Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng nay, 4-11, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Hiện hữu nỗi lo nợ đọng
Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thẳng thắn nhận định, nhiều tiêu chí về nông thôn mới bất hợp lý, gây lãng phí, quá chú trọng cơ sở hạ tầng như chợ, bưu điện… trong khi coi nhẹ việc phát triển các giá trị văn hóa xã hội. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, nếu không cải thiện toàn diện đời sống kinh tế - văn hóa ở nông thôn thì xu hướng di dân về thành phố là không thể tránh khỏi và đây là một xu hướng đáng lo ngại. “Nhiều người trong chúng ta tuy ở tỉnh, nhưng con cái đều lên Hà Nội mua nhà cửa”, ông thẳng thắn bày tỏ.
Một số đại biểu cho rằng nhiều tiêu chí về nông thôn mới bất hợp lý. Ảnh chỉ mang tính minh họa
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, việc quá tập trung ứng phó ngắn hạn đã làm xao nhãng sự chuẩn bị nâng cao năng lực hội nhập trong bối cảnh thách thức hội nhập càng gay gắt. Ông nói: “Chính phủ cần tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng đề án khả thi, đảm bảo kết quả tương xứng với chi phí và không thể cứ đầu tư tràn lan mà phớt lờ hệ lụy nợ đọng. Tính ra ở Bình Phước, nếu thực hiện đúng đồ án quy hoạch cho 100 xã thì mỗi năm phải chi gấp nhiều lần mức thu ngân sách của tỉnh”. Đây cũng là điều quan ngại của ĐB Nguyễn Ngọc Phương khi ông phản ánh có nhiều địa phương huy động quá sức dân, huy động đóng góp của cả các hộ nghèo, hộ người già, hộ chính sách. “Có 53/63 tỉnh thành nợ xây dựng nông thôn mới, một số trường hợp cán bộ lợi dụng chương trình này để tư lợi”.
Các ĐB Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Ngọc Phương và một số ĐB khác đều bày tỏ đồng tình cao với phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại các phiên họp trước đó của Quốc hội về dự kiến sửa đổi hạn điền, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao.
Cổ phần hóa các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư
Đây là đề xuất đáng lưu ý của ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội). Theo ĐB, để có thể tăng cường đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu thì vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Bình phân tích, các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư hiện nay thường không gắn kết chặt chẽ với thị trường, nên không giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm đầu ra. “Nên cổ phần hóa các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, như vậy vừa đỡ gánh nặng cho ngân sách, vừa tăng tính hiệu quả trong hoạt động. Thực tế cho thấy khi có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, như trường hợp sản xuất hoa, rau quả ở Lâm Đồng thì hiệu quả sản xuất nông nghiệp đạt rất cao. Cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân là mục đích cao nhất của chương trình”, ĐB Quốc Bình nhận định.
ANH PHƯƠNG