Các mỏ đá ở Quảng Bình được cấp phép thiếu tính toán dài hạn đã khiến cảnh quan núi đá vôi hùng vĩ hiếm có bị xẻ thịt tan hoang. Những ngọn núi lừng lững bên sông Gianh như: Lèn Bảng, Lèn Na, Lèn Thanh Thủy... hay các ngọn núi dọc quốc lộ 12A đi qua Lào đang ngày càng teo lại rồi… biến mất.
Như tranh họa đồ
Đấy là một câu ca nói về đường vô xứ Nghệ, nhưng nhiều học giả khi vào sông Gianh, Quảng Bình cũng phải thốt lên như vậy. Chúng tôi từng nhiều lần đi dọc sông Gianh tiến dần lên thượng nguồn, chứng kiến phong kỳ vĩ nhưng rất ít được miêu tả trong sách. Nó chỉ được viết trong địa chí làng hoặc cả vùng đất bởi những nhà địa phương học.
Hơn 10 năm trước, các nhà địa chất ở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội từng đánh giá các dãy núi đá vôi dọc sông Gianh lên đến huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa như một Hạ Long trên cạn. Cố giáo sư Nguyễn Quang Mỹ, khi làm Chủ tịch Hiệp hội Hang động Việt Nam từng lên tiếng: “Những hòn lèn mà người dân địa phương dọc sông Gianh đặt tên, nếu biết bảo tồn sẽ tồn tại mãi mãi và trở thành điểm du lịch nên thơ bởi được tạo hóa phối cảnh tài tình giữa sông, núi và hang động”.
Lèn Thanh Tiến bên sông Gianh đang được khai thác.
Cảnh hùng vĩ tan hoang
Lèn Bảng ở xã Tiến Hóa huyện Tuyên Hóa là một trong những ngọn núi đá vôi hùng vĩ bậc nhất trong khu vực. Ngày xưa người dân các xã vùng dưới huyện Quảng Trạch từ đèo Ngang đến Cảnh Dương, Quảng Phúc...ra biển đều lấy ngọn núi Lèn Bảng làm dấu vì nó to lớn, sừng sững và là di tích lịch sử của tỉnh. Tuy nhiên, núi đá vôi Lèn Bảng đã được Bộ TN-MT cấp cho Công ty cổ phần Cosevco 1 khai thác vào năm 2006, trữ lượng 24 triệu tấn, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy xi măng Sông Gianh. Giấy phép khai thác mỏ đá có thời hạn hơn 30 năm nhưng nay chưa được 10 năm, ngọn núi này đã tan hoang, xác xơ đến phân nửa.
Cách đó mấy trăm mét là núi Lèn Na đang được khai thác rầm rộ với công nghệ nghiền sàng 50 tấn mỗi giờ. Bà Lê Thị Trừ, người từng có mặt trong đội hình pháo 12,7 ly chốt giữ vùng trời bắn máy bay Mỹ thời xưa, tâm sự: “Lèn Bảng, Lèn Thanh Thủy và các ngọn lèn khác trong vùng giúp chắn lụt rất tốt. Chắn gió bão nên người dân yên tâm lập làng dựng xóm. Sau khi những ngọn núi này bị phá làm mỏ đá, dân các thôn Bàu Trúc 1, Bàu Trúc 2, Bàu Trúc 3 phải sống suốt ngày với gió bụi. Rất cực khổ”. Sát ngay mỏ đá Lèn Thanh Thủy là di tích lăng mộ của Đề đốc Lê Trực, từng dấy binh theo phong trào khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp, khi ngọn núi bị xẻ thịt, bụi bặm vây làng, vây cả khu mộ của tiền nhân Lê Trực.
Rời Tiến Hóa, đi một đoạn gặp cầu Châu Hóa. Trên cầu nhìn về tả ngạn dòng sông, từng có một khối núi đá hữu tình nhưng nay đã vĩnh viễn biến dạng.
Tại xã Thạch Hóa, Công ty Mai Thanh và Công ty cổ phần Cosevco 1.5 đang khai thác 2 mỏ đá lớn kề nhau. Đây là “nhà” của hàng trăm cá thể linh trưởng quý hiếm voọc Hà Tĩnh kéo về ở nhưng người dân đang lo lắng: “Sợ chúng sẽ bỏ đi vì mìn nổ, tiếng xay đá náo động cả một vùng quê thanh bình”. Cứ mỗi 17 giờ chiều hàng ngày, mỏ đá ở đây ngăn con đường độc đạo dẫn vào xã và cho nổ mìn. Trong khi đó, tại thôn 3 xã Phúc Trạch (Bố Trạch) thuộc vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng, người dân tự phát dựng lên cả một công trường khai thác đá “lậu”. Họ khai thác công khai hơn 10 ngọn núi không thương tiếc, mặc dù chính quyền địa phương đã cấm.
Tiếc nuối!
Hiện Quảng Bình có 51 mỏ đá được cấp phép, trong đó có 6 mỏ đá được cấp bởi Bộ TN-MT. Có điều lạ, các mỏ đá tuy làm ăn phát đạt, nhưng các đơn vị này hiện nợ thuế tài nguyên và phí môi trường lên đến hơn 40 tỷ đồng.
Ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (địa phương có 17 mỏ đá), nhìn nhận: “Bây giờ thấy tiếc vô cùng vì khi nhận ra đã muộn mất rồi. Thế nên 2 năm qua huyện không đưa vào quy hoạch thêm bất cứ mỏ đá nào hết”.
Ông Trương Viết Cư, Trưởng phòng Khoáng sản, thuộc Sở TN-MT Quảng Bình, cho biết, rút kinh nghiệm của việc quy hoạch khoáng sản trên địa bàn giai đoạn 2011-2015, bản quy hoạch mới về các mỏ khoáng sản từ 2016-2020 sẽ không phát triển thêm các mỏ đá. Riêng các mỏ đá đã cấp phép sát trục quốc lộ 12A, ảnh hưởng đến dân thì hiện không xem xét cấp lại.
|
MINH PHONG