Nhìn SEA Games, đoán sự phát triển

1. SEA Games 27 chưa khai mạc chính thức nhưng nhiều môn thi đấu đã diễn ra và dĩ nhiên bóng đá nam luôn được quan tâm nhiều nhất. Nhiều nhất bởi bóng đá vẫn là môn thể thao vua, nhưng đồng thời người ta cũng chứng kiến sự tuột dốc chung của bóng đá khu vực khi lần lượt các đội bóng trình diễn lối đá ngày càng mất đi tính hấp dẫn.

Chúc mừng U.23 Việt Nam có chiến thắng đậm đà với 7 bàn trắng, đạt mục tiêu là thắng từng trận để tiến vào bán kết. Tiếc là hơn nửa số bàn thắng ấy là nhờ các hậu vệ Brunei biếu không cho tiền đạo Việt Nam. Mừng cho đội Lào có được 1 điểm khi cầm hòa với Singapore trong thế đá thiếu người, nhưng giới quan sát nhận xét rằng một phần là Singapore không có gì khởi sắc. Trước đó, thầy trò HLV Kiatisak cũng ăn mừng khi Thái Lan ẵm trọn 3 điểm trước đội yếu Đông Timor… Đã có những trận thắng cách biệt, có những trận hòa hay thắng thua không chênh lệch nhưng cũng đủ để cho thấy các “ông lớn” của khu vực có vẻ như đã chùn chân mỏi gối, còn các đội “lót đường” trước nay vẫn tiếp tục chưa thoát ra được thân phận “lót đường”.

Từ khi Ban Tổ chức SEA Games bắt buộc chọn U.23 làm đại diện chính thức, đẩy đội tuyển các nước sang đá giải vô địch Đông Nam Á với mục tiêu tập trung tăng cường bóng đá trẻ cho đến nay đã gần chục năm, dường như mục tiêu này đã không đi đến đâu. Các đội U.23 vô địch SEA Games không phải là đội tuyển mạnh nhất, trong khi đội tuyển quốc gia bị phân tán lực lượng nên cũng khó mơ xa hơn giải vô địch Đông Nam Á. Có lẽ chính sự bất hợp lý này góp phần không nhỏ đưa bóng đá khu vực đi xuống, như cựu danh thủ Kiatisak đã phải thốt lên rằng bóng đá Thái Lan giờ không còn như trước đây!

2. Bóng đá không còn được như trước cũng chưa là nỗi băn khoăn lớn nhất mà nhìn vào thực tế diễn biến SEA Games mới thấy xu hướng đi xuống là điều khó tránh khỏi. Có lẽ ít đại hội thể thao nào mà mỗi nước đăng cai đều nghiễm nhiên chiếm vị trí số một như SEA Games. Các quốc gia khu vực Đông Nam Á có trình độ phát triển khác nhau, trong đó không ngoại trừ thể thao. Vậy thì lý giải cách nào về hiện tượng hễ đăng cai tổ chức là đứng nhất?

Lâu nay dư luận hay phê phán bệnh thành tích của thể thao nước nhà, nhưng nay chắc đã phải xem lại bởi biết đâu chúng ta cũng đã… bị ảnh hưởng bởi khu vực! Tuy nhiên, trên bình diện chung, đây lại là vấn đề tế nhị, khó có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực nếu chưa có quan điểm mới hơn về đại hội thể thao mang tầm khu vực này. Theo nhiều ý kiến chuyên gia, đây cũng là cơ hội để bản thân ngành thể thao trong nước tự thay đổi. Chúng ta vẫn tham dự SEA Games nhưng không nhất thiết phải tập trung tiềm lực và “chạy” thành tích như trước nay nữa. Thay vào đó, hãy đầu tư chiều sâu cho các bộ môn có thế mạnh, nhiều tiềm năng, những môn thi đấu Olympic để trong vài năm tới chúng ta có được những vận động viên, những đội tuyển thật sự mạnh. Phải từng bước lấy mục tiêu xa hơn để xây dựng kế hoạch. “Ao làng” mình vẫn giữ, nhưng đừng để nó trói buộc sự phát triển, đó cũng là bài học quý từ SEA Games những năm gần đây.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục