Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - khu vực của Đồng Tháp Mười với những giá trị về đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước, là một trong những điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Long An và cả nước.
Vài tuần qua, tại khu bảo tồn đang có nhiều loài quý hiếm tập trung về sinh sống, đặc biệt có một số loài sinh sản. Trong đó, quắm đầu đen - được xếp vào loài nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, có số lượng rất ít tại khu vực ĐBSCL, khó bắt gặp trong tự nhiên, đang xuất hiện và sinh sống tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Nơi đây cũng đang xuất hiện hơn 2.000 cá thể cò ốc (trong Sách đỏ Việt Nam), loài trước đây chỉ tập trung sinh sống ở nơi khác, nay đã về Láng Sen sinh sản. Loài quắm đen với hơn 300 cá thể sinh sống tại khu bảo tồn, được đánh giá là nơi tập trung với số lượng cá thể lớn nhất tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, loài giang sen - loài nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, cũng đang tập trung về Láng Sen với số lượng khá lớn. Sự hiện diện của nhiều loài cá thể quý hiếm về sống, sinh sản là điều đáng mừng cho Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Loài cò ốc (trong Sách đỏ Việt Nam) đã về Láng Sen sinh sản.
Tuy nhiên, hiện nay, theo ban giám đốc khu bảo tồn, nơi đây đang chịu một áp lực lớn từ những người dân sống tại vùng đệm khu bảo tồn (thuộc 3 xã giáp ranh Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại và Vĩnh Châu A), đặc biệt tại tuyến dân cư thuộc Kênh 79 - xã Vĩnh Lợi. Do một số hộ dân không có đất sản xuất và nghề nghiệp, chủ yếu là làm thuê nên nhiều người đã bẫy - bắt các loài chim nước khi các loài này bay ra khu vực bên ngoài (vùng tràm kinh tế) kiếm ăn, để bán kiếm sống làm giảm đi một số lượng đáng kể các loài chim nước. Phương pháp bẫy được xem là nguy hiểm nhất hiện nay là người dân dùng loại thuốc hóa học (thuốc sát trùng tím có tên khoa học là Puradance, công dụng để diệt mầm sâu bệnh) trộn vào cá làm mồi rồi mang rải ở những vũng nước cạn cho các loài này ăn. Chim ăn phải thức ăn nhiễm hóa chất chết, người dân gom về làm sạch (nhổ lông, lấy ruột) rồi bán cho một số quán nhậu tại địa phương và TPHCM.
Theo một bác sĩ tại Viện Y tế công cộng (Bộ Y tế), ăn những loài chim ăn phải thuốc sát trùng như thế chẳng khác gì gián tiếp ăn thuốc độc. Vì khi vào cơ thể các loài này, thuốc sát trùng sẽ ngấm, không đào thải được ra ngoài, nên người ăn vào rất dễ bị ngộ độc. Hiện tượng nóng, khô cổ họng... chính là do bị trúng độc của thuốc sát trùng.
TRƯƠNG NGỌC