Nhộn nhịp… phá rừng và buôn lậu gỗ

Nhộn nhịp… phá rừng và buôn lậu gỗ

Một khúc gỗ nghiến, đường kính 40-60 cm, dày 20-30 cm mua tại Cán Tỷ (Quản Bạ - Hà Giang) giá 60-80 nghìn đồng. Mang sang Trung Quốc giá tăng lên 120-160 nghìn đồng. Lãi cao, một đêm cưa gỗ có thể thu hàng trăm nghìn đồng. Kiếm tiền quá dễ, người dân xóm Na Pô (Na Khê - Yên Minh) đổ xô đi buôn lậu gỗ, dù biết đó là phạm pháp.

Buôn lậu như… đi hội

Nhộn nhịp… phá rừng và buôn lậu gỗ ảnh 1

Gỗ lậu bị phát hiện và thu giữ tại Hà Giang. Ảnh: H.G

Khoác lên mình bộ quần áo nhàu nát, nhúng chiếc xe xuống bùn cho thật bẩn, chúng tôi lên đường. Con đường đất đỏ nối từ km 68 Quốc lộ 4c với xóm Na Pô, xuyên ra mốc 7 đường biên giới Việt - Trung hun hút, đầy ổ gà. Khi màn đêm buông xuống, hàng đoàn xe máy phóng ào ào mang gỗ sang bên kia biên giới.

Gần đây, kiểm lâm Yên Minh phối hợp với đồn Biên phòng Bạch Đích, dân quân xã Na Khê tăng cường tuần tra, kiểm soát, vây bắt nên tình hình buôn lậu trên tuyến đường này có vẻ bớt ồn ào. Trước sự truy quét của lực lượng chức năng, các đối tượng hoạt động bí mật hơn, thủ đoạn tinh vi hơn. Chúng cắt cử người theo dõi “nhất cử nhất động” của lực lượng chức năng. Khi không có lực lượng đi tuần, những tay buôn lậu vặn hết ga cho xe máy tăng tốc lao nhanh về phía biên giới.

Anh Lý Văn Hảo, cán bộ Kiểm lâm Yên Minh, cho biết tình trạng buôn lậu gỗ qua biên giới diễn ra từ cuối năm 2006. Vào thời điểm này, khi đang làm nhiệm vụ tại Na Khê, các anh phát hiện cứ 20 giờ tối hàng ngày, trên tuyến đường Quản Bạ - Na Khê có rất đông người, xe máy qua lại.

Qua theo dõi, các anh biết được đó là những người buôn gỗ lậu sang bên kia biên giới. Con đường vận chuyển gỗ lậu khởi đầu từ Cán Tỷ, qua xóm Na Pô đến mốc 7, sang xóm Tả Kha xã Hương Giàng Vản (Malypho- Trung Quốc).

Các đối tượng buôn lậu chỉ cần vượt qua biên giới khoảng 500m là đến điểm tập kết của đầu nậu. Khi đã nắm rõ quy luật hoạt động của dân buôn lậu gỗ, dân quân xã Na Khê tổ chức 2 điểm phục kích trên đoạn đường ra biên giới. Khoảng 9 giờ tối, tiếng xe máy gầm rú, ánh đèn xe loang loáng, xé toạc không gian yên tĩnh nơi núi rừng. Một tốp 4-5 chiếc xe lao vun vút.

Khi chiếc xe đầu tiên vào điểm phục kích, dân quân ùa ra chặn đầu, đối tượng đã lao cả xe và thả gỗ xuống đường khiến họ phải chạy dạt ra hai bên. Chiếc xe rồ ga tăng tốc tháo chạy nhưng đã bị tổ phục kích 2 chặn lại. Đợt ra quân đó, dân quân xã Na Khê bắt được 3 đối tượng, tạm giữ 3 xe máy, 9 khúc gỗ nghiến.

Tiếp tục truy quét, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân, bắt được 4 vụ với 18 đối tượng, tạm giữ 18 xe máy, 26 khúc gỗ nghiến.

Phá rừng ngay trụ sở BQL

Chúng tôi đến Cán Tỷ đúng thời điểm lực lượng chức năng của huyện Quản Bạ đang ra quân truy quét đối tượng khai thác lâm sản trái phép. Vừa đặt chân đến cửa rừng, chúng tôi đã nghe tiếng người gọi nhau í ới. Phía xa, những tấm lưng trần đang tất tả chạy trên các lối mòn.

Vào sâu trong rừng, chúng tôi bắt gặp nhiều cây nghiến bị chặt hạ đang cưa dở, nhiều khúc gỗ chưa kịp đưa ra khỏi rừng. Những cây gỗ nghiến bị chặt nằm rải rác ở các khoảnh 1, 2, 3, 5 và 7 thuộc tiểu khu 49 và 50b. Diện tích rừng này, một phần do thôn Đầu Cầu 2 (Cán Tỷ) quản lý, một phần Nhà nước giao khoán cho người dân thôn Đầu Cầu 1 và thôn Sín Suối Hồ (Cán Tỷ) bảo vệ từ năm 1997.

Năm 2000, Ban quản lý (BQL) khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bát Đại Sơn được thành lập, trụ sở đóng ngay đầu cầu Cán Tỷ. Khu BTTN Bát Đại Sơn có diện tích tự nhiên 10.684 ha thuộc 4 xã Bát Đại Sơn, Thanh Vân, Cán Tỷ, Nghĩa Thuận. Như vậy, khu rừng này có 2 chủ quản lý. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì diện tích rừng bị phá nằm sát vách BQL mà chậm được phát hiện. Chỉ đến khi nhận được thông tin từ phía Yên Minh, các ngành chức năng của Quản Bạ mới vào cuộc.

Khi nạn phá rừng tại Cán Tỷ trở lên nóng bỏng, huyện Quản Bạ đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Huyện đã thành lập các tổ công tác đặc biệt như Tổ kiểm tra việc vận chuyển lâm sản trên tuyến đường Cán Tỷ - Yên Minh; tổ điều tra đối tượng khai thác gỗ trái phép tại Cán Tỷ và tổ liên ngành truy quét đối tượng khai thác và buôn lậu gỗ trái phép.

Ngay khi thành lập, các tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc truy quét, vây bắt đối tượng vận chuyển gỗ lậu trên Quốc lộ 4c và các đối tượng khai thác gỗ trong rừng. Những đợt ra quân này bước đầu trấn áp được việc người dân vào rừng khai thác gỗ, nhiều đối tượng đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Lệnh Thế Hội, khẳng định tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn xã Cán Tỷ diễn ra trong thời gian dài, khối lượng thiệt hại lớn nhưng không phát hiện kịp thời, trách nhiệm trước hết thuộc về BQL, người dân nhận khoán bảo vệ và Hạt Kiểm lâm. Huyện đã yêu cầu BQL khu BTTN Bát Đại Sơn xác định rõ trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, các biện pháp đã, đang triển khai chỉ là giải pháp tình thế. “Huyện Quản Bạ xác định các biện pháp căn cơ hơn như tạo việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân. Chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng của Quản Bạ nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh để rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”… -ông Hội nói.

Thiên Thanh

Tin cùng chuyên mục