Nhiều rủi ro kinh tế

Trong bản dự báo Triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh lại mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 là 3,2%, tiếp tục thấp hơn các con số 3,8%; 3,6% và 3,4% mà IMF từng đưa ra hồi tháng 7, tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay.

Trong bản dự báo Triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh lại mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 là 3,2%, tiếp tục thấp hơn các con số 3,8%; 3,6% và 3,4% mà IMF từng đưa ra hồi tháng 7, tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay.

Đến năm 2017, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có mức phục hồi nhẹ ở con số 3,5%. IMF cảnh báo suy thoái kinh tế ở các thị trường mới nổi sẽ làm “đóng băng” các hoạt động giao dịch và đầu tư toàn cầu. Mức tăng trưởng của thị trường mới nổi sẽ ở con số 4,1% năm 2016 và 4,6% trong năm 2017, giảm từ 0,1% đến 0,2 % so với bản dự báo đưa ra hồi đầu năm nay của IMF.

Đối với nền kinh tế Trung Quốc, nước này sẽ có sự giảm tốc tăng trưởng từ con số 6,5% vào năm ngoái xuống còn 6,3% trong năm nay và 6,2% trong năm 2017. Trước đó, IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 và 6,5% trong năm 2017. Tình trạng dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp được cho là kéo lùi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm nay. Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, nhóm 5 nước ASEAN (Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia) sẽ có mức tăng trưởng GDP ở mức 4,8% trong năm nay và 5,1% vào năm tới.

Một bản dự báo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong thời gian gần đây cho biết tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương (EAP), dự kiến giảm nhẹ từ mức 6,5% trong năm 2015 xuống còn 6,3% trong năm 2016 và 6,2% trong năm 2017-2018. Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển ở khu vực này đạt 4,7% trong năm 2015, dự kiến tăng nhẹ lên 4,8% trong năm 2016 và 4,9% trong năm 2017-2018. Triển vọng của từng nước sẽ thay đổi dựa trên quan hệ tài chính và thương mại với các nền kinh tế có thu nhập cao và Trung Quốc, cũng như sự độc lập của các nước trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Báo cáo nhận định trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á, Philippines và Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất, có thể đạt hơn 6% trong năm 2016.

IMF nhận định, so với các nền kinh tế khác, thị trường các nước mới nổi đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn, ngoại trừ Ấn Độ do nước này có mức gắn bó thấp với kinh tế toàn cầu. Các nước này dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với USD, dự trữ ngoại hối giảm, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp cao và sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô. Rủi ro cũng có thể tới từ việc kinh tế Trung Quốc hay Nhật Bản tăng trưởng chậm hơn dự kiến và USD vẫn đang ở mức cao. USD tăng giá, nghĩa là gánh nặng về các khoản nợ bằng USD của các doanh nghiệp sẽ lớn hơn. Do đó, các nước cần áp dụng các chính sách tiền tệ và tài chính cũng như tiếp tục tái cơ cấu nhằm thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng toàn diện. IMF cũng kêu gọi giám sát chặt chẽ các rủi ro kinh tế, đặc biệt là các mức nợ cao, Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị đối phó với các thảm họa thiên nhiên, đòi hỏi việc duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng và tái cấu trúc. Về dài hạn, các chính phủ nên tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm, hối thúc các nước dỡ bỏ rào cản thương mại khu vực trong đó có các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục