Chú trọng giải quyết vướng mắc nhà ở chung cư

Ngày 19-7, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã có buổi giám sát về “Việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2021” tại UBND quận 10 và quận Tân Bình. Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM Tô Thị Bích Châu; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Dương Ngọc Hải.
Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại buổi giám sát ở UBND quận 10. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại buổi giám sát ở UBND quận 10. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Nhiều tranh chấp 

Tại quận 10, ông Đặng Hoàng Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10 báo cáo, cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, quận đã có 6 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trong đó có 4 dự án nhà ở thương mại; 1 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) và 1 dự án nhà ở tái định cư, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. 

Về chung cư cũ, quận hiện còn 23 chung cư và 2 cư xá, được xây dựng trước năm 1975, với kết quả kiểm định ở mức độ cấp C. UBND quận 10 đã thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch cục bộ, mời gọi đầu tư và tổ chức lấy ý kiến người dân để giải tỏa, xây dựng mới các chung cư này. Qua lấy ý kiến, do không đạt 100% các hộ dân đồng thuận, không thể thực hiện việc phá dỡ, xây lại nên quận ưu tiên phương án cải tạo, sửa chữa - dù các chung cư có niên hạn sử dụng trên 50 năm đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được xây mới.

UBND quận đề xuất  Đoàn ĐBQH TPHCM có kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định tại Điều 110 Luật Nhà ở năm 2014 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư thay thế chung cư cũ trên địa bàn thành phố phù hợp thực tiễn. 

Tại UBND quận Tân Bình, theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND quận Trương Tấn Sơn, vấn đề khó khăn hiện nay là việc vận hành nhà chung cư. Một số chủ đầu tư không chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, trong quá trình thực hiện dự án gặp vướng mắc, đã thiếu trách nhiệm, chậm trễ thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.

Nhiều đơn vị còn vi phạm pháp luật xây dựng, bị xử lý, làm dự án kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà; chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định, viện nhiều lý do để cố tình kéo dài thời gian, trì hoãn, gây khó khăn cho công tác bảo trì nhà chung cư. Công tác bàn giao kinh phí bảo trì 2% và quản lý vận hành chung cư cho ban quản trị của một số chủ đầu tư còn chậm trễ, dẫn đến xung đột lợi ích đôi bên. Ý thức trách nhiệm trong sinh hoạt cộng đồng của một bộ phận nhỏ cư dân chưa cao, dẫn đến các mâu thuẫn, bức xúc, phát sinh đơn thư phản ánh, khiếu nại…

Tháo gỡ khó khăn trong cấp giấy chủ quyền 

Phát biểu kết luận buổi giám sát tại quận 10, đồng chí Nguyễn Thị Lệ lưu ý một trường hợp cụ thể về vấn đề phát triển NƠXH: Quận có một dự án đã khởi công từ quý 1-2018 nhưng dự kiến cuối năm 2023 mới hoàn thành. Một dự án nhân văn, thiết thực nhưng mất 6-7 năm mới có thể đưa vào sử dụng, chưa tính thủ tục đầu tư xây dựng, thời gian thực hiện quá dài, đề nghị UBND quận kiểm tra lại những vướng mắc và có kiến nghị đề xuất rút ngắn thời gian hoàn thành để người dân sớm được thụ hưởng.

UBND quận 10 cũng cần làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác quản lý và sử dụng nhà ở thuộc quyền sở hữu nhà nước; trách nhiệm của người liên quan trong việc chậm trễ giải quyết việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Đối với việc sửa chữa, cải tạo 25 chung cư, cư xá xây dựng trước năm 1975, quận cần có phương án đánh giá tổng thể tuổi thọ các chung cư sau sửa chữa. Đặc biệt, việc phát triển NƠXH cần đề xuất, thực hiện các giải pháp phù hợp giai đoạn hiện nay.

Tại buổi giám sát tại UBND quận Tân Bình, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, cho biết, trong thời gian qua, Đoàn ĐBQH TPHCM, các đại biểu HĐND thành phố nhận được rất nhiều thông tin phản ánh liên quan đến tranh chấp trong các chung cư trên địa bàn quận Tân Bình, nhất là ở các chung cư mới. Bên cạnh đó là đơn thư liên quan đến việc giải quyết mua nhà, hóa giá nhà, hoặc chuyện xử lý, tháo dỡ chung cư cũ.

Trong 2 khóa Quốc hội vừa rồi, các ĐBQH rất quan tâm đến sự chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua căn hộ chung cư; thêm nữa là việc tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì 2%, có thể dẫn đến việc mất an ninh, trật tự. Thành phố cũng rất quan tâm việc các chủ đầu tư mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đem thế chấp ngân hàng để vay vốn, sau đó lại tiếp tục huy động vốn của người mua căn hộ chung cư. Có trường hợp chủ đầu tư trốn, phá sản, hoặc khi tòa xử, không có tiền trả cho ngân hàng, người dân.

Như vậy sẽ xảy ra chuyện tranh chấp giữa ngân hàng và người dân. Tất cả việc này sẽ đổ về cho Nhà nước giải quyết hậu quả. Đoàn ĐBQH thành phố muốn nghe các sở ngành, chính quyền địa phương kiến nghị sửa Luật Nhà ở như thế nào, để làm sao bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, chứ không đi giải quyết những việc tắc trách của chủ đầu tư.

Tin cùng chuyên mục