Nhộn nhịp “buôn gian” ở cửa hàng miễn thuế

Những phận đời “tầm gửi” nơi cửa khẩu!
Nhộn nhịp “buôn gian” ở cửa hàng miễn thuế

Cửa khẩu kinh tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) được coi là một trong những cửa khẩu có hoạt động buôn bán qua biên giới sôi động nhất cả nước. Và vì thế, nơi đây cũng nổi tiếng với những công nghệ “luồn lách” hàng kém chất lượng, hàng giả và cả hàng trốn thuế qua biên giới.

Những phận đời “tầm gửi” nơi cửa khẩu!

Nhộn nhịp “buôn gian” ở cửa hàng miễn thuế ảnh 1

Những người phụ nữ xếp hàng để mua hàng… thuê.

Theo chân người bạn tên H.G chuyên kinh doanh mặt hàng điện tử tại TPHCM, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Mộc Bài vào một buổi sớm. Mới 7 giờ 30 sáng trước khu vực bán hàng miễn thuế đã đông nghịt người. Anh G cho biết: “Thông thường các mặt hàng miễn thuế tại đây rẻ hơn 20% - 40% so với giá bên ngoài. Cho nên nhiều người dân xếp hàng chầu chực để mua bằng được, sau đó đem ra ngoài bán hưởng chênh lệch”.

Quá tò mò với cách mua bán dễ sinh lợi này, chúng tôi cũng chen chân vào xếp hàng. Đang ngơ ngác chuẩn bị xếp hàng thì một người phụ nữ đến gần bắt chuyện, xòe ra vài tấm phiếu mua hàng giảm giá với giá trị 500.000 đồng/phiếu tại đây và rao bán. “Bao nhiêu một phiếu?”, chúng tôi hỏi. “Tôi bán lại chỉ 50.000 – 70.000 đồng/phiếu thôi, thấp hơn nhiều so với “cò” đấy”.

Nói rồi người phụ nữ trạc 30 tuổi này chỉ vào dãy người đứng xếp hàng, vừa móc túi lấy ra các loại giấy tờ như: Chứng minh nhân dân, hộ chiếu… để đổi lấy phiếu mua hàng miễn thuế. “Những người này cũng như tôi, hàng ngày phải chờ để mua được nhiều phiếu, bán lại cho người dân đến siêu thị mua hàng hay các đầu nậu thầu phiếu mua hàng để kiếm lời”, chị nói. Nói chưa dứt lời thì một thanh niên trông bộ dạng khá “ngầu” ngoắc tay chị lại. Chỉ vài phút sau, toàn bộ phiếu mua hàng giảm giá trên tay người phụ nữ đã được anh chàng này mua hết. Tuy nhiên, thay vì đi mua hàng, anh chàng này lại tiếp tục cầm xấp phiếu mua hàng mang đi… chào bán cho nhóm khách vừa đặt chân đến siêu thị.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại đây có một đội ngũ chuyên sống bằng nghề “bán phiếu”. Trong hàng chục người chờ mua phiếu hàng miễn thuế để vào siêu thị, cứ 10 người thì có 6 đến 8 người là dân mua hàng… thuê. Theo một phụ nữ tên Minh, hầu hết những người này là nông dân địa phương, trước đây bám vào ruộng đồng kiếm sống, nhưng từ ngày cửa khẩu khánh thành siêu thị miễn thuế kéo theo kinh tế cả khu vực vùng biên này phát triển thì mọi người cũng chuyển đổi nghề nghiệp. Đàn ông thì hành nghề xe ôm đưa đón khách hoặc cửu vạn đai hàng, “cao cấp” hơn là làm đầu nậu thu gom phiếu mua hàng giảm thuế, bán lại. Còn phụ nữ cũng có thể làm công việc nhẹ nhàng hơn là mua hàng thuê, với giá một lần mua là 10.000 đồng. “Khách hàng” của họ đa phần là người theo nhóm đông, hoặc người cần mua hàng với số lượng lớn, hàng có giá trị cao… Trung bình mỗi ngày, mỗi “cò” ở đây có thể được ba, bốn “chuyến” hàng.

Những cách làm... lũng đoạn thị trường!

Nhộn nhịp “buôn gian” ở cửa hàng miễn thuế ảnh 2

Thuốc lá và bao đựng Laptop được giấu trong thùng sau xe buýt để chuyển về TPHCM.

Trong lúc hoạt động mua bán tại cửa hàng miễn thuế diễn ra tấp nập thì tại một loạt sạp bán hàng - điểm tập kết hàng hóa của cửu vạn - cách đó không xa, lại có vẻ “âm thầm” hơn. Nhìn bề ngoài, các sạp hàng đều đóng cửa im ỉm, tuy nhiên, dân cửu vạn vẫn ra vào liên tục để trung chuyển hàng hóa. Hàng hóa sau khi ra khỏi khu vực siêu thị miễn thuế, một phần được chuyển trực tiếp đến người mua, đa số còn lại được tập trung về các sạp hàng này. Trong các sạp không có mặt hàng “hạ cám” mà chỉ toàn hàng cao cấp như: rượu ngoại, máy tính xách tay, điện thoại “made in China”, thuốc lá…

Từ điểm tập kết này, cánh đầu nậu thuê cửu vạn tiếp tục trung chuyển đến các phương tiện vận tải (phổ biến nhất là xe khách liên tỉnh) và… ngang nhiên “tuồn” hàng về TPHCM hoặc các tỉnh lân cận để tiêu thụ.

Theo lời kể của một phụ nữ có thâm niên 2 năm trong nghề mua hàng thuê, tại vùng cửa khẩu này, mỗi đầu nậu thường điều khiển hàng chục người mua hàng thuê. Và trong khi những người làm nghề mua hàng thuê chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng mỗi ngày, thì số tiền “lách” khỏi ngân sách Nhà nước của các đầu nậu thì gấp hàng trăm lần. Để tuồn hàng ra ngoài thành công thì những người mua hàng (chủ yếu là phụ nữ hoặc người già) tranh thủ vận dụng mọi “ngóc ngách” cơ thể khiến lực lượng hải quan nhiều khi phải xử lý những cảnh “dở khóc, dở cười”.

Đa số các trường hợp bị phát hiện lập biên bản tịch thu hàng hóa mua gian, những người mua hàng thuê đều mếu máo xin tha vì “tôi chỉ làm công kiếm vài chục ngàn mỗi ngày, nếu bị mất hàng phải đền cho chủ hàng cả nửa triệu bạc”. Và cũng chính vì điều này, nhiều cán bộ không nỡ mạnh tay tịch thu hàng của họ, khiến hoạt động buôn gian bán lận của các đầu nậu tại đây vẫn không giảm.

Việc miễn thuế tại các vùng kinh tế cửa khẩu trọng điểm là chính sách cần thiết. Thế nhưng, những đầu nậu dựa vào kẽ hở luật pháp để kiếm chác đã tạo ra cách làm tiêu cực, gây thiệt hại kinh tế, góp phần lũng đoạn thị trường hàng hóa trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi doanh nghiệp làm ăn chân chính. Rất mong các cơ quan chức trách quan tâm nhiều hơn đến việc chấn chỉnh tình trạng này để làm lành mạnh thị trường hàng hóa.

Công Quang - Anh Thi

Tin cùng chuyên mục