Nhớ Cụ Rùa

Nói đến hồ Gươm - Hà Nội, không thể không nói đến cụ Rùa hiện đang sinh sống tại đây. Theo các nhà nghiên cứu thì cụ đã bước vào cái tuổi hơn 600, điều này trùng với giả thuyết cụ Rùa được vua Lê Thái Tổ mang từ quê Lam Kinh, Thanh Hóa ra thả ở đây.

Nói đến hồ Gươm - Hà Nội, không thể không nói đến cụ Rùa hiện đang sinh sống tại đây. Theo các nhà nghiên cứu thì cụ đã bước vào cái tuổi hơn 600, điều này trùng với giả thuyết cụ Rùa được vua Lê Thái Tổ mang từ quê Lam Kinh, Thanh Hóa ra thả ở đây.

Lại cũng có truyền thuyết rằng, khi Lê Lợi mới phất cờ khởi nghĩa, quân ta còn yếu, Long Quân thông qua một người làm nghề chài lưới, trao cho Lê Lợi thanh kiếm thần; từ đó nghĩa quân đánh đâu thắng đó. Sau khi đánh thắng quân Minh, vua Lê Thái Tổ cưỡi thuyền rồng quanh hồ Tả Vọng và Hữu Vọng thì Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại kiếm vì thế hồ Tả Vọng từ đó còn được gọi là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.

Thôi thì giả thuyết, truyền thuyết thực hư thế nào chưa rõ như rõ như ban ngày là tại hồ Gươm đang có cụ Rùa sinh sống. Cụ có hình dáng khá to, đầu nhỏ, mõm ngắn, trên lưng cụ có những đốm vàng, bụng màu trắng nhạt. Đặc biệt mai của cụ mềm mà không cứng như mai của các loại rùa thông thường khác. Hồi tháng 4 năm 2011, cụ Rùa được các nhà khoa học và y học đưa lên để chạy chữa vết thương trên thân thì thấy rõ cụ là giống cái, có chiều dài 1,85m, chiều rộng 0,99m, chiều dài đuôi 0,35m và nặng 169kg. Nếu so với cụ Rùa đã chết vào những năm 1960, hiện đang lưu giữ tại đền Ngọc Sơn nằm ngay trong hồ Gươm thì cụ Rùa đang sống nhỏ hơn. Cụ Rùa đã chết dài 2,1m, rộng 1,8m và nặng 250kg.

Hàng trăm năm qua, cụ Rùa hồ Gươm được coi là con vật linh thiêng, bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông,  thỉnh thoảng cụ lại nổi lên khi thì ở giữa hồ, khi thì ở góc hồ hay sát bờ để cho người dân chiêm ngưỡng. Cũng có lúc cụ bơi một vòng xa. Cũng có thời điểm cụ nổi lên với tần suất lớn, vài ba lần trong một ngày hoặc vài lần trong một giờ. Mỗi khi cụ xuất hiện, nhất là vào các ngày lễ như Quốc khánh 2-9, hay ngày 30-4 thì ngay lập tức có hàng ngàn người đổ xô đến bờ hồ để được tận mắt ngắm nhìn cụ và dĩ nhiên họ thi nhau chụp ảnh cụ bằng máy ảnh hay điện thoại di động. Những lúc ấy, nếu thấy cụ Rùa khỏe mạnh thì cả ngàn khuôn mặt đều rạng rỡ, vui mừng nhưng nếu thấy cụ có vẻ mệt mỏi thì ai cũng cảm thấy thương cụ, lo lắng về sự sống của cụ.

Cụ Rùa hồ Gươm được coi như một bảo vật của Thăng Long ngàn năm văn hiến vì vậy sự quan tâm của chính quyền, của các nhà khoa học và của người dân thủ đô với cụ Rùa là rất lớn. Trước sự tác động về ô nhiễm môi trường sống của cụ Rùa do mực nước hồ Gươm cạn dần, do nước thải và rác thải, báo chí đã lên tiếng và chính quyền Hà Nội cùng các ban ngành đã vào cuộc và có nhiều biện pháp như nạo vét bùn, bơm thêm nước sạch, ngăn chặn không cho nước thải đổ vào hồ Gươm. Nhưng việc nghiên cứu thức ăn của cụ Rùa là sinh vật và cá sống trong hồ liệu có đủ cho cụ không và nếu không thì cung cấp thức ăn như thế nào cho cụ thì vẫn chưa thấy.

Đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học về cụ Rùa và cũng có hẳn một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cụ Rùa và được mệnh danh là nhà rùa học, đó là PGS-TS Hà Đình Đức. PGS Hà Đình Đức đã bỏ ra nhiều chục năm để nghiên cứu về Rùa hồ Gươm và chính ông đã có nhiều đề xuất có giá trị để duy trì sự sống của cụ Rùa. Năm 2011, khi mà cụ Rùa bị thương tích khá nặng trên mình, PGS Hà Đình Đức và các nhà khoa học đã hội thảo và đưa ra phương án lập bệnh viện dã chiến ngay trong lòng hồ Gươm để cứu chữa vết thương cho cụ Rùa và vết thương đó đã được chữa khỏi, trả lại cho cụ Rùa thân thể như xưa.

Cụ Rùa hồ Gươm là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhiếp ảnh gia chụp được những bức ảnh sống động về cụ; cụ cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ sáng tác về cụ.

Cụ Rùa hồ Gươm hiền lành và linh thiêng vì vậy mỗi khi cụ nổi lên, người dân thủ đô lại như cảm nhận được cụ đem đến cho con người những điều may mắn. Nhưng lâu lâu rồi không thấy cụ Rùa nổi lên. Người dân lại rất nhớ cụ!

Nhà văn Vũ Đảm

Tin cùng chuyên mục