Nhiêu khê thủ tục hành chính nhà đất

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM, công tác thực thi pháp luật về đất đai, xây dựng có lúc, có nơi còn chưa tốt, nhất là quy trình thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn khuất cơ chế xin - cho. 

Người dân, doanh nghiệp bị làm khó

Bà Nguyễn Thị Bảo Châu, trú tại 144 đường số 8, quận Gò Vấp (TPHCM) được ủy quyền của ông Tạ Xuân Tùng bán nhà đất tại thửa đất số 4, tờ bản đồ số 66 tọa lạc tại 147/4 Nguyễn Xí (phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM) mà ông Tùng là chủ sở hữu hợp pháp.

Nhà đất này được cấp cho bà Nguyễn Thị Hoa năm 2006, sau đó chuyển nhượng cho nhiều người khác. Hiện nay ông Tùng là chủ sở hữu cuối cùng theo thông tin cập nhật biến động ngày 26-5-2015 trên giấy chủ quyền.

Vừa qua ông Tùng thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên cho ông Đinh Hoàng Phúc và ông Nguyễn Mạnh Hà (do bà Châu là người được ủy quyền ký hợp đồng). Sau khi nhận chuyển nhượng, do giấy chủ quyền đã hết trang cập nhật biến động nên bà Châu đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền mới. Tuy nhiên, bà bị trả hồ sơ. 

Bà Châu làm đơn gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị xem xét lại toàn bộ hồ sơ. Ngày 24-5-2021, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Thạnh trả lời, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số H09111 cho bà Nguyễn Thị Hoa đối với nhà đất số 147/4 Nguyễn Xí (phường 26, quận Bình Thạnh) với diện tích đất 51,3m2, diện tích xây dựng 51,3m2 là không đúng quy định (không đúng diện tích). 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Bảo Châu bức xúc nói: “Tôi không hiểu lý do tại sao không đúng quy định? Căn cứ theo Luật Đất đai, trước khi cấp giấy chủ quyền thì bắt buộc phải có thủ tục đo vẽ và kiểm tra nội nghiệp, như vậy, năm 2006 UBND quận Bình Thạnh cấp sổ cho bà Hoa thì chắc chắn đã có thủ tục này và trong hồ sơ đã đáp ứng các điều kiện bắt buộc khác. Không những vậy, trong nhiều lần chuyển nhượng cập nhật biến động trước đây thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn cho chủ sử dụng thực hiện bình thường, không hề có văn bản kiến nghị nào”. 

Một câu chuyện khác, cùng là thủ tục đăng bộ sang tên, mỗi quận, huyện có cách làm khác nhau. Ví dụ, quận 12 làm rất tốt, vì thực hiện cơ chế một cửa, đóng thuế, nhận sổ tại một địa điểm, còn huyện Củ Chi lại khác. Đầu năm 2022, anh N.Đ.B., ngụ quận Tân Bình, có mua miếng đất 500m2 ở xã Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi).

Làm thủ tục đăng bộ sang tên GCNQSDĐ, anh B. phải đến trụ sở UBND huyện Củ Chi để liên hệ; rồi anh phải đến Chi cục Thuế huyện Củ Chi để đóng thuế trước bạ. Liên hệ các công việc này phải mất vài ngày, vì phải đi lại nhiều địa điểm. 

Nhiêu khê thủ tục hành chính nhà đất ảnh 1 Người dân mua nhà ở xã hội Ehome S tại khu đô thị Mizuki Park, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, mòn mỏi chờ sổ hồng. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

Ở một tình huống khác, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã thống kê trong hàng trăm dự án (DA) nhà ở gặp các vướng mắc về pháp lý, có tới 1/4 DA vướng về xác định nghĩa vụ tài chính. Mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần trình Sở TN-MT phương án nộp tiền sử dụng đất với mong muốn hoàn thành nghĩa vụ tài chính để giải quyết quyền lợi cho cư dân, nhưng vẫn không thể.

Các DA đã hoàn tất xây dựng và bàn giao cho khách hàng, nhưng vướng mắc chủ yếu là DA chưa được phê duyệt tiền sử dụng đất. Thậm chí, để người mua nhà có sổ hồng, doanh nghiệp đã tạm ứng 500 tỷ đồng nộp trước tiền sử dụng đất nhưng chưa thể hoàn tất thủ tục.

Nâng cao trách nhiệm

Cuối tháng 7, Sở TN-MT có văn bản số 5601/STNMT-TTr gửi chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Thạnh chỉ đạo phải thực hiện hồ sơ đăng ký biến động, cấp đổi giấy chứng nhận của ông Tạ Xuân Tùng theo quy định của pháp luật; trường hợp từ chối giải quyết phải có văn bản từ chối nêu rõ lý do, trả lời cho công dân.

Trong khi đó, phân tích về những vướng mắc trong việc cấp sổ hồng, ông Lê Thành Phương, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM, cho biết, có nhiều lý do khiến người dân mua căn hộ chung cư chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, trong đó có trường hợp các chủ đầu tư đem GCNQSDĐ và căn nhà - tài sản hình thành trong tương lai, đi cầm cố cho các khoản vay ngân hàng.

Đối với các trường hợp này, Sở TN-MT đang phối hợp với Sở Xây dựng để xử lý vi phạm, sau đó sẽ có văn bản thẩm định đủ điều kiện cấp sổ hồng cho người dân nhưng sẽ chậm, vì theo quy định chủ đầu tư phải khắc phục sai phạm xong thì cơ quan thẩm quyền mới thẩm định. 

Từ nay đến cuối năm 2022, Sở TN-MT sẽ cấp xong 20.000 sổ hồng cho các DA đủ điều kiện cấp giấy. Vậy nhưng, trên địa bàn TPHCM còn hàng chục ngàn căn hộ trong các DA có vướng mắc về nghĩa vụ tài chính vẫn chưa biết khi nào mới được giải quyết. Hiện nay việc tính tiền sử dụng đất đang bị vướng rất nhiều. Về vấn đề này, Sở TN-MT đã nhiều lần gửi văn bản hỏi cơ quan chuyên môn làm sao hoàn thành việc tính nghĩa vụ tài chính, từ đó làm cơ sở để xem xét cấp sổ hồng cho từng căn hộ.

Đồng thời, đẩy nhanh công tác rà soát hồ sơ pháp lý, xác định nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với các DA nhà ở để cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà. Đơn vị sẽ tiếp tục kiến nghị TPHCM có chính sách tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các DA phát triển nhà ở.

Cần sự chuyển động tích cực của hệ thống hành chính công

Ngày 21-7, tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, đại diện Sở TN-MT cho hay, đến nay đơn vị đang giải quyết cấp giấy chứng nhận cho 390 dự án nhà ở. Năm 2022, đơn vị này đặt mục tiêu cấp giấy chứng nhận cho 23.000 căn nhà. 

Nhiều năm qua, việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai tại TPHCM luôn là “điểm nghẽn”, gây bức xúc không nhỏ với người dân và doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2020, phần lớn các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về việc gây phiền hà, chậm trễ, không thực hiện đúng quy định của các cơ quan hành chính nhà nước tại TPHCM đều liên quan đến việc giải quyết hồ sơ nhà đất.

Gần đây, chính quyền thành phố đặt mục tiêu đẩy nhanh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Để đạt được điều đó, thành phố rất cần sự chuyển động của hệ thống hành chính công.

ĐÔNG GIA


Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM:

Người dân được tiếp cận thông tin, sử dụng đất một cách công bằng

Quy trình phức tạp, thời gian kéo dài, yêu cầu nhiều thủ tục, giấy tờ, có nơi cán bộ hành dân..., là thực trạng thực thi thủ tục hành chính liên quan đến đất đai xây dựng ở nhiều nơi. Thực tế ở TPHCM, giữa các quận, huyện có sự khác biệt trong cách làm.

Ví dụ, có nơi không cho tách thửa, không cấp phép xây dựng; có nơi cho tách nhưng chỉ cấp phép tạm thời (có thời hạn); có nơi cho chuyển mục đích sử dụng, nơi không cho; có nơi cho cấp phép xây dựng chính thức; có nơi triển khai dịch vụ công trực tuyến, nơi không… 

Quản lý và sử dụng đất phải đảm bảo lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận thông tin, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững. Không những vậy, người dân khi làm dịch vụ công vẫn gặp tình trạng nhũng nhiễu. Do đó, phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, xử lý nghiêm cán bộ gây nhũng nhiễu. 

Tin cùng chuyên mục