Ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ vật dụng trong một căn phòng 10m2 của tòa nhà 33 tầng Trung tâm Thương mại Sài Gòn là thiệt hại nhỏ. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và tại chỗ đã hướng dẫn hàng trăm người ra khỏi đám cháy và dũng cảm lao vào làn khói dày đặc ngăn chặn ngọn lửa lây lan sang các khu vực khác là điều đáng ghi nhận. Nhưng từ đây, nhiều vấn đề liên quan đến công tác chữa cháy các tòa nhà cao tầng lại được đặt ra.
Thấy khói, nhưng không biết lửa ở đâu?
Có mặt tại hiện trường vài phút sau khi tòa nhà Trung tâm Thương mại Sài Gòn (Saigon Trade Center – S.T.C) phát cháy, PV Báo SGGP chứng kiến các cán bộ – chiến sĩ từ trong làn khói dày đặc bước ra đều mệt lã người. Quần áo ướt sũng, giật cái mặt nạ ra khỏi đầu, một chiến sĩ PCCC cho biết: “Khói dày đặc lắm, không tiếp cận được ngọn lửa!”. Với một diện tích nhỏ như vậy thì việc chữa cháy lẽ ra không có gì khó khăn so với nguồn nước dồi dào tràn ngập tòa nhà và lực lượng tham gia chữa cháy hùng hậu. Tuy vậy phải mất một thời gian khá dài đám cháy mới được khống chế vì lý do duy nhất: khói quá nhiều. Sở cảnh sát PCCC đã huy động 2 máy hút khói, nhưng do khói quá nhiều nên phải mất khá nhiều thời gian để làm thông thoáng khu vực.
Biết cháy nhưng không biết chạy đâu…
Các nhân viên có mặt bên trong tòa nhà trong lúc xảy ra cháy đã cho biết như vậy. Anh N.S., làm việc tại khu vực lầu 3, kể: “Tôi thấy mọi người xô bàn, ghế chạy ra khỏi phòng. Tôi chạy ra theo nhưng khói đã bao trùm khu vực lầu 3. Điện cúp, tôi lao vào cầu thang bộ. Đến khu vực lầu 2 thì gặp người hướng dẫn đi theo lối cầu thang thoát nạn!”. Nhưng đa số nhân viên làm việc ở các tầng trên thì không hề biết động tĩnh gì. Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 27-3 (tức là khoảng sau 1 giờ đồng hồ xảy ra vụ cháy), chị Nguyễn Hoàng Bích, nhân viên Công ty Down Croming mới rời khỏi tòa nhà. Chị Bích cho biết: “Tôi đang làm việc một mình ở tầng 23. Khoảng gần 18 giờ, phòng làm việc của tôi bất ngờ bị cúp điện nhưng chỉ vài phút sau thì có lại. Tôi hoàn toàn không nghe chuông báo động. Mãi một lúc sau có một anh bảo vệ vào phòng và yêu cầu tôi rời khỏi phòng. Thú thật khi hay tin tòa nhà bị cháy tôi muốn xỉu”. Sau khi vụ cháy xảy ra, nhiều người cho rằng: Với tầm cỡ quy mô xây dựng hiện đại như thế mà tòa nhà không có đèn chiếu sáng sự cố cũng như cầu thang thoát nạn chống tụ khói thì quả là một thiếu sót nghiêm trọng.
Đại tá Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết: “Tháng 2-2007, qua kiểm tra tòa nhà 33 tầng chúng tôi phát hiện 5 vi phạm, nhưng không phải là các thiếu sót về hệ thống chữa cháy hay lối thoát nạn”. “Trong các lần thực tập phương án, diễn tập, chúng tôi đều chú trọng đến các vấn đề nêu trên. Trước mắt chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại những thông tin mà báo chí đã nêu!”, ông nhấn mạnh.
Hầu hết nhà cao tầng đều được thiết kế khá kín, với các dãy kính trong suốt bao bọc xung quanh. Do vậy khi xảy ra cháy sẽ dễ sinh tụ khói và khó cứu chữa. Trong khi đó, các máy hút khói mà lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đang sử dụng đều có công suất nhỏ. Đó là chưa kể, dù được trang bị tốt nhất so với các tỉnh thành khác nhưng lực lượng chữa cháy tại TPHCM vẫn đang thiếu các trang thiết bị so với yêu cầu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng chữa cháy khó tiếp cận đám cháy tại tòa nhà S.T.C.
ĐOÀN HIỆP
Thông tin liên quan |