Nhiều nông dân trở thành tỷ phú

Nói đến “nhà nông”, thông thường người ta nghĩ đến những người dễ “an phận thủ thường”, chậm tiến về tư duy và lạc hậu về công nghệ... nhưng qua hàng ngàn mô hình làm giàu độc đáo vừa được Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp cho thấy, nhiều nông dân hôm nay đã trở thành những tỷ phú nhờ sự sáng tạo vươn lên trong cơ chế thị trường...
Nhiều nông dân trở thành tỷ phú

Nói đến “nhà nông”, thông thường người ta nghĩ đến những người dễ “an phận thủ thường”, chậm tiến về tư duy và lạc hậu về công nghệ... nhưng qua hàng ngàn mô hình làm giàu độc đáo vừa được Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp cho thấy, nhiều nông dân hôm nay đã trở thành những tỷ phú nhờ sự sáng tạo vươn lên trong cơ chế thị trường...

Chọn mô hình độc đáo

Theo Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân Việt Nam, sau khi mở cửa thị trường và thực hiện theo cơ chế khoán 10, mặc dù vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro, khó khăn nhưng nhiều nông dân đã biết học hỏi và sáng tạo những mô hình làm ăn mới, thể hiện sự dám nghĩ dám làm, bằng cách chọn những hướng đi riêng để vượt lên. Có thể kể như mô hình trang trại nhãn chín muộn, trồng phong lan và nuôi gà của ông Triệu Tiến Ích ở thôn Lai Dụ, xã An Thượng (Hoài Đức - Hà Nội). Sau nhiều năm nghiên cứu thị trường, ông Ích nhận ra một điều, các trái cây của Việt Nam thường chín rộ vào một mùa, thậm chí trong 1 tháng nên phải bán giá rẻ, bị tư thương ép giá nên ông đã miệt mài lai ghép ra giống nhãn chín muộn hơn bình thường 1-1,5 tháng để bán rải ra và có giá cao. Bây giờ cả vùng phía Tây Hà Nội đều trồng nhãn trái mùa với hơn 350ha. Riêng ông Ích thu mỗi năm 2,1 tỷ đồng tiền bán nhãn.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tâm (55 tuổi) ở khu Tân Trà 1, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) từ công việc lái máy cày thuê, nay đã trở thành tỷ phú và được bình bầu nông dân giỏi năm 2015, từng được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến tận nơi thăm mô hình trồng sầu riêng vào năm 2002. Anh Tâm kể: “Trong khi mọi người đổ xô trồng cà phê thì tôi chọn trồng sầu riêng vì thị trường TPHCM bán rất chạy”. Từ 3ha đầu tiên vào năm 1997, sau vài năm, vợ chồng anh đã thuê thêm đất bỏ hoang để mở rộng trang trại sầu riêng lên 11ha, rồi bây giờ có thêm 13ha quýt, 9ha cam, bưởi, chôm chôm và 15ha cao su nữa. Trừ hết chi phí, anh Tâm thu lãi tới 700 triệu đồng/năm và còn tạo thu nhập cho 15-20 người làm thuê trong vùng với tiền công 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Cánh đồng khoai lang của anh Cường

Đáng ngạc nhiên là mô hình trồng khoai lang của anh Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), từ hai bàn tay trắng giờ đã trở thành ông chủ của trang trại khoai lang rộng tới 60ha và thật không ngờ, chỉ từ khoai lang mà anh có thể thu lãi hơn 8 tỷ đồng mỗi năm. Từ miền Bắc vào Kiên Giang, thấy đất rộng mênh mông mà bà con chỉ trồng lúa theo mùa nước nổi, không thấy ai trồng luân canh một vụ lúa một vụ hoa màu. Anh bắt tay thử nghiệm trồng 1ha khoai lang và ngay vụ đầu thu hoạch được 30 tấn. Rồi không chỉ khoai lang, anh còn mở rộng diện tích trồng cả dưa hấu để tăng giá trị của đất. Không chỉ làm cho riêng mình, anh còn vận động hàng chục hộ gia đình cùng học tập, từ câu lạc bộ luân canh đã phát triển thành Hợp tác xã khoai lang Mỹ Thái.

Cách đây 10 -15 năm, chúng ta vẫn còn xa lạ với những cánh đồng 50 triệu đồng/ha nhưng bây giờ đã có những mô hình 100 - 200 triệu đồng/ha trên cả ba miền đất nước. Để khích lệ và nhân rộng các mô hình độc đáo, hàng năm Hội Nông dân Việt Nam và Bộ NN-PTNT đều tổ chức biểu dương các mô hình nông dân làm kinh tế giỏi, nông dân vượt khó trở thành triệu phú, tỷ phú hoặc các mô hình sáng tạo, tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật để cải tiến giống và năng suất trong sản xuất nông nghiệp... Trong tháng 10 vừa qua, Hội Nông dân Việt Nam đã vinh danh 63 nông dân tiêu biểu của năm 2015 và trong tháng 11 này, Bộ NN-PTNT tiếp tục tặng bằng khen cho những nông dân xuất sắc khác.

Hậu thuẫn nông dân làm giàu

Bộ NN-PTNT cho biết, nhìn lại quá trình 70 năm thành lập Bộ Canh nông cũng như lịch sử 70 năm nông nghiệp Việt Nam, có thể khẳng định vai trò sản xuất của nông dân rất quan trọng, từ chỗ đảm bảo an ninh lương thực đến xuất khẩu nông sản. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận xét: “Nếu nhìn lại quá trình 70 năm nông nghiệp, nông thôn ở nước ta có thể nhận thấy rõ sự thay đổi vị thế của người nông dân, từ chỗ đa số đi làm thuê, nghèo đói, ngày nay đã có ruộng đất của riêng mình, có tư liệu sản xuất, được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, về khoa học kỹ thuật và nguồn vốn... để trở thành những nông dân sản xuất hàng hóa với trình độ sản xuất cao và có hiệu quả hơn. Nhờ thế, đa số nông dân nước ta đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, có thu nhập và cuộc sống ngày càng khá giả hơn”.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nông nghiệp nước ta trong khoảng thời gian dài nữa vẫn phải dựa vào sản xuất theo quy mô hộ gia đình và trang trại. Trong khi nông nghiệp nước ta đã và sẽ hội nhập sâu sắc với kinh tế thế giới; phải cạnh tranh ngay ở trong nước với nông sản ngoại. Chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp để giúp các hộ sản xuất nhỏ có thể vươn lên, nắm được khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường để làm ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng với hiệu quả cao hơn. Nhà nước sẽ tạo những chính sách tốt nhất cho nông dân làm giàu từ nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường liên kết 4 nhà và gắn kết giữa sản xuất với thị trường, đẩy mạnh khuyến nông để đưa tri thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật ra đồng ruộng, trang bị chiếc “cần câu” cho nông dân cùng nhau làm kinh tế.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục