Hiệu trưởng, hiệu phó kê bàn đến tận cửa nhận thêm học sinh (HS) trong khi trò không tiền đóng học phí; nhiều giáo viên (GV) bỏ việc riêng, chạy chục cây số đến nhà HS tìm hiểu sao trò nghỉ học… Ở TPHCM, những ngôi trường ngoại thành xa xôi, còn khó khăn lại chứa nhiều chuyện nghĩa tình như thế…
Cái tình với học sinh nghèo
Cách xa thị tứ, ngôi trường nghèo Thới Thạnh ở ấp 1, xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn có một tập thể cán bộ, GV làm những việc như thế ngần ấy năm. Trường có địa bàn thuộc xã nghèo của huyện vùng ven nên phần đông HS có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng HS nghèo chỉ có 1/3, còn 2/3 HS là con em lao động nhập cư bấp bênh nên mỗi trò mỗi hoàn cảnh. GV vừa là người thầy dạy chữ còn là người bạn lắng nghe hoàn cảnh từng em.
“Học trò ở đây thường đi học với cái bụng đói meo, không tập vở. Cha mẹ đi làm từ mờ sáng đến tối mịt nên “khoán” con cho nhà trường. Thầy không thương trò thì ai thương” - thầy Nguyễn Văn Hà, hiệu phó nhà trường, tâm sự.
Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi được phát ra từ 2 thanh sắt “dã chiến”, HS túa ra như đàn ong vỡ tổ. Các em trông nghèo quá, không mặc đồng phục tinh tươm, chỉ có những chiếc quần sẫm màu đủ loại ngắn, dài, những chiếc áo ngắn củn, xỉn màu quá “đát”, lại cũng ít mua quà ăn vặt vì không tiền… Chính ngôi trường cũng chỉ 12 phòng học xuống cấp nhưng 2 phòng ở tít trong ruộng lầy lội chỉ dùng dạy phụ đạo cho HS.
Không có phòng chức năng, căn nhà tạm chưa đầy 40m2 trưng dụng làm phòng thiết bị, thư viện và dành 1 góc nhỏ làm chỗ dạy học. Điều kiện thiếu thốn, gần 850 HS chỉ học 1 buổi, không vi tính, Anh văn. Nhưng các em năng đến lớp và chăm học, 99% HS lên lớp thẳng. Thầy hiệu phó Nguyễn Văn Hà cho biết: “Trường thiếu cơ sở vật chất, HS nghèo, mặt bằng dân trí thấp nên thầy cô còn ở lại là rất quý”.
Từ phương xa đến, cô giáo Lâm Thị Yến đã gắn bó 26 năm với Trường Thới Thạnh và những học trò nghèo. Cô trở thành những GV đầu tiên về vùng sâu Đông Thạnh sau ngày giải phóng với đồng lương ít ỏi và khó khăn trong khi phải gồng gánh nuôi 3 con. Giờ đây, mái đầu đã hoa râm, con cái trưởng thành muốn phụng dưỡng mẹ nhưng “cái tình với học trò kéo cô ở lại với bục giảng.
Làm nghề giáo bao nhiêu năm cô chưa nhận món quà nào từ phụ huynh hay HS. Cô cũng không mong được nhận gì, chỉ hy vọng những đứa nhỏ sẽ trưởng thành bằng tri thức do mình truyền đạt” - cô Yến bùi ngùi. Hay cô giáo trẻ Lâm Thị Kim Chi vẫn ngày ngày bắt 3 chuyến xe buýt đến trường dạy học từ 5 giờ sáng. Nhà ở Củ Chi, cách trường hơn 40 cây số, không phương tiện đi lại, cô còn đảm đương Bí thư chi đoàn.
Hỏi đến chuyện riêng tư, cô bẽn lẽn: “Mình chưa dám có gia đình vì tiền lương nuôi thân chưa nổi sao dám níu kéo thêm ai. Có gia đình rồi mình không thể dành toàn bộ thời gian cho học trò, trường lớp, phải chăm lo ngôi nhà nhỏ. Bây giờ mình chưa muốn xa Trường Thới Thạnh”…
Vì trò... mấy sông cũng lội
Trường có 800 HS nhưng đều thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Đời sống GV thiếu thốn tứ bề... Nhưng những người thầy, người cô vẫn gắn bó với nghề. Điều gì đã níu giữ chân họ? Chỉ có thể là 4 chữ “yêu nghề yêu trò” - ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh, nói về các thầy cô của trường.
Vừa tốt nghiệp ra trường, cử nhân sư phạm Lê Hữu Hân (Thanh Hóa) đánh “liều” về công tác tại huyện Cần Giờ. Cách trung tâm TP hơn 60km, chàng thanh niên mất nửa ngày trên chuyến xe đò chòng chềnh, qua 4 lần phà, lội bộ thêm vài cây số mới “mục kích” được ngôi trường.
“Mình quá sốc khi trường không giống trường, HS đi học không tập vở và ngay cả nước sinh hoạt cũng là món… xa xỉ. Muốn thay đôi dép cũng không tiền, dù có tiền phải lên tới TP mới mua được” - thầy Hân kể. Trường chỉ lèo tèo vài chục HS vì người dân chỉ lo miếng ăn đã mệt không màng chuyện học hành. Những ngày khốn khó rồi cũng quen dần.
Sau 17 năm, Cần Giờ trở thành quê hương thứ hai, thầy Hân đã là hiệu trưởng của ngôi trường Cần Thạnh có 800 HS nhưng có một điều không thay đổi là GV, HS ở đây vẫn nghèo và khó khăn.
Trong dãy nhà tập thể của Trường THPT Cần Thạnh, có đến 12 GV chưa lập gia đình. Hai anh em Nguyễn Đình Bình (dạy Hóa) và Nguyễn Đình Định (dạy Toán) quê Thanh Hóa cùng quyết chí bám trụ với trường. Cầm tấm bằng cử nhân những ngành “hot”, 2 ông giáo trẻ hoàn toàn có thể nghĩ đến cuộc sống thoải mái ở nội thành.
Nhưng họ chọn những vùng xa xôi, nghèo khó để gieo chữ trong khi nhiều người vội cài số lui ngay ngày đầu về công tác. “Có lẽ họ sợ khổ, vì ở đây còn nghèo khó quá. Ngày trước, mình cũng lo nhưng “gian khổ để phần ai”. Phải xông vào thôi” - thầy Bình dí dỏm.
Những “hạt giống” được gieo trồng 12 năm qua trên mảnh đất này giờ đã trưởng thành. Nhiều em trở thành đồng nghiệp bên cạnh thầy cô giáo cũ tiếp nối sự nghiệp trồng người trên huyện đảo Cần Giờ.
Tiêu Hà – Thanh Hùng