Nhiều ý kiến tán thành thông qua Luật Thủ đô

Sáng nay, 5-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô. Đa số ý kiến đại biểu phát biểu tại phiên họp tán thành việc thông qua dự án Luật Thủ đô tại kỳ họp này, với một số điểm điều chỉnh, bổ sung theo hướng làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Nhiều ý kiến tán thành thông qua Luật Thủ đô

(SGGPO).- Sáng nay, 5-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô. Đa số ý kiến đại biểu phát biểu tại phiên họp tán thành việc thông qua dự án Luật Thủ đô tại kỳ họp này, với một số điểm điều chỉnh, bổ sung theo hướng làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Mở đầu phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) tán thành cao việc ban hành Luật Thủ đô và đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, các quy định về thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cần đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân. Việc phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm trong khu vực nội thành Hà Nội, theo đại biểu, là cần thiết, nhưng khi thực hiện cần lưu ý tính khả thi; cũng không nên nâng mức phạt lên đến 2 lần mức chung, mà khoảng 1,2 – 1,5 lần là hợp lý, vì nếu phạt cao quá sẽ dẫn đến việc người xử phạt và người bị phạt “đi đêm” với nhau. Ông Tuyết cũng đề nghị quy định luôn vào luật một số tỉnh giáp ranh với thủ đô là Vùng Thủ đô để tập trung nguồn lực phát triển, tạo được chuyển biến rõ nét….

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) ghi nhận, Ban soạn thảo đã nghiêm túc và cầu thị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội  khóa XII để “gần như biên soạn lại dự Luật, thu hẹp được sự cách biệt giữa các ý kiến khác nhau về hầu hết các vấn đề cơ bản. Tính đặc thù và cơ chế đặc thù đã rõ nét hơn”.

Đại biểu Đào Trọng Thi cũng cho rằng để giải quyết căn cơ vấn đề quản lý dân cư thì phải sử dụng hàng loạt giải pháp kinh tế - xã hội đồng bộ, song đại biểu cho rằng việc áp dụng bổ sung những giải pháp hành chính cũng rất cần thiết. Thậm chí, dự Luật cần bổ sung diện tích chỗ ở thuê tối thiểu đối với đối tượng được cấp hộ khẩu thường trú để đảm bảo tiêu chuẩn văn minh đô thị cao hơn, tránh lách luật. 

Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) đặc biệt lưu ý đến những quy định nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch. Theo ông, xét về tính khả thi, thay vì di dời hoàn toàn các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội thành, dự Luật nên có phương án cho xây dựng thêm cơ sở mới ở ngoại thành để “kéo giãn” lượng sinh viên và bệnh nhân. Đáng lưu ý, ông Học đề nghị bổ sung quy định cấm các loại xe ô tô, xe gắn máy không đảm bảo điều kiện đăng kiểm, nhất là điều kiện về bảo vệ môi trường, lưu thông trong nội thành Hà Nội.

Thẳng thắn nhận xét dự thảo Luật còn mang nặng bóng dáng của một nghị quyết, với ít nhất 15 từ “phải”, còn chung chung, chưa có nội dung quy định rõ ràng, mang tính chế tài cụ thể, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) yêu cầu chú trọng việc xây dựng quy hoạch chung và các quy hoạch chuyên ngành cho Thủ đô. Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận xét, “siết” điều kiện nhập cư sẽ không giải quyết được tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội của Thủ đô. Phải cân nhắc lại, nếu không lại phải sớm điều chỉnh Luật.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Phạm Trọng Nhân, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo Luật cũng chưa làm rõ tính “đặc thù” của Thủ đô, nhiều nội dung là vấn đề của chung các đô thị lớn. “Vấn đề là tổ chức bộ máy của chính quyền thủ đô trong quan hệ với trung ương và địa phương khác mới là chính sách đặc thù”, ông Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh. Từ đó, đại biểu đề nghị cụ thể hóa trong Luật những biện pháp đặc thù về quản lý đất đai mà HĐND thành phố Hà Nội được ban hành để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; tránh áp dụng tùy tiện, gây khiếu kiện trong dân. Về quản lý dân cư, “các điều kiện hạn chế nhập cư là bước thụt lùi trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và mâu thuẫn với Luật Cư trú”, đại biểu Vinh phát biểu.

Ngay sau đó, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) tranh luận: “Vì quy định (về quản lý nhập cư – PV) chặt hơn Luật Cư trú nên mới cần đưa vào luật này, miễn là không trái với Hiến pháp. Chúng ta rất cảm ơn những người nhập cư đã đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô, bản thân tôi cũng là người nhập cư, nhưng vấn đề quản lý dân số là rất bức thiết và cấp bách”.

Lưu ý đến những giá trị văn hóa phi vật thể của Thủ đô, đặc biệt là sau khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây cũ, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung những quy định nhằm bảo vệ và phát triển bản sắc làng nghề ở Hà Nội, khai thác, phát huy triệt để những giá trị của sông Hồng – dòng sông Mẹ...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thì đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền và nhân dân Thủ đô. Ông nói: “Luật Thủ đô cần thể hiện hai mặt: là đầu não, Thủ đô được ưu tiên nhiều mặt, nhưng Thủ đô cũng phải phát huy được vai trò đầu tàu, tạo lực “kéo” cả nước phát triển”. Tán thành xu hướng chặt chẽ hơn về điều kiện nhập cư, song đại biểu nhận định, quy định như dự thảo Luật (quan hệ huyết thống, hôn nhân… được ưu tiên hơn những điều kiện đối với chính đối tượng nhập cư) là không hợp lý. “Nên quy định đối tượng nhập cư phải có chỗ ở với diện tích nhất định, đồng thời có thêm những chính sách hỗ trợ người nghèo, người vô gia cư, phát triển các phân khu chức năng….  Phạt hành chính cao hơn là đúng, nhưng đề nghị áp dụng biện pháp lao động công ích. “Ưu tiên phân bổ ngân sách để đảm bảo yêu cầu phát triển Thủ đô” là chưa rõ ràng, minh bạch vì “yêu cầu” thì bao nhiêu là đủ?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý. 

Đại biểu Huỳnh Thành Lập. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Huỳnh Thành Lập. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) cũng cho rằng, qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo Luật lần này đã phù hợp hơn, khả thi hơn. Các quy định dành riêng cho Thủ đô như quy định trong luật là cần thiết…

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục