

Ngày nay, trên thị trường chứng khoán (TTCK), các nhà đầu tư vẫn chạy theo giá trị ảo của cổ phiếu nào đó. Những bài học lịch sử thường bị người ta lãng quên hoặc tìm cách tránh né khi có bong bóng mới xuất hiện, với lập luận “lần này thì khác”. Rồi mỗi khi “cơn điên” đổ xô đầu tư chuyển sang hoảng sợ rồi sụp đổ, người ta lại cứ tự hỏi: điều gì đã thật sự xảy ra?
Các vụ sụp đổ đều không được thấy trước bởi số đông, cả các nhà kinh tế
Trước “Thứ ba đen tối” 29-10-1929, khi Wall Street sụp đổ, không có nhà kinh tế nào dự báo điều đó. Hai tổ chức kinh tế nổi tiếng nhất Mỹ lúc đó, thuộc Đại học Yale và Đại học Harvard, đều đã dự đoán sai, cả khi Đại suy thoái diễn ra, cả 2 vẫn đánh giá lạc quan. 14 ngày trước “Thứ ba đen tối”, nhà kinh tế nổi tiếng Irving Fisher, giáo sư Đại học Yale, còn nhận định: “Vài tháng nữa, TTCK sẽ tăng trưởng mạnh hơn hiện nay nhiều”.
Vài ngày sau “Thứ ba đen tối”, Hội Kinh tế thuộc Đại học Harvard cho rằng: “Không thể xảy ra sự suy thoái mạnh như thời kỳ 1920-1921, chúng ta sẽ không phải đối mặt tình trạng phá sản kéo dài”. Sau khi liên tục đưa ra nhiều dự báo sai lầm, năm 1932, hội này đã... đóng cửa.
Vụ sụp đổ Wall Street đã chứng minh, các nhà kinh tế không phải luôn dự báo đúng. Nhiều người như Irving Fisher và nhà kinh tế người Anh nổi tiếng John Maynard Keynes, giáo sư Đại học Cambridge, cũng bị Đại suy thoái “lột” mất nhiều khoản đầu tư trị giá nhiều triệu USD lúc đó.
Nhiều vụ sụp đổ không diễn ra khi các dấu hiệu xấu đi mà ngược lại, các số liệu kinh tế lại có vẻ tốt hơn trước sụp đổ
Tình hình kinh tế đầy lạc quan, TTCK liên tục tăng, các số liệu như sản lượng, việc làm... đều có vẻ tốt hơn. Điều đó giải thích vì sao số đông nhà đầu tư, cả các nhà kinh tế, rất dễ bị đánh lừa.
Thị trường cũng tăng sự lạc quan nhờ tình hình chính trị. Như tháng 11-1928, Herbert Hoover được bầu làm Tổng thống Mỹ với đa số phiếu, tạo sự gia tăng mua cổ phiếu cao nhất tính đến thời điểm đó. Thế nhưng, không đầy một năm sau, Wall Street sụp đổ, dẫn đến Đại suy thoái.
Trong các vụ sụp đổ, lĩnh vực tư nhân thường mắc nợ lớn
Nợ là biểu hiện của sự tin tưởng. Chủ nợ tin con nợ có khả năng thanh toán đúng hạn. Con nợ (không cố tình lừa đảo) cũng tin như thế, hiện không có tiền trả nhưng rồi sẽ có. Do đó, tình trạng nợ gia tăng là dấu hiệu của tin tưởng quá mức, vào giai đoạn cuối của đổ xô đầu tư. Sau đó, người ta mới nhận thấy đã thực hiện nhiều hành động vô lý trong giai đoạn tin tưởng quá mức.
Thực tế cũng cho thấy, trước khi sụp đổ, trạng thái hưng phấn luôn dẫn đến lập luận “lần này thì khác” mỗi khi có dấu hiệu cảnh báo rủi ro. Trước vụ sụp đổ TTCK Nhật Bản thập niên 1990, dù có nhiều dấu hiệu cảnh báo, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn ủng hộ cho đầu tư ở Nhật, viện lẽ hệ thống kế toán Nhật “khác biệt” và Ngân hàng Trung ương Nhật biết cách lèo lái nền kinh tế.
“Sự điên rồ tăng dần”
Khi đổ xô đầu tư không cẩn trọng, người ta thường không xem xét giá trị thật hay độ rủi ro của cổ phiếu mà cứ điên cuồng mua vào càng nhiều càng tốt với suy nghĩ rằng, sẽ luôn có người mua lại với giá cao hơn nữa, cứ thế đẩy giá cổ phiếu tiếp tục tăng. Đây là học thuyết sự điên rồ tăng dần (greater-fool theory).
Lịch sử cho thấy, thuyết này luôn lập lại sự mê hoặc của nó trước mỗi vụ sụp đổ. Tất nhiên không thể tăng mãi, vì đến lúc có dấu hiệu gây hoảng loạn thị trường thì giá cổ phiếu rơi tự do bởi ai cũng muốn bán tháo để vớt vát vốn. Những nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm, sẽ mất trắng khi nhảy vào ở giai đoạn cuối này. Khi nhà đầu tư quá lạc quan dễ dẫn đến thiếu khôn ngoan, gây nợ quá mức nhưng lại biện hộ là mọi thứ đang tăng giá, nên các sai lầm nếu có sẽ sửa chữa được, nợ sẽ thanh toán sau khi thu nhập tăng. Tuy nhiên, “thu nhập tăng” đó thường chỉ có trên giấy và không phải ai cũng nhận thấy trước khi sụp đổ, nhất là những nhà đầu tư đến sau.
Và, bài học đáng nhớ nhất, là hãy... nhớ các bài học lịch sử mỗi khi có “cơn điên” đổ xô đầu tư xuất hiện.
Kinh tế thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ, truyền thông tức thời, nên các cơ hội đầu tư lan truyền rất nhanh. Bong bóng xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, mỗi khi xuất hiện luôn được “bơm” căng dần, rất khó ngưng lại, và không có vụ nổ bong bóng nào “êm ái”. Cả với những bong bóng được dự đoán, nhiều nhà đầu tư cũng khó thoát ra được do quan tâm đến các hoạt động ngắn hạn.
Giáo sư kinh tế người Anh John Kenneth Galbraith nhấn mạnh, đặc trưng của tất cả bong bóng là sự kết hợp nguy hiểm giữa 2 tin tưởng sai lầm: “Có sự việc mới lạ vừa xuất hiện” và “Khi hiểu biết bản chất sự việc mới này sẽ dẫn đến thành công”. Ông nói: “Phải luôn nghĩ chúng ta có nhiều người hoạt động và tư vấn về thị trường, hơn là cho rằng mình đủ thông minh để tự điều khiển thị trường”. Trong cuốn A Short History Of Financial Euphoria, ông Galbraith cảnh báo: “Chỉ sau khi sụp đổ đầu cơ, sự thật mới hiện rõ, những gì được cho là độc đáo hóa ra chỉ là sự kết hợp ngẫu nhiên. Thường thấy là, các “thiên tài” có khả năng nhạy bén với thị trường tài chính chỉ tồn tại trước khi sụp đổ. Những ai tỉnh táo sẽ luôn nhớ bài học về các vụ sụp đổ trước”.
Một đặc điểm kinh tế là khi có sự việc mới xuất hiện, có tiềm năng sinh lợi lớn, hàng trăm công ty lớn nhỏ nhanh chóng được lập ra để nắm cơ hội, cả những công ty quản lý yếu kém, sau đó không cạnh tranh nổi phải sáp nhập hoặc phá sản. Thời kỳ cổ phiếu các dotcom tăng vọt cuối thập niên 1990, cụm từ “tulip mania” (cơn điên tulip) được nhắc lại thường xuyên nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Trong các vụ bùng nổ như dotcom, chỉ những công ty hàng đầu nhảy vào TTCK trước mới trụ vững, hàng loạt công ty nhỏ đến sau phải đóng cửa. Sự đổ xô đầu tư vào những lĩnh vực mới khi bị ngưng đột ngột còn làm nhiều lĩnh vực kinh tế liên quan suy sụp theo.
THIỆN NGUYỄN
Các nhà kinh tế không phải luôn dự báo đúng về các vụ sụp đổ. Irving Fisher, nhà kinh tế nổi tiếng, giáo sư Đại học Yale, từng nhận định “TTCK sẽ tăng trưởng mạnh hơn nhiều” chỉ 2 tuần trước vụ sụp đổ Wall Street năm 1929