Cà phê là ngành hàng quan trọng, góp 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm nay đều trên 3 tỷ USD. Với 5 tỉnh Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc, mặt hàng này chiếm khoảng 30% GDP mỗi tỉnh, tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động. Tuy nhiên, ngành cà phê đang đứng trước nhiều thách thức…
Hạn chế nhiều mặt
Niên vụ 2013 - 2014, Việt Nam xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê, kim ngạch 3,4 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng, nhưng chỉ tăng 12,5% về kim ngạch. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê niên vụ vừa qua, cao nhất là tháng 8-2014 với 40.800 đồng/kg, thấp nhất là 30.700 đồng/kg (tháng 11-2013), tương đương giá xuất khẩu là 1.521 USD/tấn và 2.037 USD/tấn với mức trừ lùi 70 USD/tấn tại sàn Liffe (London - Anh quốc). Đây là giá khá thấp.
Vấn nạn hái trộm cà phê nói riêng và nông sản nói chung đã tạo cho người trồng cà phê thói quen khi vườn cây chín 30% - 40% trái trên cây là thu hoạch. Bên cạnh đó sau vấn đề phơi sấy, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch vẫn còn hạn chế. Tập quán canh tác, chăm sóc của người trồng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Cơ cấu giống cây nhiều nơi chưa phù hợp, diện tích cà phê già cỗi tăng lên… góp phần làm giảm chất lượng hạt cà phê. Khi thu hoạch, nông dân thường bỏ quả tươi vào máy xay làm tróc vỏ để giảm thời gian phơi, nhưng khi gặp mưa dễ làm hạt cà phê bị mốc; lúc đó lại dùng củi đốt nên hạt cà phê bị ám khói, mất màu tự nhiên. Chưa kể, việc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị còn hạn chế.
85% diện tích cà phê thuộc sở hữu của nông hộ nhỏ gây khó cho việc nâng cao chất lượng và tái canh. (Ảnh chụp tại huyện Ear Kar, tỉnh Đắk Lắk).
Theo Hiệp hội Cà phê thế giới (ICO), cà phê Việt Nam chiếm 19% lượng giao dịch toàn cầu, là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới sau Brazil và đứng số 1 về cà phê vối (Robusta). Vậy nhưng như những mặt hàng nông sản khác, ngành hàng cà phê còn nhiều điều phải làm nếu muốn phát triển bền vững. Cà phê Việt Nam còn phải cần nâng cao chất lượng, thương hiệu, kỹ năng bán hàng hơn nữa để bán được giá tốt hơn. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy chế biến tại Việt Nam với ý định làm ăn lâu dài cảnh báo nguy cơ khả năng đến thời điểm nào đó, 80% lượng cà phê Việt Nam sẽ do công ty nước ngoài cung ứng nếu bản thân doanh nghiệp không thay đổi cách làm.
Trong khi đó, từ năm 2015, chính thức mở cửa các nước Cộng đồng chung ASEAN, do vậy, các nước trong khu vực có nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường chế biến cà phê Việt Nam. Các hiệp định thương mại đang đàm phán như TPP, FTA với EU, với Nga… là những thách thức với doanh nghiệp nội địa.
Vấn đề sống còn
Bài học từ Colombia, Indonesia cho thấy, khi cây cà phê già cỗi đến 50% - 60% diện tích mới tiến hành tái canh là chậm, sản lượng cà phê giảm đột ngột, ảnh hưởng đến nền kinh tế, đời sống người trồng và vị trí trên thị trường thế giới. Trong số 622.000ha cà phê, diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm chiếm 17% cần phải tái canh đến 2020. Nhưng độ tuổi chỉ là một trong những chỉ tiêu, bởi lẽ còn có khoảng 40.000ha cà phê dưới 20 năm nhưng đã có biểu hiện già cỗi khi sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không có trái làm năng suất và chất lượng vườn cây thấp. Như vậy, trong 5 - 10 năm tới, tổng diện tích vườn cà phê cần tái canh và chuyển đổi là 140.000 - 160.000ha, chiếm khoảng 25% diện tích.
Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề phát sinh làm cho việc thực hiện bị chậm. Theo quy trình tái canh của Bộ NN-PTNT, cần 2 - 3 năm để làm kiến thiết cơ bản, diệt các mầm bệnh như tuyến trùng, nấm… trong đất. Như vậy phải 4 - 6 năm sau khi tái canh mới có sản phẩm thu hoạch. Nhưng với 85% diện tích cà phê là các hộ dân từ 2ha trở xuống, thời gian đó là “không tưởng”, lấy gì để có thu nhập trong thời gian này. Vì vậy, bà con yêu cầu tái canh “cuốn chiếu”, thời gian kiến thiết là 1 năm. Thực tế cho thấy, tỷ lệ tái canh thành công thấp. Sau 2 - 3 năm trồng, nhiều diện tích cà phê bị vàng lá, khô cành và chết, gây thiệt hại đáng kể.
Vốn cho tái canh với lãi suất 9%/năm, thời gian ngắn, người dân không kham nổi. Nhưng cái vướng hiện nay là để được ngân hàng xét cho vay vốn, diện tích cà phê phải nằm trong quy hoạch, trong khi mới chỉ có tỉnh Đắk Lắk trong số 5 tỉnh Tây Nguyên ban hành quy hoạch trồng cà phê tái canh. Ngay cả việc cấp quyền sử dụng đất chậm nên nhiều trường hợp hộ dân không có tài sản thế chấp. Với các công ty, vốn cho việc tái canh 1ha cà phê là 180 - 200 triệu đồng/ha, người dân là 160 triệu đồng/ha, nhưng với hộ dân chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng, hộ kinh doanh 200 triệu đồng, HTX 500 triệu đồng. Vì vậy, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) kiến nghị, lãi suất cho người trồng cà phê chỉ 5% - 6%/năm, thời gian vay tối thiểu 7 năm, cho phép ân hạn 3 trả lãi 3 năm đầu khi chưa thu hoạch, cho vay vốn từ khi cải tạo đất sau 2 năm để trồng mới và nâng mức cho vay hộ dân lên 100 triệu đồng, các đối tượng khác là 500 triệu đồng và 3 tỷ đồng.
CÔNG PHIÊN