Nhức nhối chuyện doanh nghiệp xem thường trách nhiệm xã hội

1. Tình trạng tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long bị tiêm tạp chất xảy ra khá thường xuyên và kéo dài nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt, ảnh hưởng đến chất lượng, đặc biệt là uy tín hàng thủy sản Việt Nam. Nhiều cuộc họp trước đó đã thất bại khi một số doanh nghiệp quyết liệt chối từ, lại có doanh nghiệp chấp nhận mua hoặc tỉnh này quyết dẹp bỏ thì tỉnh khác lại lơ là. Sự thiếu nhất quán và mất đoàn kết làm thất bại ngay từ đầu một chủ trương đúng đắn. Từ đó, “tệ nạn” này xảy ra ngày càng tinh vi, khi xuất hiện cả một hệ thống tổ chức quy mô, có đội quân bơm chích tay nghề cao… Tháng 7-2009, tại Cà Mau, vùng trọng điểm của “tệ nạn” này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp chế biến tôm với khẩu hiệu “Doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất”. Các doanh nghiệp tham dự cùng ký vào bản cam kết, không mua tôm có tạp chất. Việc làm này đã cho thấy quyết tâm cao của nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp để giải quyết tệ nạn vốn tồn tại nhiều năm qua.

Vậy nhưng mới đây lại xuất hiện một tình huống mới, khi các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu thực hiện đúng cam kết bị hăm dọa. Cụ thể là Công ty TNHH Nhật Đức (Cà Mau) từ chối mua lô tôm nguyên liệu có tạp chất và giữ lại để báo cho cơ quan chức năng đến xử lý thì nhân viên công ty bị đại lý cung cấp nguyên liệu hăm dọa, hành hung. 

2. Việc nhập khẩu sản phẩm động vật đông lạnh đã xảy ra mấy năm nay, với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Cao điểm là năm 2008, khi số lượng tăng gấp mấy lần so với năm 2007. Chỉ riêng TPHCM, lượng thịt đông lạnh nhập khẩu tiêu thụ mỗi ngày từ vài tấn lên vài chục tấn, rồi  trên 100 tấn/ngày, đến mức năm 2008, Bộ NN-PTNT phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp để lên tiếng về tình trạng thịt ngoại đang giết chết ngành chăn nuôi trong nước. Năm nay, cụ thể là mấy tháng gần đây thịt đông lạnh nhập khẩu lại rộ lên chuyện bị nhiễm vi khuẩn với số lượng lớn. Mới đây, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cảnh báo, có hiện tượng nhiều nước đang tồn kho một khối lượng lớn thịt đông lạnh, vì vậy Việt Nam phải hết sức cảnh giác… vì không loại trừ đây là hiện tượng “xả hàng” tồn kho của những quốc gia này. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng phải kiểm tra thường xuyên các hoạt động nhập khẩu và kho lạnh, đồng thời đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn nữa về nhập khẩu. Không phải ngẫu nhiên mà liên tục trong tháng 7 và 8, ngành thú y và chăn nuôi có những cuộc họp để tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, chỉ doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt mới được nhập khẩu. Lô hàng nào phát hiện nhiễm khuẩn sẽ có thông báo cho cơ quan thú y nước xuất khẩu và nếu phát hiện thịt nhiễm bẩn lần 2 sẽ ngừng nhập khẩu sản phẩm từ công ty đó của nước đó.

Hai hiện tượng trên đây không liên quan gì nhau, nhưng cùng có chung bản chất – nhiều doanh nghiệp chỉ xem lợi nhuận là trên hết. Hành vi hăm dọa của đại lý đối với doanh nghiệp quyết không mua tôm bị bơm tạp chất là phá hoại chủ trương mà Bộ NN-PTNT và các tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Trong khi đó, như hành vi nhập nội tạng động vật, dù nhà xuất khẩu in rõ trên bao bì “không dùng cho người”, nhưng vì lợi nhuận mà doanh nghiệp vẫn bán làm thực phẩm cho người, không chỉ là trái đạo đức kinh doanh mà còn vi phạm những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Những hành vi này phải bị trừng phạt thích đáng để bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng và khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục