thu hút 160.787 hộ nông dân ở ĐBSCL, trong đó, 85% là hộ nghèo, tham gia, với giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi lên tới 1.845 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm 130,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, số hộ nông dân tham gia bảo hiểm như trên chưa nhiều, diện tích tham gia bảo hiểm chưa lớn, số lượng cây trồng, vật nuôi, tham gia bảo hiểm chiếm tỷ lệ thấp.
Vẫn dò dẫm
Đến thời điểm này, có khoảng 100 hộ nông dân nuôi cá, tôm ở Bạc Liêu, Trà Vinh và Bến Tre được bồi thường thiệt hại từ chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Nhưng nếu nhìn vào con số 4.000 hộ nông dân tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau tham gia bảo hiểm, với tổng trị giá được bảo hiểm là 836,34 tỷ đồng trong khi tiềm năng nuôi trồng thủy sản của các tỉnh ven biển ĐBSCL vô cùng lớn thì có thể khẳng định, sau hơn 1 năm triển khai, chính sách bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ dò dẫm những bước đi đầu tiên để vào với thực tế cuộc sống.
Vướng mắc đầu tiên là những quy định rất phức tạp. Về phạm vi bảo hiểm, đó là “tôm sú bị mắc bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính; tôm thẻ chân trắng bị mắc bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hội chứng Taura, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính. Các dịch bệnh trên được xác nhận và công bố bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Về vấn đề này, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho rằng tỉnh chưa thể xét nghiệm được những bệnh này, do đó, công tác xác nhận, công bố dịch bệnh làm cơ sở để bồi thường sẽ gây khó khăn không nhỏ. Trong đợt tập huấn về bảo hiểm nông nghiệp tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau) vừa qua nhiều bà con đồng tình với nông dân Trần Văn Tâm rằng nếu đáp ứng hết những quy định về bảo hiểm nông nghiệp thì không kham nổi. Chưa kể nhiều loại bệnh thường gặp ở địa phương vẫn còn chưa được bảo hiểm.
Tại An Giang, Đồng Tháp, số hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa đến thời điểm này khoảng 5.000 hộ. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, nhìn nhận: Do bảo hiểm nông nghiệp là sản phẩm hoàn toàn mới, cộng thêm các hướng dẫn thực hiện ban hành chậm làm địa phương lúng túng, chưa hiểu biết đầy đủ các quy trình thủ tục, tính toán hợp đồng bảo hiểm. Trong khi đó, nhận thức về loại hình bảo hiểm nông nghiệp đối với dân lại quá mới.
Điều chỉnh để phù hợp với thực tế
Theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 20 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với từng loại cây, con dựa trên đặc thù của từng vùng, miền. Thế nhưng, việc triển khai ký kết các hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp không đơn giản như suy nghĩ bởi nhiều nguyên nhân như công tác tuyên truyền không đến nơi đến chốn, người dân chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của chương trình.
Ông Đoàn Quốc Khởi, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Cà Mau, cho biết: do còn nhiều quy định ràng buộc khi mua bảo hiểm nên rất ít hộ dân đáp ứng được. Ví dụ, về hình thức nuôi tôm được tham gia bảo hiểm gồm: nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh đối với tôm sú và nuôi thâm canh đối với tôm thẻ chân trắng. Những hình thức nuôi này đòi hỏi chi phí lớn, không phải ai cũng có thể thực hiện được, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đa số người dân hiện vẫn nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp đã mở rộng rủi ro được bảo hiểm, bổ sung đối tượng được bảo hiểm, làm rõ quy trình công bố, xác nhận thiệt hại làm căn cứ bồi thường thiệt hại được nhanh chóng. Cùng với đó cũng bổ sung đối tượng bảo hiểm vật nuôi (vịt), tôm/cá (cá basa) và mở rộng rủi ro được bảo hiểm đối với cây lúa, vật nuôi, thủy sản. Sớm làm rõ quy trình xác nhận dịch bệnh nhằm đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện giải quyết bồi thường nhanh chóng, chính xác cho người được bảo hiểm. Thống nhất với quy định về công bố thiên tai, dịch bệnh; xác nhận dịch bệnh… Nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với cây lúa lên 90% năng suất bình quân của xã, hoặc của đơn vị được bảo hiểm và áp dụng cho tất cả các địa phương triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa (thay cho mức 80% quy định tại Quyết định 3035/QĐ-BTC).
Quy định mới này sẽ tăng thêm quyền lợi cho người được bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại về cây lúa do thiên tai, dịch bệnh gây ra và thuộc phạm vi bảo hiểm. Tùy theo đối tượng mức đóng phí mua bảo hiểm được Nhà nước hỗ trợ hợp lý. Đối với hộ nghèo được hỗ trợ 100%, hộ cận nghèo hỗ trợ 80%, các đối tượng khác được hỗ trợ 40%, riêng doanh nghiệp được hỗ trợ 20%.
| |
T.Đạt - Q.Duẩn - P.Thị