Trong bản báo cáo thứ 8 về bảo mật của Microsoft tại Việt Nam, kết quả phân tích dữ liệu từ hơn 500 triệu máy tính trên toàn thế giới, cho thấy tội phạm mạng đang tiếp tục nâng cao năng lực triển khai tấn công, bao gồm cả việc sản phẩm hóa mã độc và bổ sung thêm nhiều tính năng vào các mã độc để tấn công vào những đối tượng cụ thể.
Thậm chí, tội phạm mạng còn luôn cập nhật, trao đổi, bán mã độc cho nhau để mở rộng tấn công, thay thế các công cụ tấn công yếu kém bằng các công cụ mới. Ngoài các mạng máy tính doanh nghiệp, máy tính cá nhân cũng liên tục bị tấn công bằng các phần mềm độc hại, thông qua các mạng xã hội. Dẫn chứng cụ thể nhất là ứng dụng lừa đảo mang tên 419 qua email, đội lốt là một ứng dụng bảo mật hợp pháp nhằm đánh lừa người dùng máy tính để phá hoại. Hiện nay, Mỹ đứng đầu thế giới về số lượng thư rác chứa mã độc (chiếm 20% thế giới). Việt Nam đứng thứ 20, cứ 1.000 máy tính, có 1.8 máy có phần mềm chứa mã độc.
Ngoài ra, tội phạm mạng tiếp tục đóng gói các tấn công trực tuyến thành các bộ công cụ (bộ “kits”) để gia tăng tối đa tác hại. Ví dụ như bộ kit khai thác trình duyệt Eleonore sử dụng nhiều phương thức khai thác khác nhau để tấn công vào nhiều loại trình duyệt internet, các phần mềm ứng dụng phổ biến trên các hệ thống.
Theo đánh giá của các chuyên gia bảo mật, tội phạm máy tính hiện nay chủ yếu có động cơ tài chính và đặc biệt nguy hiểm khi chúng không còn hoạt động đơn lẻ. Trong nửa năm qua, có tới gần 19 triệu máy tính gia đình đã diệt được các phần mềm độc hại thuộc hàng “top” như Win32/Taterf, Win32/Renos†, Win32/FakeXPA… trên 5 triệu máy tính diệt được virus nguy hiểm là Win32/Zlop. Điều này chứng tỏ thế giới ngày càng nhiều các mối đe dọa trực tuyến nhưng ngành công nghệ bảo mật cũng ngày càng tiến bộ hơn, người dùng chủ động bảo vệ mình hơn.
Tuy các mối đe dọa máy tính thay đổi liên tục, phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nhưng các quốc gia đã ngày càng quan tâm hơn tới việc bảo vệ mạng và hệ thống máy tính, sử dụng ngày càng nhiều các chương trình chống virus. Theo nghiên cứu của Microsoft tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều người sử dụng internet như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Nga, Hàn Quốc… hầu hết tỉ lệ sử dụng các sản phẩm bảo vệ máy tính ở các nước đều tăng từ 10 % đến 20%.
Tính chung cả thế giới có thêm hơn 41 triệu máy tính được bảo vệ. Một trong những nguyên nhân là do sản phẩm của các hãng bảo mật (Kaspersky, Panda, Symantec…) ngày càng phát triển. Ngoài ra còn có công lớn của Microsoft khi phát hành “tháng chương trình chống virus Security Essentials” miễn phí vào tháng 9-2009, được hai quốc gia đông dân là Trung Quốc và Brazil sử dụng phổ biến.
Kiên Giang