Nhớ lời chúc tết của bác Hồ

Đã 49 cái tết vắng Bác Hồ. Mỗi người dân Việt Nam nhớ Bác da diết khôn nguôi khi xuân về, tết đến. 
 Nhớ lời chúc tết của bác Hồ
Lúc sinh thời, cứ mỗi dịp xuân về, tết đến Bác lo nghĩ cho dân nhiều hơn, mong cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc, người người, nhà nhà được đón những ngày tết dân tộc vui tươi, có đầy đủ hương vị ngày tết, sau một năm làm lụng vất vả; và rồi, như Bác bảo “Để sắp đặt cái kế hoạch hoạt động sống còn cho cả năm”. Bởi thế, thường thì trước tết 3 tháng, Bác luôn nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương phải chuẩn bị chu đáo cho dân đón tết. 
Bác cũng có chương trình riêng cho mình, chương trình đó nhằm phục vụ dân đón tết: chuẩn bị thư, thơ chúc tết; soạn thảo bài viết “Tết trồng cây”; định kế hoạch thăm dân trong những ngày tết. Việc đầu tiên trong chương trình chuẩn bị phục vụ dân đón tết của Bác là tìm ý cho bài viết chúc mừng năm mới, với tình cảm của mình gửi tới mọi người dân:
“Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng,
Viết bài chào Tết, chúc thành công…”
“Mấy lời thân ái nôm na,
Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân”
Để rồi thời khắc Giao thừa đến, nhân dân được nghe lời chúc tết của Bác Hồ, được nghe Bác đọc lời chúc tết với những cảm nhận sâu sắc cho đến hôm nay và mãi mai sau tất cả vẫn mang nặng nỗi niềm nhớ nhung:
“Bác ơi Tết đến, Giao thừa đó,
Vẫn lắng nghe thơ Bác mọi lần
Ríu rít đàn em vui pháo nổ,
Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang Xuân” 
                                         (Tố Hữu)
Nhớ Bác Hồ, sau 30 năm xa cách Tổ quốc, đầu năm 1941, Bác đã bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dẫn lối đưa đường cho dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước. Bác Hồ về nước đúng vào những ngày tết dân tộc Xuân Tân Tỵ 1941. Những ngày tết đó, do cần phải giữ bí mật, nên Bác Hồ chưa thể công khai chúc tết đồng bào. Nhưng tổ chức cũng đã bố trí đưa Bác đến vui tết với một số gia đình ở Bó Bẩm (Pác Bó, Cao Bằng). Đó là tết đầu tiên của Bác với dân, với đất nước sau những năm dài bôn ba tìm đường cứu nước.
Cứ mỗi độ xuân về, trong phút giao thừa của năm cũ và năm mới; ta cảm ơn trời đất đã cho tiết trời xuân Việt Nam tươi đẹp. Ta đón xuân, mời xuân, mừng xuân, đưa xuân vào tâm hồn ta để thêm ấm tình yêu thương đồng bào, quê hương, bè bạn, bà con láng giềng… Với mỗi người chúng ta, đón xuân là giành xuân, giữ xuân, lớn lên cùng xuân, vui với xuân. Bắt đầu từ Xuân Nhâm Ngọ năm 1942, ta cảm ơn Bác Hồ đã cho ta có những phút giây thiêng liêng, đầy tình thân ái: nhân năm mới, nhân tết cổ truyền của dân tộc, Bác gửi tới mỗi người, mỗi gia đình những vần thơ, những dòng thư chúc tết đầu tiên với những tình cảm sâu sắc:
“Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi, 
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm này,
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Năm này là năm rất vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới!”.
Những lời chúc tết của Bác Hồ được viết rất giản dị, nhưng hàm súc, thể hiện rõ ràng đường lối cách mạng, biểu lộ sâu sắc lòng yêu nước, yêu dân, tin dân, tin cách mạng, tin vào thắng lợi; mang tính thời sự nóng hổi, bức thiết; rất giàu tình cảm và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; biểu hiện tư tưởng, tình cảm cao đẹp của Bác; mang đầy sức xuân, sống mãi muôn xuân. Những lời chúc xuân của Bác vừa là mừng xuân, vừa là lời căn dặn chỉ bảo cụ thể mà khái quát sâu xa, mộc mạc mà sâu lắng, tác động mạnh mẽ đến lòng người, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng nước nhà.
Nhân Tết Mậu Tuất năm 2018, ôn lại những lời chúc tết của Bác Hồ dịp Xuân Bính Tuất 1946 - Tết Xuân mà Bác Hồ đã viết trong bài “Tết”: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng Xuân. Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với: những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận, những gia quyến các chiến sĩ, những đồng bào nghèo nàn, sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui và Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”. Và, trong thơ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước, Bác Hồ có những lời thơ:
Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới
Kiến quốc chóng thành công
Kháng chiến mau thắng lợi”
Trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp đầu năm mới”, Bác Hồ đã chúc: “Hôm nay, ngày mồng Một tháng Giêng năm 1946 là ngày Tết đầu năm, tôi xin thay mặt Chính phủ chúc các bậc kỳ lão, các anh chị em thanh niên và thiếu niên, các trẻ em trai và gái mọi sự tốt lành… Tôi lại xin thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi tình nhiệt liệt và lời chào sốt sắng cho các chiến sĩ yêu quý của ta, đang gan góc tranh đấu ở các mặt trận, để giữ gìn nền tự do độc lập cho nước nhà… Tôi chắc rằng sang năm mới, đồng bào ta sẽ có lòng tin mới, quyết tâm mới, lực lượng mới, đoàn kết mới, để cùng nhau gánh vác công việc mới và tranh cuộc thành công mới”. 
Ngày 2-2-1946 (tức mùng Một Tết Bính Tuất), Bác Hồ gửi thư cho phụ nữ Việt Nam:
“Năm mới Bính Tuất / Phụ nữ đồng bào / Phải gắng làm sao/
Gây “Đời sống mới” / Việc thành là bởi / Chúng ta siêng mần/
Vậy nên chữ cần / Ta thực hành trước / Lại phải kiệm ước/
Bỏ thói xa hoa / Tiền của dư ra / Đem làm việc nghĩa/
Thấy của bất nghĩa / Ta chớ tham tàn / Thế tức là liêm/
Đã liêm thì khiết / Giữ mình làm việc / Quảng đại công bình/
Vì nước quên mình / Thế tức là chính / Cần, kiệm liêm, chính/
Giữ được vẹn mười / Tức là những người / Sống “đời sống mới”.
Nhân dịp Tết độc lập đầu tiên - Tết Bính Tuất năm 1946 của nước nhà, Báo Quốc gia - cơ quan ngôn luận của nhóm nhân sĩ yêu nước xuất bản tại Hà Nội, có đến xin thơ của Bác, Người đã tặng báo bài thơ:
Mừng báo Quốc gia
Tết này mới thực Tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà chào đón Xuân dân chủ,
Cả nước vui chung phúc cộng hòa
Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc,
Những người chiến sĩ ở phương xa.
Ôn lại những lời chúc tết trên đây của Bác Hồ, mỗi người chúng ta càng nhớ ơn Bác nhiều hơn về sự chăm lo đầy tình thương của người Ông, người Bác, người Cha. Những lời chúc chân tình của Bác Hồ từ mùa xuân năm ấy như đang nhắn nhủ với tất cả chúng ta hôm nay, và vẫn vẹn nguyên giá trị soi sáng cho chúng ta trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, đảm bảo cho cuộc sống của đất nước ta, của dân ta “càng ngày càng xuân” mà Bác Hồ hằng mong đợi.
TS TRẦN VIẾT HOÀN
Nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch

Tin cùng chuyên mục