Nhiều trường ĐH vẫn khó tuyển đủ chỉ tiêu

(SGGP).- Ngày 1-9, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung đợt 1. Một số trường như ĐH Thương mại, Học viện Báo chí và tuyên truyền đều lấy điểm chuẩn thấp hơn đợt đầu từ 1 đến 3 điểm. Điểm chuẩn 15 ngành xét tuyển bổ sung của ĐH GTVT Hà Nội cũng giảm nhẹ. ĐH Bách khoa Hà Nội không giảm điểm chuẩn, một số ngành đào tạo theo chương trình tiên tiến, quốc tế điểm chuẩn tăng nhẹ.

Kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1, nhiều trường tốp trên nhận số hồ sơ đăng ký sát với chỉ tiêu, trường top giữa còn thiếu. Nhưng do nguồn tuyển gần như cạn kiệt nên lãnh đạo nhiều đại học cho biết sẽ không tuyển bổ sung đợt 2. Đơn cử, Học viện Báo chí và tuyên truyền chỉ nhận được 502 hồ sơ xét tuyển bổ sung, gần bằng số chỉ tiêu còn thiếu là 500 (chưa tính tỷ lệ ảo) nhưng trường dự kiến sẽ không tuyển bổ sung đợt tiếp theo.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các trường trong nhóm GX về cơ bản đều đã tuyển đủ chỉ tiêu và sẽ không xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo.

Theo ông Phạm Văn Bổng, Hiệu phó ĐH Công nghiệp Hà Nội, trường tuyển bổ sung 700 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt này khoảng 1.000. Trường xác định sẽ không tuyển bổ sung đợt 2 dù số hồ sơ này vẫn có tỷ lệ ảo. ĐH Lâm nghiệp xét tuyển bổ sung 800 chỉ tiêu, trường nhận được 600 hồ sơ đăng ký. ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên nhận được hơn 200 hồ sơ trong khi tuyển bổ sung hơn 600 chỉ tiêu…

LÂM NGUYÊN


Không có phương án tuyển sinh nào hoàn hảo?

Đợt 1 và đợt xét tuyển bổ sung ĐH-CĐ đầu tiên vừa kết thúc. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với báo chí về  những băn khoăn của dư luận đối với mùa xét tuyển năm nay.

- Phóng viên: Thưa ông, dư luận cho rằng tuyển sinh năm nay “vỡ trận” bởi thí sinh ảo quá lớn?

>> Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Trong đợt 1 tổng số thí sinh đạt điều kiện xét tuyển sinh đại học là 404.000. Tổng số thí sinh đã tham gia đăng ký xét tuyển (ĐKXT) là 398.000. Số thí sinh đã đăng ký xác nhận nhập học đại học là 230.000. Tỷ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 230.000/320.000 đạt gần 72%. Tỷ lệ này xấp xỉ với đợt 1 tuyển sinh 3 chung (khoảng 75%). Chỉ có năm 2015 do thí sinh chỉ đăng ký vào 1 trường duy nhất nên hầu như không có ảo, nhiều trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt đầu tiên.

Trong số thí sinh tham gia đợt xét tuyển bổ sung đợt này có trên 25% thí sinh trên 20 điểm trở lên các khối A, B, C, D. Kết thúc ngày 31-8, các trường sẽ tải dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt bổ sung về để tiến hành xét tuyển. Cũng như lần trước, trong lần này Bộ GD-ĐT cũng cung cấp cho các trường cơ sở dữ liệu kèm theo danh sách tất cả các nguyện vọng đã đăng ký của thí sinh để các trường phân tích lọc ảo, xác định điểm chuẩn phù hợp.

Theo thống kê đến 16 giờ ngày 31-8, có 48.860 thí sinh ĐKXT bổ sung vào 80.950 lượt trường với 144.600 nguyện vọng. Số liệu này cho thấy rất nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào 1 trường duy nhất và bình quân mỗi thí sinh chỉ đăng ký 3 nguyện vọng trên tổng số 6 nguyện vọng các em được phép đăng ký tối đa.

- Có nhiều ý kiến băn khoăn rằng thí sinh đi đâu mà các trường không tuyển đủ chỉ tiêu?

Trước đây, khi tuyển sinh theo phương thức 3 chung, nhiều trường lấy điểm chuẩn theo trường cho đủ chỉ tiêu tổng thể rồi sau đó cho thí sinh chọn lại ngành trong nội bộ trường. Với quy định đó các trường có thể điền đầy chỉ tiêu ngay nhưng thí sinh không có sự lựa chọn nào khác là phải theo học ngành mà trường còn chỗ. Thực tế cho thấy nhiều sinh viên học không đúng ngành yêu thích rơi vào trạng thái chán nản, bỏ học giữa chừng. Quy chế năm nay ưu tiên cho thí sinh chọn ngành mà các em yêu thích, không khuyến khích các em “cố” đỗ vào đại học bất cứ ngành nào. Khi trao cho thí sinh quyền được lựa chọn như vậy, rõ ràng mỗi thí sinh tùy thuộc hoàn cảnh, ước mơ của mình để đưa ra quyết định phù hợp. Rất nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích đã không nộp đơn xét tuyển vào ngành khác mà chấp nhận học lại để sang năm thi.

Mặt khác, năm nay rất nhiều trường có đề án tự chủ tuyển sinh xét tuyển bằng học bạ nên nhiều thí sinh đã trúng tuyển vào các trường đúng ngành nghề mà các em yêu thích. Một số học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nước ngoài, một số khác đi học nghề hay tham gia thị trường lao động… Vào đại học ngày nay không còn là con đường lựa chọn duy nhất nữa mà thí sinh có nhiều sự lựa chọn các con đường khác để lập thân, lập nghiệp. Vì vậy các trường đại học cũng phải điều chỉnh chiến lược phát triển của mình cho phù hợp với tình hình, khi mà thí sinh đòi hỏi chất lượng đào tạo ngày càng cao hơn, yêu cầu khi tốt nghiệp đại học có nhiều cơ hội việc làm hơn.

- Tuyển sinh năm nay có thực tế là các trường được hạ điểm chuẩn khi xét tuyển bổ sung, khiến cho nhiều thí sinh dở khóc dở cười xin rút hồ sơ nhưng không được phép. Điều đó không đảm bảo công bằng trong tuyển sinh?

Không có phương án tuyển sinh nào hoàn hảo. Vì vậy khi ban hành quy chế, Bộ GD-ĐT đều đã tham khảo ý kiến rộng rãi các trường, các sở, thí sinh và toàn xã hội để lựa chọn phương án được nhiều người ủng hộ nhất. Trước khi thi, tất cả thí sinh đều biết được các quy định của quy chế. Vì vậy khi thực hiện đúng quy chế là đảm bảo được công bằng trong tuyển sinh.

Năm 2015, quy chế cho phép thí sinh rút/nộp hồ sơ giúp cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển nhất thì đã xảy ra phức tạp, dư luận không đồng tình. Năm 2016, quy chế không cho phép thí sinh rút/nộp hồ sơ để khắc phục bất cập. Để hỗ trợ cho thí sinh tránh bớt rủi ro, quy chế đã cho phép thí sinh có nhiều nguyện vọng và được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào trường mà mình quyết định nhập học. Nghĩa là khi đã trúng tuyển đợt 1 rồi mà thí sinh thấy không thích ngành/trường đã trúng tuyển các em vẫn còn cơ hội sửa sai bằng cách không nộp giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. Khi các em đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi thì có nghĩa là các em đã chấp nhận nguyện vọng trúng tuyển, dành cơ hội tuyển bổ sung cho những thí sinh khác.

Phương châm tuyển sinh năm nay là giúp thí sinh trúng tuyển vào ngành nghề mà các em yêu thích. Ngành các em yêu thích không hẳn phải là ngành có điểm chuẩn cao mà tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng người.

PHAN THẢO ghi

Tin cùng chuyên mục