Nhọc nhằn làm lúa

Bình quân đất nông nghiệp ở xã tôi là 350m2/người. Nhà tôi có năm nhân khẩu được cấp 1.750m2, gồm ba sào ruộng (1.500m2) và 1/2 sào đất màu (250m2). Mỗi năm tôi sản xuất hai vụ chính (mỗi vụ 4 tháng), còn lại 4 tháng rỗi việc, nông nhàn.

Xong mỗi vụ sản xuất, tôi ngồi nhẩm tính lại bài toán chi phí từ lúc đặt cày xuống ruộng đến khi thu hoạch đã mất gần 500.000 đồng/sào. Trong đó phải chi cho các khoản: cày làm đất (35.000 đồng), mua giống (100.000 đồng), phân (70.000 đồng), thuốc cỏ (20.000 đồng), thuốc sâu bệnh (45.000 đồng), công thu hoạch (170.000 đồng), thủy lợi phí (45.000 đồng). Đó là chưa kể vợ chồng tôi bỏ công ra dọn bờ, giặm lúa và phun thuốc.

Chi phí như vậy nhưng mỗi sào ruộng thường chỉ đạt khoảng 250kg lúa, trị giá 600.000 đồng. Tệ hơn nữa, nếu gặp thời tiết khắc nghiệt hoặc sâu rầy, dịch bệnh thì coi như người nông dân mất trắng. May mắn được trúng mùa thì năng suất cũng chỉ đạt 300-350kg/sào, nhưng hiếm khi được may mắn như thế.

Theo tính toán như trên, làm 3,5 sào đất gồm trồng lúa và hoa màu, một vụ sản xuất 4 tháng tôi lời khoảng 350.000 đồng. Với số tiền này, tôi phải chi phí đủ thứ cho gia đình từ ăn mặc, sinh hoạt, giao tế hằng ngày đến con cái học hành và đầu tư tái sản xuất cho vụ sau. Đó là chưa kể phải nộp các khoản phí và lệ phí từ bắt buộc đến tự nguyện…

Nhiều năm qua, giá cả nông sản không tăng trong khi giá cả các loại hàng hóa khác ngày một tăng cao. Trong đó, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng rất cao. Từ năm 2000 đến nay, giá cả vật tư, công cán cứ leo thang, thu hoạch xong nhẩm tính lại chi phí chỉ thấy toàn huề đến lỗ.

Thực trạng này làm cho đời sống của người nông dân vô cùng khó khăn. Tôi có hai đứa con đang học cao đẳng xa nhà. Để có tiền cho con ăn học, tôi phải nuôi thêm heo, bò, gà, còn vợ tôi phải nắng mưa chạy chợ kiếm đồng ra đồng vào. Làm cật lực không ngơi tay lúc nào nhưng nhiều khi vợ chồng tôi cũng không xoay kịp tiền trường cho con (mỗi tháng 700.000 đồng cho hai đứa).

Qua thông tin trên báo đài, tôi được biết Nhà nước đã có những nỗ lực rất lớn để thực hiện chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nhiều chính sách ưu đãi đến với nông dân như miễn thuế nông nghiệp, tới đây xem xét bỏ hẳn thủy lợi phí, các khoản thu bất hợp lý ở nông thôn, giúp sinh viên học sinh nghèo được vay vốn chính sách xã hội để có điều kiện đến trường…

Tôi hi vọng với sự quan tâm của Nhà nước, sắp tới người nông dân không còn phải bỏ làng, bỏ ruộng đi tha phương mưu sinh nữa.

Đức Tiến
(Quảng Ngãi)

Tin cùng chuyên mục