Nhìn lại những vụ án “lạ” - Bài 2: Nỗi oan tố tụng

Bỗng dưng... vào tù
Nhìn lại những vụ án “lạ” - Bài 2: Nỗi oan tố tụng

Trái với những vụ án “đầu voi, đuôi… nòng nọc”, có những trường hợp một con người bị vướng vào vòng lao lý khi chứng cứ phạm tội chưa đầy đủ, rõ ràng. Để xảy ra oan sai là điều không cơ quan tiến hành tố tụng nào muốn, tuy nhiên đôi lúc vì những lý do khác nhau mà việc đáng tiếc vẫn xảy ra.

Nguyễn Minh Hùng trong ngày được trả tự do.

Nguyễn Minh Hùng trong ngày được trả tự do.

Bỗng dưng... vào tù

Bị quy kết có nhiều sai phạm trong việc chuyển nhượng tài sản trên đất tại địa chỉ 672 Đại lộ Bình Dương, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Trung tâm Thương mại thị xã Thủ Dầu Một, ông Vũ Đình Châu (SN 1955, nguyên Tổng Giám đốc Công ty XSKT - DV Bình Dương, nay là Công ty TNHH MTV XSKT Bình Dương) bị bắt tạm giam.

Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 5 và 6-2011, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt ông Châu mức án 6 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 2 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và 6 tháng tù giam về tội “Che giấu tội phạm”. Ông làm đơn kháng cáo kêu oan. Giữa tháng 12-2011, vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm.

Nhận định bản án sơ thẩm quy kết ông Châu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không có cơ sở vì đã thực hiện đầy đủ các thao tác theo quy định của pháp luật, không có hậu quả nghiêm trọng xảy ra nên tòa án cấp phúc thẩm tuyên ông không phạm hai tội danh này, trả tự do cho ông tại phiên tòa.

Tính đến thời điểm được minh oan, ông Châu bị bắt tạm giam tổng cộng hơn 18 tháng. Sức khỏe ông suy kiệt đến mức người thân phải cõng ông ra khỏi phòng xử, đưa lên xe chở về nhà.

Hai lần mang trên người án tử oan uổng là trường hợp của ông Nguyễn Minh Hùng (ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Năm 2003, khi triệt phá một đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Campuchia vào Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tây Ninh xác định ông Hùng là thành viên trong đường dây này. Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ nhất, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt ông Hùng mức án tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Sau đó, ông Hùng kháng cáo kêu oan.

Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm đối với ông Hùng, trả hồ sơ điều tra lại. Dù vậy, trong phiên xử sơ thẩm lần thứ hai, TAND tỉnh Tây Ninh vẫn tiếp tục tuyên ông Hùng mức án tử hình.

Sự thật chỉ được hé lộ tại phiên xử phúc thẩm lần hai, khi bị cáo cầm đầu đường dây mua bán ma túy bất ngờ thừa nhận mình nhầm lẫn trong việc nhận dạng ông Hùng nên “nhận đại” ông là người có liên quan. Vì tình tiết mới phát sinh này, tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại.

Tháng 6-2008, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Tây Ninh ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Hùng và trả tự do cho ông.

Để xảy ra những vụ án oan trên, các cơ quan tiến hành tố tụng đều có trách nhiệm nhưng cơ quan chịu trách nhiệm nặng nhất là viện kiểm sát. Được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình tố tụng một vụ án từ khi khởi tố cho đến khi bản án được thi hành nhưng viện kiểm sát đã không phát hiện ra những điểm sai sót để kịp thời “tuýt còi”, biến một người từ vô tội thành có tội, vướng vào vòng lao lý nhiều năm trời.

Ông Châu, ông Hùng quyết chí kêu oan đến cùng nên sự thật của vụ án mới được làm sáng tỏ. Vậy còn 
bao nhiêu trường hợp người bị kết tội oan nản lòng trên con đường đi tìm công lý cho mình?

Tiếp tục thân phận bị can

Dù bị giam oan nhiều năm trời, những trường hợp kể trên vẫn còn may mắn vì cuối cùng cũng được tuyên vô tội, được khôi phục quyền công dân. Nhưng có những trường hợp trải qua nhiều lần điều tra, xét xử mà vẫn không xác định được là có tội hay không, khiến họ mãi mang thân phận bị can. Điển hình là vụ án con giết mẹ ở tỉnh Vĩnh Long.

Theo bản án sơ thẩm, giữa vợ chồng Huỳnh Văn Quyên (SN 1962, ngụ xã Tân Hạnh huyện Long Hồ Vĩnh Long), Lê Thị Tám (SN 1966) với mẹ ông Quyên là bà Dương Thị Tám (SN 1929, sống cùng nhà) xảy ra mâu thuẫn. Rạng sáng 7-2-2007, bị mẹ la rầy, ông Quyên tức giận bóp cổ mẹ. Vợ ông cũng tham gia, dùng hai tay đè lấy hai chân đang giẫy giụa của mẹ chồng, đến khi bà Tám bất động mới buông ra. Gây án xong, vợ chồng ông Quyên đem xác mẹ bỏ xuống sông phi tang.

Ngày 25-9-2008, tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt ông Quyên mức án tù chung thân, bà Tám 13 năm tù giam cùng về tội “Giết người”. Sau phiên xử, cả hai làm đơn kháng cáo kêu oan, các đại diện của người bị hại làm đơn kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, còn Viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Long có văn bản kháng nghị đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tuyên phạt Quyên mức án tử hình.

Tại phiên xử phúc thẩm vào tháng 3-2010, qua thẩm vấn cho thấy, vụ án có nhiều sai phạm về tố tụng và nội dung, hội đồng xét tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, truy tố, xét xử lại từ đầu. Gần hai năm trôi qua, sức khỏe ông Quyên diễn biến rất xấu, có lúc phải đưa từ nhà tạm giam tỉnh Vĩnh Long lên Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Từ những vụ “đầu voi, đuôi… nòng nọc” hay ngược lại, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vụ án đã bị khởi tố một cách nóng vội nên quá trình điều tra không làm rõ được hành vi phạm tội, quá trình kiểm sát điều tra thiếu chặt chẽ, mối quan hệ phối hợp giữa ba cơ quan cảnh sát điều tra - viện kiểm sát - tòa án quá lỏng lẻo, bản án tuyên lọt người lọt tội hay là đã có sự can thiệp, xoay chuyển cán cân công lý?

Dù là lý do nào đi nữa cũng cho thấy bộ máy cơ quan tư pháp cần xem lại hoạt động của mình. Để lọt người lọt tội hay làm oan sai cho một con người - cho dẫu vô tình hay vì lý do nào khác - đều là chuyện không thể để xảy ra trong một xã hội pháp quyền.

Nhóm PV

Nhìn lại những vụ án “lạ”

- Bài 1: Những bản án “teo” dần

Tin cùng chuyên mục