Cuộc sống ở thành phố đang thu hút một số lượng lớn những người lao động nhập cư. Vì kế sinh nhai, họ phải xa quê đi làm ăn sinh sống. Và đối với họ, những bữa cơm chiều đầm ấm cùng gia đình thật hiếm hoi.
Gánh hàng rong của người phụ nữ xa quê
1. Sáng cuối tuần nào cũng vậy, vừa nghe tiếng bước chân nặng nề và tiếng kẽo kẹt của chiếc quang gánh, kèm tiếng rao lanh lảnh: “Đậu hũ đây!...” ngay đầu hẻm là lũ trẻ trong xóm tôi í ới: “Cô đậu hũ đến rồi”. Cái danh từ xưng hô “cô đậu hũ” gắn liền với cô đến nỗi chẳng ai còn nhớ cô tên gì, chỉ biết đã nhiều năm rồi, cứ mỗi sáng tiếng rao của cô len lỏi khắp xóm.
Mỗi năm xóm tôi lại có vài đứa trẻ ra đời, khiến số lượng con nít ngày càng đông. Những ngày cuối tuần, chúng tụ tập quanh gánh đậu hũ ước chừng mươi đứa. Vẫn những thao tác quen thuộc, nhấc chiếc quang gánh khỏi đôi vai, đặt hai chiếc nồi to xuống đất, lấy vài chiếc ghế nhỏ bày trước mặt để đám con nít sà vào, “cô đậu hũ” bắt tay vào việc buôn bán, múc liền tay và miệng tíu tít nói chuyện với tụi nhỏ. Có khi mấy đứa nhỏ “ăn vạ” ngồi hoài trên ghế không chịu rời gánh đậu hũ, khiến cô cứ chần chừ dọn hàng để tiếp tục đến những xóm, ngõ khác.
Cô cho biết, mỗi ngày, từ 2 giờ sáng cô đã thức dậy nấu đậu và ra khỏi nhà từ 5 - 6 giờ sáng, đến xóm tôi tầm 8 giờ thì nồi đậu hũ to đã vơi được một phần ba. Cô hay “rủ rê” các phụ huynh trong xóm: “Chị ơi cho cháu ăn đậu đi chị, em nấu đó, đảm bảo sạch sẽ, đừng lo”. Rồi cô tâm sự, quê cô ở Quảng Ngãi, gia đình nhỏ của cô gồm 3 người: cô, chồng và cậu con trai 6 tuổi. Do cuộc sống ở quê quá nghèo, lại không tìm được việc làm ổn định nên hai vợ chồng để con lại cho ông bà chăm sóc rồi dắt díu nhau vào Sài Gòn mưu sinh. May mắn cô được người bạn đồng hương hướng dẫn nghề bán đậu hũ, còn chồng cô đi làm thợ hồ. Nhưng công việc của chồng cô không ổn định, con ở quê nhớ ba, mẹ lại bệnh hoài nên cô quyết định để anh về quê, một mình cô ở lại bươn chải kiếm sống. Cứ 15 ngày, cô lại dành dụm gửi tiền về quê cho chồng con và một năm chỉ về thăm con một lần vào dịp tết.
Mấy ngày gần đây, đám con nít trong xóm buồn hẳn khi không được ngồi quanh gánh đậu hũ vì “cô đậu hũ” đã thay đổi phương tiện kiếm sống, từ quang gánh chuyển sang đẩy xe đạp. Cô cho biết sau nhiều năm gánh nặng nên mới ngoài 30 tuổi đã bị yếu cột sống, bác sĩ yêu cầu cô không được gánh nặng nữa. Nếu không, làm ra bao nhiêu cũng không đủ tiền lo thuốc men.
Mọi người vui cho cô vì đã có xe đạp để đẩy hàng đi bán thay vì gánh nặng, nhưng hầu như từ người lớn đến trẻ trong xóm tôi đều nhớ cái dáng của “cô đậu hũ” trong bộ đồ bà ba xỉn màu, với chiếc nón sờn quai và tiếng kẽo kẹt của chiếc quang gánh mỗi sáng cuối tuần…
Tháng 12 đã đến, những ngày cuối năm cũng sắp gần kề, tôi lại nhớ đến tâm sự của “cô đậu hũ” - của người mẹ xa con - của người phụ nữ xa gia đình: “Mong lắm ngày về quê để được ôm cậu con trai vắng hơi mẹ và để tự tay làm những bữa cơm gia đình đầy tình thương yêu và ấm áp”.
2. Đã 9 giờ tối nhưng hai đứa bé (đứa lớn 5 tuổi, nhỏ 2 tuổi) cứ ngồi lim dim, lơ mơ trước cửa nhà. Chúng vẫn chưa được ăn cơm vì “bố đi làm chưa về, còn mẹ vừa chạy ra ngoài mua gas về nhóm bếp”. Trong nhà, bà ngoại ôm một đứa nhỏ tầm 3 tháng tuổi.
Bà ngoại của chúng kể, quê họ ở tận Nam Định, nghèo lắm, quanh năm làm ruộng nhưng mưa, nắng thất thường; mất mùa liên miên. Ngày trước, một năm còn làm 3 - 4 vụ, giờ 1 vụ đã mừng, nên đám thanh niên của làng rủ nhau vào miền Nam hết phân nửa. Con cái bà vào Nam làm ăn cũng ngót ngét 5 năm và nay đã có cháu, nên bà phải vào trông cháu cho các con đi làm.
Cả con gái và con trai của bà đều đi chở thuê và ở nhà thuê. Vào Sài Gòn được 5 năm nhưng cũng đôi ba lần đổi chỗ ở, chỉ thương mấy đứa cháu không có nơi nào được học hành ổn định, lâu dài.
Căn nhà thuê hiện tại gần chỗ làm, chiều ngang 1,5m, dài 6m, có một gác gỗ đủ cho 5 người lớn và 3 đứa con nít nằm ngủ. Mùa hè nóng nực, bà cháu lại kéo nhau ra đường ngồi cho mát. Do bố mẹ bận chuyện sinh nhai, nên không ngày nào hai đứa cháu ngoại của bà đi ngủ trước 11 giờ đêm. Ăn sáng, trưa và tối của của cả nhà lệch giờ nhau, nên hai đứa trẻ trông còi cọc hơn những đứa đồng trang lứa.
Bà thường thở dài và nhìn xa xăm: “Ở quê tôi, tầm 5 giờ chiều đã xong mâm cơm tối, nhà nào cũng thế, thành thói quen. Còn ở đây, muốn duy trì thói quen ấy khó lắm, 5 giờ chúng nó (nói về đứa con gái, con trai và con rể của bà) vẫn còn chạy ngoài đường kiếm sống…”, rồi bà tự an ủi: “Ở thành phố dễ kiếm tiền hơn, chỉ cần chịu cực chịu khổ “cày bừa” (đi làm) thì vẫn có
đồng vào đồng ra, thành thử tôi không khuyên chúng nó về lại quê”.
“Được cái này mất cái kia”, nhưng xem ra bữa cơm gia đình như ở quê đối với bà chỉ còn là hoài niệm.
GIA LYNH