
Họa sĩ Phan Kế An.
Trong nền mỹ thuật Việt Nam, nhắc đến họa sĩ Tô Ngọc Vân là phải gắn liền với tác phẩm “Em Thúy”, Nguyễn Phan Chánh là “Chơi ô ăn quan”, Bùi Xuân Phái là “Phố Phái” và Phan Kế An là “Nhớ một chiều Tây Bắc”... Đã ở tuổi 87, nhưng họa sĩ Phan Kế An vẫn còn minh mẫn và rất hóm hỉnh. Họa sĩ vẫn nhớ như in những ngày được vẽ Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc.
Mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm ở chiến khu Việt Bắc được vẽ Bác Hồ, gương mặt họa sĩ Phan Kế An lại ngời lên niềm tự hào. Ông tâm sự: “Trong suốt cuộc kháng chiến gian khổ, niềm vinh dự lớn nhất của tôi là được ở bên cạnh Bác và vẽ Bác. Khi ấy tôi mới 25 tuổi, đang công tác tại Báo Sự Thật”.
Phan Kế An sinh năm 1923, tại Đường Lâm, Sơn Tây của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Phan Kế An là con trai quan Khâm sai đại thần của triều Nguyễn, Phan Kế Toại. Cha là người yêu nước, bởi thế nên Phan Kế An đi theo cách mạng từ trước năm 1945 là điều tất yếu.
Năm 1947, lúc ấy đang hoạt động ở Hội Văn hóa cứu quốc trên chiến khu Việt Bắc, Phan Kế An được điều động sang tòa soạn Báo Sự Thật làm công việc trình bày, minh họa và vẽ tranh biếm họa cho báo. Thời gian này Phan Kế An lấy bút danh là Phan Kích.
Một ngày mùa thu năm 1948, đồng chí Trường Chinh đến bảo với họa sĩ: “Mai anh đến chỗ Cụ, ở đấy và vẽ chân dung Cụ. Ở bao lâu tùy anh, nhưng thế nào cũng phải có tranh in vào số báo tới”. Vậy là Phan Kế An thu xếp tư trang và giá vẽ rồi đi ngựa lên đèo Gie. Đến trạm liên lạc, gửi ngựa, đi theo đường mòn được hướng dẫn. Đi chừng nửa đường thì đã thấy Bác ra đón. Bác giản dị trong bộ quần áo nâu, ân cần thăm hỏi sức khỏe và trò chuyện với chàng thanh niên - họa sĩ Phan Kế An. “Tôi rất xúc động và thầm cảm ơn sự may mắn của số phận đã cho tôi - một thanh niên mới 25 tuổi được gặp vị lãnh tụ lừng danh, được nhân dân Việt Nam vô cùng kính trọng và yêu mến” - ông nói.
Hơn nửa thế kỷ qua, họa sĩ Phan Kế An đã vẽ hơn nghìn bức tranh với nhiều chất liệu như: sơn dầu hơn 80 bức, sơn mài khoảng 60 bức; còn lại là hàng trăm bức màu bột, màu nước, đồ họa (gồm cả khắc gỗ, ký họa, biếm họa) với mọi đề tài phong phú về đất nước con người. Ông đã ba lần được giải nhất trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc (1951, 1955, 1960), giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001. Họa sĩ Phan Kế An từng là Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông còn là cây bút phê bình sắc sảo, uyên bác về hội họa. |
Ngôi nhà sàn đơn sơ ở Khuôn Tát là nơi làm việc của Bác. Bác bảo: “An cứ làm việc của An, cứ tự nhiên mà vẽ nhé”. Hàng ngày, Bác làm việc, trò chuyện, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo; lúc rảnh Bác lại tham gia luyện tập, chơi bóng chuyền cùng anh em.
Đêm đêm, Phan Kế An thấy Bác làm việc rất khuya, tiếng máy chữ lách cách trong đêm sâu núi rừng Việt Bắc. Những khi nghỉ ngơi, Bác thường đọc Kiều và Chinh phụ ngâm rồi giảng giải cái hay, cái đẹp ở những áng văn bất hủ đó.
“Thời gian được ở bên Bác và vẽ Bác, tôi hiểu sâu sắc hơn tâm hồn thi sĩ của Người, và hiểu sâu hơn giá trị của những tác phẩm đó, mà trước tôi đã đọc nhưng chưa cảm thụ được hết” – ông nhớ lại.
Thời gian trôi đi quá nhanh, bức chân dung vẽ Bác Hồ ngày 27-11-1948 tại lán Khuôn Tát, được đăng trên báo Sự Thật cuối năm 1948. Sau những ngày miệt mài làm việc, Phan Kế An đã có hơn 20 bức ký họa về Bác. Phan Kế An mang đến Bác xem, Bác bảo: “Chú hãy treo tất cả tranh lên tấm liếp ở nhà tập thể, mời tất cả anh chị em cơ quan đến cùng xem với Bác”. Bác đã mở triển lãm cho Phan Kế An ở giữa núi rừng Việt Bắc như thế đó.
Trong giới mỹ thuật Việt Nam, như vậy có họa sĩ Tô Ngọc Vân là người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ, còn họa sĩ Phan Kế An là người đầu tiên thực hiện những bức ký họa về Bác.

Tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc”.
Tầng hai ngôi nhà số 72, phố Thợ Nhuộm, luôn luôn có khách đến thăm họa sĩ Phan Kế An. Tác giả của bức tranh nổi tiếng “Nhớ một chiều Tây Bắc” (giải nhất triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1955) cũng ít khi chịu ngồi nhà. Bạn của ông nhiều lắm, lớp trước là những Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Anh Thơ, Quang Dũng, Trần Lê Văn... và họa sĩ đều có những ký họa chân dung của họ.
Hàng tuần, cứ trưa thứ hai, một số văn nghệ sĩ của nhóm văn nghệ xứ Đoài có mặt đều đặn tại 19C Hoàng Diệu, Hà Nội. Có một ông lão dáng người thanh, nhỏ lẫn vào hàng trăm gương mặt đủ lứa tuổi, thành phần ở đây, người đó là họa sĩ Phan Kế An lừng danh.
Dưới tán cây trứng cá, chuyện đời, chuyện văn, chuyện vẽ... tuôn chảy theo ngẫu hứng, bên cốc bia mát lạnh. Thỉnh thoảng những câu chuyện rất hóm của họa sĩ Phan Kế An khiến người nghe cười rung cả bàn. Họa sĩ Phan Kế An với danh tiếng và uy tín của mình đang là Chủ nhiệm CLB văn nghệ xứ Đoài.
CAO MINH