
Người tiêu dùng TPHCM ngày càng chú trọng tới những sản phẩm an toàn, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu trên, những năm gần đây, TPHCM khuyến khích các doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX) tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung mở rộng sản xuất, cung ứng các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Theo số liệu của Sở NN-PTNT TPHCM, trên địa bàn đã có 9 HTX, Liên tổ sản xuất rau an toàn (gọi chung là HTX) tổ chức sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Tổng diện tích rau VietGAP ở các HTX này là 144,6 ha, sản lượng 41,1 tấn/ngày.
Khả năng mở rộng diện tích sản xuất rau VietGAP của các HTX nhìn chung còn khá lớn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, dù chưa có số liệu chính thức các DN, HTX được công nhận đạt chuẩn VietGAP, song tại nhiều đơn vị bình ổn thị trường đã thể hiện rõ quyết tâm chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng VietGAP.

Kỹ sư chăn nuôi đang ghi nhật ký chăm sóc heo theo đúng quy trình VietGAP. Ảnh chụp tại Trại chăn nuôi heo của HTX Tiên Phong, Củ Chi, TPHCM Ảnh: TƯỜNG DÂN
Tại Công ty TNHH Phạm Tôn, sau hơn 3 năm nỗ lực triển khai quy trình chăn nuôi gia cầm theo VietGAP, tính đến cuối năm 2013, công ty đã được công nhận VietGAP tại 6/8 trại chăn nuôi. Cùng với đó, công ty cũng đang áp dụng quy trình VietGAP tại tất cả các trại chăn nuôi liên kết với các HTX, DN. Theo tính toán của bà Tôn Thanh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Phạm Tôn, việc đầu tư các trại chăn nuôi theo VietGAP tuy có tốn kém hơn, nhưng về lâu dài công ty sẽ phát triển bền vững, đáp ứng được xu hướng cũng như đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng TP.
Tương tự, Công ty Vĩnh Thành Đạt, San Hà, Ba Huân… cũng đang tích cực xây dựng quy trình để tiến tới thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm trứng gia cầm.
Đối với mặt hàng thịt heo, từ dự án Lifsap, đã có 8 xã viên thuộc HTX Tiên Phong được chứng nhận VietGAP. Hiện nay Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Công ty Vissan cũng đang triển khai thực hiện chăn nuôi theo VietGAP. Bên cạnh đó, 288 nông hộ và trang trại thuộc 15 nhóm sản xuất của dự án Lifsap đang sản xuất theo hướng VietGAP, với khả năng cung ứng hàng năm là 3.362 tấn.
Ở nhóm mặt hàng trái cây, hiện có một số tổ sản xuất cây ăn trái như ổi, chôm chôm, măng cụt, xoài cát… ở huyện ngoại thành TP đang triển khai sản xuất theo mô hình VietGAP nhằm đáp ứng cho khách du lịch và tiêu thụ tại chỗ.
Khơi thông đầu ra cho hàng VietGAP
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhìn nhận, tiềm năng đưa thêm sản lượng rau VietGAP do các HTX trên địa bàn TP sản xuất vào hệ thống siêu thị còn khá lớn.
Trong khi đó, vẫn còn một số đơn vị cung ứng rau trên địa bàn TP, đặc biệt là rau VietGAP vẫn chưa có điều kiện và cơ hội đưa hàng hóa vào được các hệ thống phân phối do còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến phương thức, quy trình thu mua, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, điều kiện đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
|
Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được khái niệm, kỹ thuật, quy trình sản xuất và những lợi ích cơ bản trong quá trình sử dụng của rau an toàn và rau VietGAP nên dễ gây sự nhầm lẫn, chưa thấy được sự khác biệt của 2 loại rau này. Mặt khác, giá bán rau VietGAP luôn cao hơn từ 10% - 15% so với các loại rau khác nên làm cho thị phần loại rau này chưa có điều kiện phát triển…
Để hỗ trợ các DN, HTX sản xuất, tháng 5-2014 vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với 17 chợ loại 1 của TPHCM bàn bạc về việc đưa rau VietGAP vào các chợ này. Trước mắt, các chợ sẽ xây dựng kế hoạch đưa hàng VietGAP bán chung với các loại rau khác, các DN và HTX cung cấp sẽ bán “gối đầu” cho tiểu thương, đồng thời sẽ thu nhận và đổi trả lại lượng rau không tiêu thụ hết.
Để đảm bảo đủ chi phí ngồi chợ cho tiểu thương, mức chiết khấu sẽ là 10% cho các loại rau và giá bán sẽ ngang bằng với các loại rau củ quả đang bán xá nhằm tạo sức cạnh tranh cho rau VietGAP. Cùng với đó, sở sẽ tạo điều kiện cho các DN phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng chuyên doanh rau VietGAP rộng khắp trên địa bàn TP. Đối với các siêu thị, các sở, ngành tiếp tục thực hiện các đợt kết nối trực tiếp, trong đó bố trí các gian hàng riêng cho sản phẩm VietGAP để tăng sự nhận biết của người tiêu dùng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, trong định hướng phát triển kinh tế từ nay đến năm 2015, tầm nhìn 2020, TPHCM sẽ ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được chứng nhận VietGAP, từng bước loại bỏ các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để đạt được mục tiêu này, TPHCM đã và đang triển khai nhiều chương trình kích cầu, hỗ trợ các DN phát triển mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi tạo nguồn hàng cung ứng cho thị trường TP. Mặt khác, TP đã giao cho các sở, ngành chức năng rà soát, thống kê khả năng cung cầu hàng hóa của các DN cũng như nhu cầu tiêu thụ sản phẩm VietGAP tại các kênh phân phối, từ đó có biện pháp tổ chức sản xuất và đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng tốt hơn.
HẢI HÀ