Nhiều thay đổi với BHYT học sinh, sinh viên

Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên có một số thay đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014. Trước thềm năm học 2015-2016, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM, đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về các vấn đề liên quan. * Phóng viên:

Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên có một số thay đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014. Trước thềm năm học 2015-2016, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM, đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về các vấn đề liên quan.

* Phóng viên:
Thưa ông, BHYT học sinh, sinh viên năm nay có điểm nào thay đổi cần được lưu tâm?

* Ông CAO VĂN SANG: Có 2 điểm thay đổi tác động đến việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên. Thứ nhất, mức đóng BHYT mỗi tháng trước đây bằng 3% mức lương cơ sở (3% x 1.150.000 đồng) thì nay theo quy định mới, mức đóng bằng 4,5%. Thứ hai, thời hạn sử dụng của thẻ BHYT mọi năm tính theo năm học (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), nhưng từ năm nay, thời hạn thẻ được tính theo năm tài chính (từ tháng 1 đến hết tháng 12).

Năm học 2015-2016 là thời điểm giao thời thực hiện quy định mới, nên thời hạn của thẻ BHYT học sinh, sinh viên được tính từ ngày 1-10-2015 đến 31-12-2016 (15 tháng). Như vậy, mức đóng BHYT học sinh, sinh viên cụ thể là 4,5% x 1.150.000 đồng x 15 tháng = 776.250 đồng. Trong đó, học sinh, sinh viên đóng 70%; ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%. Do đây là năm học đầu tiên thực hiện BHYT học sinh, sinh viên theo Luật BHYT sửa đổi nên nhà trường có thể tổ chức thu BHYT học sinh, sinh viên theo 2 phương án: Phương án 1, học sinh, sinh viên đóng đủ 15 tháng; phương án 2, đóng thành 2 đợt 6 tháng và 9 tháng.

* Những khác biệt trong quyền lợi khi học sinh, sinh viên khám chữa bệnh đúng tuyến và trái tuyến?

* Học sinh, sinh viên đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện tuyến quận, huyện và tương đương; các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tương đương theo danh sách của cơ quan BHXH cung cấp trên trang web http://bhxhtphcm.gov.vn/ hoặc được niêm yết ở nhà trường.

Khi khám chữa bệnh đúng quy định thì được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với các trường hợp sau: Chi phí cho 1 lần khám chữa bệnh thấp hơn 175.500 đồng; khám chữa bệnh tại tuyến xã; khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6,9 triệu đồng. Đối với các trường hợp khác thì được thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh.

Trường hợp học sinh, sinh viên có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, sẽ được thanh toán theo tỷ lệ: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh và 70% với bệnh viện tuyến huyện (nội trú lẫn ngoại trú). Trường hợp khám chữa bệnh tại nơi không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, học sinh, sinh viên cũng được thanh toán theo quy định.

* Việc thực hiện giữa các cấp học ra sao nhằm đảm bảo mục tiêu 100% các trường có 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT?

* Năm qua, tại TPHCM, có gần 90% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Việc thực hiện ở các trường cấp 1, 2, 3 rất tốt. Riêng ở các trường cao đẳng, đại học, nhất là các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập, tỷ lệ sinh viên tham gia thường chưa đầy đủ.

Theo quy định, việc tổ chức thu BHYT học sinh, sinh viên là trách nhiệm của nhà trường. Chỉ tiêu tham gia BHYT học sinh, sinh viên cũng là một chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các trường học. Song, nhiều trường cao đẳng, đại học chưa thật sự quan tâm đôn đốc thực hiện đã dẫn đến tỷ lệ chung của thành phố mới đạt gần 90% và đây là một thách thức không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT với 100% học sinh, sinh viên ở năm học 2015-2016. Điều đó đòi hỏi các trường cần thực hiện tốt hơn nữa, mở rộng độ bao phủ BHYT theo chỉ đạo của Trung ương và UBND TPHCM.

MẠNH HÒA (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục