Nghe tin Vĩnh Mẫn vừa đi họp “Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển” về, tôi liền đến gặp ông. Trước ngày rời Huế đi họp, ông và tôi đã trò chuyện suốt một ngày về đề tài đường Hồ Chí Minh trên biển. Gần 10 năm, Vĩnh Mẫn (với tên Phan Thắng) là Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125- biệt danh đoàn quân chủ lực của đường Hồ Chí Minh trên biển, nên có rất nhiều tư liệu về con đường huyền thoại này.
Tôi vừa bước vào cửa, ông nói ngay: “Có thêm tư liệu cho ông đây. Anh em khắp nơi gọi điện về… Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân và cấp trên đã có chủ trương xét khen thưởng huân chương, tặng danh hiệu Anh hùng, nhân kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển”. Vĩnh Mẫn ôm một chồng album ra bàn và đưa cho tôi xem những tài liệu liên quan. Dễ có đến cả ngàn tấm ảnh về đường Hồ Chí Minh trên biển, về những kỷ niệm đồng đội ở Đoàn tàu không số.
Nghe ông giới thiệu lai lịch những bức ảnh đó, tôi nghĩ giá như có người ghi lại được chi tiết sẽ thành một cuốn sách có giá trị lịch sử khá thú vị. Có ảnh nhiều tướng lĩnh, anh hùng và cũng có nhiều chiến sĩ bình thường nhưng đã có những năm tháng sống như một anh hùng - kể cả sau chuyến đi thất bại.
Đó là bức ảnh Vĩnh Mẫn sưu tập kèm một bài trên báo Hải Quân, kể chuyện “Một tình yêu vượt nghìn sóng”: chàng sinh viên kiến trúc Đỗ Xuân Tâm sắp ra trường thì đầu quân, rồi được điều vào Đoàn 125, đi 2 chuyến thành công, trở về cưới vợ được 3 ngày thì đi tiếp chuyến thứ 3 vào giữa năm 1966. Chuyến đi thất bại vì địch vây hãm, rồi tàu mắc cạn, phải cho nổ bộc phá hủy tàu; riêng anh mắc kẹt tại một bến ở Cà Mau đến 10 năm không một tin tức về người vợ trẻ ở Hải Phòng. Ai ngờ, ngày đất nước thống nhất, lại chính một con tàu không số đưa cô vào Cần Thơ tìm anh…
Có thể nghe Vĩnh Mẫn kể chuyện đường Hồ Chí Minh trên biển kèm với các bức ảnh cả ngày không hết, nhưng tôi đang muốn biết thông tin cuộc họp Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, nên tạm gấp album và hỏi ông: “Chắc là hội đã thống nhất danh sách đề nghị khen thưởng và tuyên dương anh hùng lần này rồi chứ anh”. “Từ từ rồi mình kể cho nghe. Thống nhất danh sách rồi, bỏ phiếu kín nhé, nhưng còn cấp trên xét nữa…”.
Vĩnh Mẫn mở một xấp tài liệu, rồi gấp lại. Tôi biết là ông không tiện công bố một danh sách chưa chính thức, nên chỉ hỏi: “Riêng trường hợp Lê Văn Một thì sao anh?”. “Ồ! Với Lê Văn Một thì lần này đứng đầu danh sách”. “Có thế chứ!”.
Gần như là tôi đã reo lên, mặc dù mới biết anh qua những trang sách của chị Phạm Thị Loan mà Vĩnh Mẫn cho tôi mượn từ lần gặp trước. Tôi đã reo lên vì sau khi đọc cuốn sách, tôi đã nói ngay với Vĩnh Mẫn: “Anh Lê Văn Một xứng đáng được phong tặng Anh hùng đến mấy lần ấy chứ!”. Đơn giản vì anh có công lớn từ thời chống Pháp. Vậy mà suýt nữa anh bị lãng quên. Ba năm sau ngày anh mất, tại cuộc họp mặt ở Bảo tàng Cách mạng TPHCM năm 1985, nghe hai vị lão thành cách mạng là bác Dương Quang Đông và Trung tướng Đồng Văn Cống kể về công lao đặc biệt của anh, các tổ chức hữu quan mới lập hồ sơ truy tặng anh Huân chương Độc lập, ghi tên anh vào Tự điển Bách khoa Quân đội nhân dân Việt Nam…
Theo bác Dương Quang Đông, từ chiến khu Đồng Tháp Mười, thực hiện chủ trương Xứ ủy Nam Kỳ, ngày 20-6-1946, chính bác đã cùng Lê Văn Một và 12 người nữa lên một chiếc thuyền buồm vượt biển theo hướng Bangkok (Thái Lan) tìm mua vũ khí… Như thế, việc chọn ngày 23-10-1961 kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại là có cơ sở. Nhưng cũng nên xét đến 15 năm trước ngày chiếc thuyền đầu tiên từ Bến Tre tìm đường ra Bắc, con đường trên biển Đông đã được khai mở và như thế, lịch sử con đường cứu nước đặc biệt này đến nay phải tính là tròn 65 năm.
Quả thật là đặc biệt vì với một nhiệm vụ hệ trọng như thế, ông Dương Quang Đông lại dám trao tay lái cho chàng thanh niên vừa cởi áo thủy quân Pháp, có lý lịch phức tạp như Lê Văn Một - anh là con út ông Đốc học Mỹ Tho, từng mang tên Tây là Abel René. Ông còn tin tưởng trao cho anh 25kg vàng thỏi tích trữ được qua “Tuần lễ vàng” sau Cách mạng Tháng Tám.
Đến Bangkok, mua được súng đạn, anh lại tình nguyện lên biên giới Kôkông, khai mở tuyến đường xuyên Tây đưa vũ khí về Việt Nam. Sau đó, thấy con đường quá cảnh này quá khó khăn, vận chuyển được ít, anh lại cùng ông Năm Phúc (bí danh của bác Dương Quang Đông) lập những chiếc tàu Độc lập, Chiến thắng vượt qua vịnh Thái Lan chở thẳng vũ khí về nước…
Sau Hiệp định Genève, Lê Văn Một tập kết ra Bắc và lúc đường Hồ Chí Minh trên biển mới chỉ rất ít người biết đến, các đồng chí lãnh đạo cấp cao lại đã tìm đến anh, tin cậy vào năng lực chuyên môn của người từng làm hoa tiêu trên chiếc Lamotte Picquet - tuần dương hạm lớn nhất Đông Dương thời trước 1945, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin cậy, mời nhiều trí thức học trường Tây giàu lòng yêu nước tham gia Chính phủ thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám…
Vậy mà tôi và có lẽ nhiều người nữa, khi nghĩ đến đường Hồ Chí Minh trên biển, thường chỉ nghe nhắc đến Anh hùng- liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh và Anh hùng Bông Văn Dĩa, chính trị viên Tàu không số đầu tiên… trong khi Lê Văn Một chính là thuyền trưởng chiếc tàu đó!
Chuyến đi mở đầu chở hơn 30 tấn vũ khí vào Nam khởi hành từ bến Đồ Sơn vào lúc 22 giờ 30 đêm 11-10-1962 với vô vàn bất trắc, hiểm nguy cũng như những chuyến sau đó đã được nhiều sách báo nói đến. Đoàn 125 đã hai lần được tuyên dương là Đơn vị Anh hùng, nhiều cán bộ chiến sĩ cũng đã được tuyên dương, khen thưởng. Và dịp kỷ niệm sắp tới, hẳn là sẽ còn nhiều người được tuyên dương.
Tuy vậy, Vĩnh Mẫn nhỏ giọng bảo tôi: “Cần phải nghĩ đến những số phận không may trong cuộc chiến khốc liệt ở đường Hồ Chí Minh trên biển nữa. Như cựu chiến binh Mai Văn Khung đang sống lặng lẽ ở Hải Phòng. Ông là một trong 6 chiến sĩ sống sót trên chiếc tàu 235 trong trận chiến đấu nổi tiếng bi tráng ở Hòn Hèo- Khánh Hòa. Điều trớ trêu là trong khi đi tìm nước uống cho đồng đội, Khung đã bị bắt! Thế là trong khi 5 chiến sĩ còn lại được lên mặt báo như những anh hùng, thì Mai Văn Khung gần như bị bỏ quên!".
Tôi chợt nhớ, trong tập tài liệu của Mã Thiện Đồng- tác giả cuốn Ký ức tàu không số, ngoài trường hợp Mai Văn Khung, chị còn nhắc đến anh Lê Hà, con trai má Mười Rìu ở Bà Rịa. Sau nhiều chuyến đi thành công- trong đó có chuyến đi lịch sử mở đường ra Bắc năm 1961, chuyến đi năm 1972, tàu bị bao vây, phải cho nổ tàu, anh và một số thủy thủ bị bắt. Sau khi được trao trả từ nhà tù Phú Quốc, anh bị mất hết mọi quyền lợi!
Ôi! Ai dám bảo một người như anh Lê Hà không anh hùng? Tôi muốn kêu lên vậy. Hơn nửa thế kỷ đã qua. Những chiến sĩ từng lao vào cuộc chiến sinh tử ở đường Hồ Chí Minh trên biển không ai nghĩ đến chuyện được khen thưởng khi ra đi, nhưng hậu thế phải biết đối đãi công bằng.
Tôi chưa kịp nói gì thêm thì Vĩnh Mẫn mở một xấp tài liệu và đưa cho tôi 2 lá thư của đại tá Hồ Đắc Thạnh, từng là một thuyền trưởng đoàn tàu không số viết từ Tuy Hòa (Phú Yên). Trong thư ngày 24-1-2011, ông đã viết: “Tôi từ Phú Yên ra Bình Định rủ Nguyễn Dậu (cơ công cũ) ra thăm, thắp hương cho anh Trần Như, đồng thời giúp cho con cháu anh Như làm thủ tục xin xây nhà tình nghĩa đồng đội. Mọi công việc đã hoàn tất… Về nhà tình nghĩa đồng đội ở miền Trung, đã đề nghị và được trên phê duyệt xây dựng xong nhà anh Trương Xuân Quang, thuyền trưởng ở Bình Sơn (Quảng Ngãi)… Đang làm thủ tục xin làm nhà nhân kỷ niệm 50 năm: 1.- Nhà con anh Trần Nhợ, liệt sĩ tàu 41; 2.- Nhà con anh Bùi Nề, trợ lý xăng dầu ở Quảng Ngãi; 3.- Nhà con anh Dương Văn Lộc, liệt sĩ ở Quảng Nam…”.
Đại tá Hồ Đắc Thạnh cũng là một anh hùng chưa được phong tặng. Ngoài những chuyến đi thành công khác, ông đã 3 lần đưa tàu vào bến Vũng Rô nổi tiếng. Vậy nhưng bản thân ông, cũng như anh Vĩnh Mẫn, chỉ quan tâm trước hết đến đồng đội anh hùng của mình- những ông già sống lặng lẽ khắp mọi miền đất nước và có lẽ cả những người đã khuất như Lê Văn Một…
Hẳn là không ít người nghĩ rằng, đối với đường Hồ Chí Minh trên biển, tàu vừa đi qua đã không còn vết tích, huống chi đã hơn nửa thế kỷ đã qua. Vậy nhưng chỉ qua vài dòng thư và của chỉ một vài nhân chứng may mắn còn sống đến hôm nay, tôi hiểu ra tất cả vẫn còn lưu dấu đậm nét, ít ra là trong những cựu chiến binh như Vĩnh Mẫn, như đại tá Hồ Đắc Thạnh… và những đồng chí trong Ban liên lạc Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và nghĩa tình với đồng đội, với con em những chiến sĩ cảm tử vì Độc lập và Tự do của Tổ quốc. Mà đâu chỉ là trách nhiệm của những cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển với đồng đội cũ.
Cách sống có tình nghĩa, thủy chung với những cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ có tác dụng động viên to lớn đối với những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong thời điểm đầy sóng gió hôm nay…
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Thông tin liên quan |
>> Mở đường, lập bến vùng đất mũi Cà Mau |