Nhọc nhằn y tế vùng cao

Không chỉ đối mặt với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, núi cao vực thẳm, đường sá xa xôi, vất vả, mà những cán bộ y tế, y bác sĩ ở vùng núi phía Bắc còn phải làm việc trong tình trạng rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế.
Nhọc nhằn y tế vùng cao

Không chỉ đối mặt với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, núi cao vực thẳm, đường sá xa xôi, vất vả, mà những cán bộ y tế, y bác sĩ ở vùng núi phía Bắc còn phải làm việc trong tình trạng rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế.

Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn chồng chất

Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cách thành phố Điện Biên Phủ 50 cây số nằm ngay bên quốc lộ 6 nhưng cơ sở vật chất của trung tâm chỉ là vài dãy nhà lụp xụp đã xuống cấp hư hỏng, trang thiết bị y tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. BS Bùi Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho biết, ngoài thiếu thốn cơ sở vật chất, Mường Ảng còn phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng cán bộ y tế, nhất là bác sĩ chuyên khoa. Cả huyện có 191 cán bộ y tế nhưng chỉ vỏn vẹn 6 bác sĩ chuyên khoa 1 và 2. “Tuyến huyện đã khó khăn thì tuyến xã còn khó khăn gấp bội. Cả huyện có 9 xã thì 5 xã trạm y tế là nhà tạm và đã xuống cấp nghiêm trọng như Búng Lao, Áng Cang, Nậm Lịch... nên ảnh ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám chữa bệnh ban đầu cho bà con địa phương” - BS Hải chia sẻ. Trong khi đó, bệnh nhân đông nên nhiều trạm y tế đã phải đặt nhờ cơ sở tại UBND xã hay đồn biên phòng để bà con có nơi khám chữa bệnh.

BS Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết, cả tỉnh có 15 phòng khám đa khoa khu vực và 108 trạm y tế xã. Tuy nhiên 70% số trạm xá bị hư hỏng, xuống cấp và thiếu bác sĩ. Đặc biệt có những xã như Thu Lũm, Ka Lăng, Mù Cả của huyện Mường Tè cách xa trung tâm huyện cả trăm cây số, đường sá đi lại gian nan nên y, bác sĩ từ trên huyện xuống xã, hay cán bộ y tế của trạm xuống các thôn bản đi lại mất cả ngày đường, thậm chí tới 2 ngày đi bộ. Còn bà con mỗi khi ốm đau, bệnh tật cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển đến các cơ sở y tế để chữa trị.

Nhiều giải pháp gỡ khó cho y tế vùng cao

Khó khăn, thiếu thốn của y tế vùng núi phía Bắc đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trong vùng. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, qua thống kê tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, tỷ suất tử vong dưới 1 tuổi và 5 tuổi, tử vong bà mẹ ở vùng núi phía Bắc còn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Mức độ ốm đau của người dân trong vùng cũng cao hơn trung bình cả nước và khả năng điều trị cho bệnh nhân nội trú cũng dài ngày hơn. Đáng chú ý, 95% dân số trong vùng có BHYT nhưng do kỹ thuật y tế chưa phát triển, số dịch vụ thực hiện được hạn chế nên nhiều tỉnh có số kết dư Quỹ BHYT rất lớn, thậm chí kết dư tới 50%. Điều này vừa ảnh hưởng đến khả năng cân đối thu chi, tái đầu tư phát triển cơ sở y tế ở địa phương, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi thụ hưởng của người bệnh.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, khó khăn về y tế ở miền núi còn rất lớn do địa bàn rộng lớn, dân cư sống phân tán, khoảng cách đi lại từ các xã, bản về trung tâm y tế rất xa nên hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Vì vậy nâng cao chất lượng y tế vùng núi cao là công việc cần thiết, cấp bách. “Đầu tư cho y tế các tỉnh miền núi phía Bắc phải tập trung ngay từ tuyến xã, từ y tế thôn bản. Trong đó cần chú trọng xây dựng các trạm y tế xã có khả năng cung ứng dịch vụ tại chỗ cao hơn, thậm chí phải như một phòng khám khu vực để có thể đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con các dân tộc...” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ.

Trong điều kiện nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, Bộ Y tế sẽ cố gắng huy động các nguồn viện trợ không hoàn lại để tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở ở các tỉnh miền núi, đẩy mạnh tiến trình chuẩn hóa trạm y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ trích hơn 100 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu thiên niên kỷ về y tế để xây dựng cho 15 tỉnh miền núi phía Bắc mỗi địa phương 5 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến nhân lực, trang thiết bị. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ ban hành tiêu chí mới về chuẩn quốc gia y tế xã nhằm tập trung đầu tư, trước mắt ưu tiên các trạm y tế xã thuộc vùng núi cao, vùng khó khăn. Bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đưa bác sĩ luân phiên từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới, chương trình đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện khó khăn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, đầu tư cho y tế cơ sở vùng cao không chỉ giảm áp lực quá tải cho tuyến trên mà quan trọng nhất là đảm bảo công bằng hơn trong tiếp cận y tế của người dân khắp các vùng miền và dân tộc. Để đạt được mục tiêu này, ngoài vấn đề kinh phí, các địa phương cần phối hợp và có những chính sách đồng bộ khác, nhất là chính sách đào tạo và thu hút nhân lực. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm bố trí thêm vốn ngân sách, hoặc trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở.

Theo Bộ Y tế, hiện 15 tỉnh vùng núi phía Bắc có hơn 2.560 trạm y tế xã; trong đó có 78 trạm y tế xã chưa có cơ sở, trên 2.200 trạm đã xuống cấp, cần cải tạo và nâng cấp. Số bác sĩ tại các tỉnh như: Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Giang... chỉ ở mức khoảng 7 bác sĩ/vạn dân. Số dược sĩ chỉ ở mức 0,56/vạn dân thấp hơn nhiều so với bình quân của cả nước là 1,96 dược sĩ/vạn dân.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục