Nhộn nhịp chợ gốm Bát Tràng

Năm nào cũng vậy, khi Tết Nguyên đán cận kề, lượng du khách đổ về làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ngày một đông đúc, nhộn nhịp hơn.
Nhộn nhịp chợ gốm Bát Tràng

Năm nào cũng vậy, khi Tết Nguyên đán cận kề, lượng du khách đổ về làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ngày một đông đúc, nhộn nhịp hơn.

Khách đông

Chợ gốm Bát Tràng được mở họp trong khu vực sân kho của xã từ nhiều năm nay và khu chợ mở cửa đón khách tham quan, mua sắm đủ cả các ngày trong tháng. Những ngày bình thường, những ngày đầu tuần, lượng khách đến với khu chợ chỉ ở mức vừa phải, trong đó khách du lịch là người nước ngoài luôn đông hơn khách ta. Chợ thực sự chỉ đông hơn chút xíu vào vài ngày cuối tuần, khi mà các trường đại học nghỉ, các công sở nghỉ và người ta kéo nhau đi tham quan, mua sắm, dã ngoại, mà Bát tràng ở sát kề nội đô Hà Nội luôn là một trong những điểm đến ấn tượng trong tour dã ngoại của nhiều người.

Thế nhưng, trong giao đoạn giáp tết này, hầu như ngày nào trong tuần, lượng người đổ về làng nghề này nói chung và khu chợ gốm nói riêng đều đông nghẹt. Con đường đê từ cầu Long Biên, Chương Dương, cũng như các ngả dẫn tới Bát Tràng đều đông đúc xe cộ. Tuyến buýt số 47 Long Biên - Bát Tràng, luôn trong tình trạng quá tải.

Chúng tôi tới với chợ gốm này vào một ngày đầu tháng 1-2015, mặc dù lúc này mới là hơn 8 giờ sáng mà các lối đi xen giữa các gian hàng trong sân khu chợ đã chen chân người. Dẫu mệt mỏi, dẫu có khó thở nhưng các chủ gian hàng ở đây đều vui ra mặt, bởi dù gì đi chăng nữa đây cũng là thời điểm “kiếm tết” của họ khi khách đông như thế. Chị Hà, chủ một gian hàng ngay sát cổng ra vào, cười nói với các khách hàng quen: “Tháng nào khách cũng đông như thế này mới sướng, chứ như 6, 7 tháng khác trong năm, buôn bán ế ẩm đến mức buồn ngủ…”.

Nếu như ở những tháng khác trong năm khách đến đây chủ yếu để chơi, để ngắm là chính thì dịp này chủ yếu khách tới để mua hàng hóa, sản phẩm. Hầu như ai tới đây cũng mua cho mình cơ man là gốm, nào chén, ly, độc bình, lọ hoa, đĩa…

Cô Nguyễn Thị Lan, chủ gian hàng gốm Hữu Lan cho hay, những ngày này do khách tới đông quá nên cửa hàng phải thuê thêm nhân viên bán hàng mới lo đủ người phục vụ. Khách đông tới mức không kịp có thời giờ để ăn trưa, vì thế ai ngơi tay lúc nào thì tranh thủ ăn lúc đó, mà cũng đâu có thời gian ăn cơm, chỉ ăn bánh mì, xôi mua sẵn cho tiện…

Khách chọn mua chén đĩa tại Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội).

Không khí nhộn nhịp đông đúc ở chợ gốm Bát Tràng những ngày cuối năm này diễn ra suốt từ sáng sớm cho tới tận nhá nhem tối. Khách tới tham quan mua hàng không chỉ đến từ trung tâm nội đô, mà còn tới từ nhiều tỉnh thành lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh…, Nhiều người từ các tỉnh xa, nhân về Hà Nội có công việc, cũng tranh thủ sang Bát Tràng để mua cho kỳ được mấy sản phẩm gốm sứ mang về dùng.

Bác Trần Tuấn Anh, 59 tuổi, ở Tuyên Quang, nhân chuyến xuống thủ đô chơi với con trai, cũng bắt con chở xe máy sang để mua đồ về cho vợ, bởi vợ ông thích gốm của làng nghề này và dặn chồng phải sang tận nơi mua thì mới là sản phẩm “thật” của Bát Tràng…

Ngoài số lượng lớn khách mua nhỏ lẻ theo dạng tiêu dùng, khu chợ gốm cũng “tiếp” khá nhiều các thương lái từ nhiều vùng miền tới mua gốm với số lượng lớn mang đi tiêu thụ. Ô tô, xe kéo đứng chờ chất hàng ở phía trước khu vực chợ lúc nào cũng thường trực mấy chục chiếc…

Bà Lê Thị Năm, chủ cơ sở Tài Lộc, chia sẻ: “Gốm bắt đầu bán chạy từ đầu tháng 11 âm lịch, chứ suốt những tháng từ đầu năm tới nay ế ẩm lắm. Dịp tháng sáu, tháng bảy nhà tôi bán có hôm chỉ được vài triệu đồng tiền hàng thôi, chán lắm. Sang tháng 11 này, bình quân thu khoảng hơn chục triệu đồng tiền hàng mỗi ngày. Những ngày cuối tuần, số tiền thu tăng đột biến khi khách đông hơn một chút…”.

Cũng tâm trạng vui vẻ như bà Năm, chị Thủy ở gian hàng gốm kế bên khoe: “Nhà tôi có một lượng khách quen nhất định, cộng với nhiều mối hàng bán buôn tới từ Hưng Yên nên mỗi ngày số tiền hàng bán được phải lên tới vài, ba chục triệu đồng”.

Hàng đẹp

Lướt qua gian gốm nhà chị, tôi thấy hầu hết các sản phẩm đều có mẫu mã dẹp, nước men sáng nên khách vào rất đông. Vừa tiếp chuyện với tôi, tay chị vẫn thoăn thoắt gói ghém hàng cho khách. Chỉ đứng ở gian hàng của chị chừng 15 phút, tôi quan sát thấy chị bán được khá nhiều sản phẩm, khi khách này mua mấy chục chén ăn cơm, dăm cái đĩa to, vài chiếc tô đựng canh, mấy chiếc lọ cắm hoa…; trong khi khách khác lại yêu cầu gói cho mấy chiếc bình sứ cảnh, mấy chiếc niêu đất dùng để kho cá và vài chiếc chậu lục giác để thả hoa… Người mua nhiều thanh toán lên tới vài, ba triệu đồng, trong khi những người mua ít cũng phải trả cỡ từ dăm, bảy trăm ngàn tới hơn triệu đồng.

Chẳng riêng gì nhà ai, mà gian hàng nào cũng bán rất chạy, các sản phẩm gốm ban sáng còn chất đầy, vậy mà đã vơi đi nhanh chóng do sức mua rất lớn. Anh Nguyễn Văn Tân, phụ giúp một gian hàng luôn phải đứng đợi sẵn ở ngoài cổng, hễ nghe tiếng bà chủ gọi qua điện thoại nhắc mang các loại sản phẩm gì ra thêm là phải nhanh chóng phóng về để mang ra ngay, mặc dù khoảng cách từ lò gốm tới chợ chưa đến 100m.

Qua tham khảo ở chợ gốm, chúng tôi thấy các loại sản phẩm gốm bán chạy, đắt hàng vào dịp cuối năm như chén, thố, đĩa, tô… và nhiều loại sản phẩm phục vụ sinh hoạt tiêu dùng trong các gia đình. Ngoài ra, mấy sản phẩm gốm “cặp đôi” với hoa, cây cảnh để trưng tết như độc bình, chậu trồng cây cũng bán rất chạy.

Những loại độc bình đại thì bán chậm, nhưng các cỡ độc bình nhỏ, loại trung cao cỡ từ 50 - 70cm, có giá từ 2 - 3 triệu đồng bán khá nhiều, bởi không ít gia đình có nhà rộng, muốn mua độc bình đặt ở hai sảnh cửa ra vào để cắm đào, mai hay các loại hoa thân dài. Các mẫu lọ hoa nhỏ dùng để bàn nước, bàn thờ có giá dăm, bảy chục ngàn đồng, cho đến vài trăm ngàn đồng là mặt hàng bán cực kỳ chạy.

Hòa vào một gian hàng chỉ chuyên kinh doanh các sản phẩm gốm phục vụ sinh hoạt gia đình, tôi thấy một nhóm sinh viên đang loay hoay chọn đồ. Một cô bạn cho biết, nhân ngày nghỉ, cả hội rủ nhau sang Bát Tràng để mua cho gia đình ít chén, đĩa mang về làm quà đón tết. Giá chén nhỏ ăn cơm tại quầy là 18.000 đồng/chiếc, loại có men đẹp, mỏng, nên các bạn trẻ ai nấy đều chọn cho mình mỗi người một, vài chục chiếc.

Chị chủ quầy bảo: “Chén ăn cơm của cửa hàng em rất đẹp, chất lượng nên khách mua đông lắm. Từ sáng đến giờ, em bán được cả mấy trăm chiếc rồi. Có cả khách Tây mua mang về bên nước họ…”.

Chia tay khu chợ gốm Bát Tràng lúc này chiều đã xế bóng nhưng lượng khách vào ra xem và mua sắm hàng vẫn tấp nập và đông đúc đến chen chân. Hòa chung với niềm vui, sự phấn khởi của các chủ lò, chủ hàng nơi đây, lòng chúng tôi ai nấy cũng lâng lâng. Khi khách đông, hàng tiêu thụ nhiều cũng đồng nghĩa với việc lòng tin yêu của người tiêu dùng đặt vào thương hiệu sản phẩm và đó là dấu hiệu tốt đẹp cho sự phồn thịnh của làng nghề…

VIỆT CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục