Sau lũ người dân miền Trung lại đối mặt với “bão” giá. Lũ vừa rút, người dân nơi này cần rất nhiều thứ nhưng cái gì cũng đắt đỏ, khan hiếm và nhất là rau xanh.
Khan hiếm
Khảo sát ở các ngôi chợ trên địa bàn TP Huế, mặt hàng rau xanh rất khan hiếm, giá tăng từng ngày. Chị Hồ Thị Hậu, tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu, TP Huế nói: “Rau dền, mồng tơi 80.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng/kg). Các loại rau khác tăng giá từ 2 đến 3 lần so với tuần trước”.
Rau xanh bán tại các chợ ở TP Huế tăng giá 2-3 lần so với trước thời điểm lũ lụt
Trong khi theo chị Võ Thị Thanh, người có thâm niên kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả cho biết, không chỉ Huế mà giá rau xanh trong 3 ngày qua tại các địa phương lân cận cũng tăng giá theo. Nguyên nhân, hầu hết các vựa rau tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định và cả các tỉnh Bắc Trung bộ đều chết thối lũ dài ngày. Mặt khác, đường sá ngập lụt và hư hỏng nặng nên cước vận chuyển cũng tăng.
Cùng thời điểm, tại các chợ ở Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam, nhiều bà nội chợ không biết mua gì cho gia đình ăn sau lũ vì giá cả tăng cao. Anh Đặng Văn Hùng ở xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, giờ đi chợ mua rau khoai lang còn đắt hơn thịt cá. Giá rau khoai lang 10.000 đồng/bó, tăng gấp 4 lần, rau cải tăng 10.000 đồng/bó, đặc biệt giá ớt trái tăng đến 13.000 đồng/kg, gấp đôi ngày thường.
Còn bà Lê Thị Hoa là chủ quán cơm ở xã Điện Quang nói ngay, nhiều lần xách giỏ ra chợ Bảo An rồi về tay không. Lý do, rau, củ quả tăng giá từng giờ. Sau lũ, bà con ai cũng túng bấn, phần nhiều đi mua vật liệu về dựng nhà cửa, nhiều người tranh thủ lũ rút chờ xe vào Nam với món tiền ít ỏi sau nhiều ngày kẹt lũ.
Ngóng Trung ương chi viện
Ở nhiều chợ lớn ở Quy Nhơn - Bình Định, không những rau xanh mà các mặt hàng nhu yếu phẩm khác cũng trong tình trạng tương tự. “Nếu mưa lũ tiếp tục trong mấy ngày tới thì giá rau xanh và một số loại củ quả để được lâu như bầu, bí, khoai tây, cà chua... có thể tăng giá mạnh hơn nữa” - Nhiều tiểu thương ở chợ Đầm (TP Quy Nhơn) cho biết thêm, đối với thịt gia súc, gia cầm, giá biến động liên tục trong những ngày qua. Giá thịt heo có lúc lên đến 150.000 đồng/kg, sườn non 130.000 đồng/kg; thịt bò 255.000 - 270.000 đồng/kg (tăng 1,5 đến 2 lần so với thời điểm trước mưa lũ). Nguyên nhân, mưa lũ ngập lụt trên diện rộng nên các lò giết mổ gia súc nhiều nơi bị hư hỏng không hoạt động, khiến nguồn hàng giảm.
Trong khi giá cả tại nhiều chợ có biến động thì các siêu thị đang cố gắng giữ giá nên lượng khách hàng mua sắm tại các siêu thị của hệ thống Co.opmart tại Bình Định đã tăng 50% so với ngày thường và tăng đột biến vào những thời điểm tạnh mưa trong ngày.
Đại diện Co.op Mart Bình Định cho biết, mưa lũ triền miên khiến lượng hàng rau xanh cung cấp cho siêu thị từ các HTX nông nghiệp sản xuất rau củ quả VietGAP tại Bình Định đã giảm rõ rệt, có nhiều mặt hàng đứt hẳn. Hiện chỉ có HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa là nhà cung cấp chủ lực các mặt hàng này nhưng số lượng cũng rất hạn chế. Siêu thị chủ động tăng thêm lượng hàng rau xanh, củ quả nhập từ Lâm Đồng, ĐBSCL để phục vụ người tiêu dùng và điều tiết giá cả một cách hợp lý.
Các tỉnh miền Trung liên tục phải gánh chịu những đợt lũ chồng lũ trong vòng 1 tháng qua nên các vùng trồng rau màu lớn ở đây hầu hết chìm trong nước. Theo ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế, rau xanh ngập úng chết hết, dự báo thời gian tới vẫn còn mưa nên khả năng khôi phục sản xuất của bà con sẽ khó khăn. Các vựa rau lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam… cùng ngập nên nguồn rau bây giờ chủ yếu nhập từ các tỉnh thành phía Nam, phía Bắc. Còn đại diện các Sở NN-PTNT các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Bình Định thì cho rằng, việc tái sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các vùng chuyên canh rau xanh phải chờ khi nước rút hết. Song khó khăn nhất là nguồn giống dự trữ trong dân bị hư hỏng hết do ngâm nước quá lâu nên phải đợi Trung ương chi viện.
NHÓM PV
Phát động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ
(SGGP).- Ngày 20-12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào Nam Trung bộ khắc phục thiệt hại do mưa lũ.
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi lời thăm hỏi đến toàn thể đồng bào các vùng bị lũ lụt gây ra thiệt hại nặng nề.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, những ngày qua, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân các tỉnh, các lực lượng vũ trang đã hết lòng vì dân, chỉ đạo và trực tiếp tham gia cứu trợ nhân dân. Tuy nhiên, chỉ còn 36 ngày nữa là đến Tết cổ truyền dân tộc nhưng hàng triệu người dân của 5 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa đang gặp khó khăn về chỗ ở, lương thực.
Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, với tinh thần nhường cơm sẻ áo, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế dành cho đồng bào bị lũ lụt sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất. Sự giúp đỡ này sẽ góp nhân dân vùng bị lũ nhanh chóng khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống, “để không nhiều người dân phải đón tết mà trên đầu không có mái che, không có bàn thờ cúng ông bà tổ tiên”.
Ngay sau buổi lễ, các bộ ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã quyên góp ủng hộ đồng bào Nam Trung bộ khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Kết quả bước đầu, số tiền tiếp nhận và đăng ký ủng hộ là hơn 8,4 tỷ đồng.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến thăm, tặng quà và động viên người dân vùng lũ ở tỉnh Quảng Ngãi. Phó Chủ tịch nước đã trao 20 suất quà cho người dân xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, mỗi suất 1 triệu đồng; trao 200 triệu đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và 200 triệu đồng cho Quỹ bảo trợ trẻ em nghèo tỉnh Quảng Ngãi.
NHÓM PV
Xem xét miễn giảm lãi vay cho người dân miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ
Thống đốc NHNN Việt Nam vừa có văn bản số 9669 chỉ đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội và Chi nhánh NHNN tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Theo đó, các ngân hàng thương mại chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn và căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Cụ thể, các ngân hàng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới để khách hàng tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất, đồng thời thực hiện các biện pháp về xử lý nợ theo quy định. Tăng cường công tác an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Ngoài ra, hưởng ứng sự vận động của Thống đốc NHNN, cán bộ viên chức ngành ngân hàng đã chung tay chia sẻ với đồng bào miền Trung với tổng số tiền là 9,1 tỷ đồng với mong muốn đồng bào sớm ổn định cuộc sống.
HÀM YÊN