Nhớ về các nhà văn Nga Xô Viết

Nhớ những ngày đầu khi giặc Mỹ cho máy bay ra ném bom miền Bắc Việt Nam, tôi và nhà thơ Xuân Hoàng đã bám trụ ở vùng đất lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh. Lúc thị xã Đồng Hới xinh đẹp bên cửa Nhật Lệ bị bom đạn Mỹ tàn phá, nhà văn Nga Bôrít Pôlêvôi, tác giả cuốn sách Người Xô Viết chúng tôi nổi tiếng, đã đến với chúng tôi. Khi trở về Mátxcơva, anh lên tiếng phản đối tổng thống Mỹ, kêu gọi nhân dân Nga và thế giới ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ đến cùng…
Nhớ về các nhà văn Nga Xô Viết

Nhớ những ngày đầu khi giặc Mỹ cho máy bay ra ném bom miền Bắc Việt Nam, tôi và nhà thơ Xuân Hoàng đã bám trụ ở vùng đất lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh. Lúc thị xã Đồng Hới xinh đẹp bên cửa Nhật Lệ bị bom đạn Mỹ tàn phá, nhà văn Nga Bôrít Pôlêvôi, tác giả cuốn sách Người Xô Viết chúng tôi nổi tiếng, đã đến với chúng tôi. Khi trở về Mátxcơva, anh lên tiếng phản đối tổng thống Mỹ, kêu gọi nhân dân Nga và thế giới ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ đến cùng…

Sau Bôrít Pôlêvôi là các nhà văn, nhà thơ Nga như Ximônốp, Éptusenkô, Nicôlaiép, Niculin, Kachốp… không ngại bom đạn Mỹ, họ đã đến Quảng Bình - Vĩnh Linh, cùng chúng tôi vào tận cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, đi thăm các địa đạo Mũi Si, Vĩnh Mốc. Ra trận địa sống “ba cùng” với các chiến sĩ pháo cao xạ, pháo mặt đất …

Đón tiếp các nhà văn Việt Nam tại trụ sở Ban Chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô.

Đón tiếp các nhà văn Việt Nam tại trụ sở Ban Chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô.

Ximônốp, người có bài thơ nổi tiếng Đợi anh về trong thời đánh phát xít Đức, cũng vào đất lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh trong những ngày đánh Mỹ ác liệt. Chúng tôi đón vợ chồng Ximônốp ở căn nhà hầm của Tỉnh ủy Quảng Bình. Ông ôm lấy chúng tôi và nói: “Trong cuộc chiến đấu này, các nhà văn Việt Nam sẽ không bao giờ bị lẻ loi. Chúng tôi luôn luôn bên cạnh các đồng chí, đồng nghiệp”.

Ximônốp đã đến thăm các nhà trẻ trong lòng đất, thăm các phòng mổ của bệnh viện và trường học dưới nhà hầm; cùng sống trong địa đạo với bộ đội và du kích. Đến đâu Ximônốp cũng thấy những vành khăn tang trắng xóa trên mái đầu những người vợ mất chồng, con cái mất bố, mẹ… Ximônốp đã khóc. Trở về Nga không bao lâu ông đã cho in cuốn sách viết về cuộc chiến chống Mỹ ở Việt Nam: Nỗi đau khổ không chỉ của riêng ai. Cuốn sách đã làm xúc động hàng triệu bạn đọc trên thế giới.

Tôi nhớ trong số các nhà văn Nga đến với chúng tôi có một nhà văn đã từng là chiến sĩ, thương binh cụt một cánh tay. Đó là đại tá pháo binh của Hồng quân tên Nicôlaiép. Anh bị mất cánh tay khi chỉ huy pháo binh giã vào sào huyệt của Hítle, giải phóng Berlin. Đến Quảng Bình được ít hôm, Nicôlaiép yêu cầu tôi đưa anh về thăm gia đình, xem vợ con nhà văn Việt Nam sống thế nào dưới tầm bom đạn ác liệt của giặc Mỹ. Đầu tiên anh đến xem Bích An, vợ tôi đang giảng dạy một lớp học dưới mặt đất. Rồi anh theo con trai tám tuổi của tôi tên Trần Ngọc Phong về tận căn nhà hầm của gia đình tôi. Nicôlaiép chui xuống hầm rất khó khăn vì người anh cao lớn, kềnh càng.

Anh tò mò xem và hỏi rất nhiều về cuộc sống của chúng tôi dưới mặt đất: Góc học tập của các con tôi, miếng ván kê lên đùi là bàn viết của vợ tôi soạn bài và cái hòm đạn pháo rỗng làm bàn viết mà đêm đêm, khi bom đạn Mỹ nổ rền trên mặt đất, dưới hầm tôi vẫn viết. Bảy cuốn sách đã được in nhờ viết suốt bốn năm trên cái hòm đạn ấy. Chui lên khỏi mặt đất, Nicôlaiép lắc đầu ngao ngán vì anh cho rằng cái hầm quá mỏng manh so với bom tạ, bom tấn của Mỹ và anh không giấu được nước mắt. Để mong giảm bớt xúc động của Nicôlaiép, tôi bảo Ngọc Phong đọc cho bác nhà văn Nga nghe bài thơ Cái hầm của cháu:

… Hầm em, hầm chéo bảy vài
Thân nó dài dài, cột dựng cao cao
Đêm đêm khi trời đầy sao
Máy bay giặc Mỹ ào ào liệng qua
Mày có Thần Sấm, Con Ma
Thì ta có súng và ta có hầm…

Bài thơ của Phong hình như gây được ít nhiều “lạc quan” đã làm cho Nicôlaiép cười và anh yêu cầu ghi lại cho anh. Sau này, khi tôi cùng đoàn nhà văn Việt Nam đến Mátxcơva, tôi đã đến thăm nhà Nicôlaiép. Nghe chúng tôi đến Nga, anh đang công tác ở Paris vội bay về tiếp đón. Sau bữa cơm sum họp, anh đem tập thơ mới in ra tặng tôi. Trong đó có bài Cái hầm của Ngọc Phong đã được dịch ra tiếng Nga và lời giới thiệu rất trân trọng của anh.

Tôi nhớ những ngày ở lại Quảng Bình, Nicôlaiép đòi được đến thăm đại đội pháo binh nữ Ngư Thủy. Mặc dù có thể gặp nguy hiểm do lúc đó, tàu chiến Mỹ luôn rình rập ngoài khơi chực bắn vào đất liền nhưng Nicôlaiép van nài quá, Tỉnh ủy đồng ý cho đi. Đến nơi, gặp lúc chị em đang báo động sẵn sàng chiến đấu bên bốn khẩu pháo 130mm nòng dài. Nicôlaiép đứng nghiêm trước cô The đại đội trưởng, giơ tay chào và báo cáo theo điều lệnh quân sự: “Tôi, Nicôlaiép, chiến sĩ pháo binh Hồng quân, xin được tham gia chiến đấu”. Nghe xong lời dịch và lời giới thiệu của tôi, cô The nghiêm giọng nói: “Được bổ sung pháo thủ Nicôlaiép vào khẩu đội 3”.

Tuy chỉ còn một tay, Nicôlaiép vẫn thao tác rất thành thạo. Nhưng tàu địch đã ra xa, mất hút. Đại đội trưởng đánh kẻng báo yên, cho chị em đi ăn cơm trưa. Nicôlaiép cùng chúng tôi ngồi dưới bóng mát rừng phi lao ăn cơm với cá biển và canh rau lang. Cơm nước xong, chị em ngồi vây quanh nghe Nicôlaiép kể về pháo binh Nga do anh chỉ huy đánh phát xít Đức. Và các cô đã kể cho anh nghe kinh nghiệm dùng pháo 130mm của Nga, bắn cháy hai tàu chiến Mỹ.

Lúc chia tay ra về, Nicôlaiép nói trong nước mắt: “Nếu được phép của hai chính phủ, anh sẽ tình nguyện trở lại Ngư Thủy cùng chị em đánh Mỹ. Nicôlaiép lưu luyến chia tay chị em pháo binh Ngư Thủy và suốt dọc đường về, anh ngồi im lặng trong xe với đôi mắt rất buồn. Chợt anh vỗ vai động viên tôi: “Bạn ơi hãy cố gắng viết về những cô gái ngư dân anh hùng đó. Nếu chúng ta không viết được gì về họ, thật là có tội lớn”.

Nhớ đến lời Nicôlaiép, tôi đã viết. Khi đến thăm nhà anh ở ngoại ô Mátxcơva, tôi đã đưa ra cuốn truyện Chớp biển và kịch bản phim Những bông cỏ mặt trời viết về các cô gái pháo binh Ngư Thủy, tặng Nicôlaiép. Anh ôm hôn tôi nói: “Thế là chúng ta đã không quên các cô dân quân pháo binh ở Quảng Bình”…

Thấm thoắt đã mấy chục năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về các nhà văn Nga Xô Viết vẫn in đậm trong lòng tôi.

Nhà văn Trần Công Tấn

Tin cùng chuyên mục