Những bàn tay dệt nên cuộc đời

Nghề đan lục bình đã có tại các địa phương như Long Phú, Cái Tàu, Cao Lãnh, Ngãi Tứ… (Vĩnh Long), đến nay đã gần 30 năm. Là nghề tự phát trong nhân dân, dần dà để phù hợp với xu thế phát triển xã hội, nhiều địa phương đã tổ chức thành hợp tác xã , đưa sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ lục bình vào nền nếp, quy củ. Nhiều xã viên là người khuyết tật được ưu tiên đào tạo, trở thành những thợ giỏi, có thu nhập ổn định, hòa nhập cuộc sống.

Những con đường trải thảm lục bình

Chúng tôi về Ngãi Tứ (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vào những ngày đầu tháng tư, trong cái nắng nóng hừng hực như lửa lò rèn, mọi thứ tựa như bị nung chảy. Những đống rơm mới đầu mùa gặt, chất cao theo bờ đê trên ruộng, vậy mà cũng đã bạc thếch vì mỏi mòn theo nắng.

Những bàn tay dệt nên cuộc đời ảnh 1 Phơi lục bình - một công đoạn quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình
Nắng như đổ lửa, nhưng cánh đồng lại xanh rì màu mạ non. Đây đó trên cánh đồng, bà con nông dân mặc cái nắng cháy da, vẫn cần cù với công việc đồng áng. Có hề gì, cả cuộc đời dầm mưa dãi nắng, thì sá gì chút nắng tháng tư! Giữa bốn bề yên lặng, sự êm đềm cố hữu của làng quê, tôi chợt nhận ra một điều thật sinh động, một nét đẹp tuyệt vời do bàn tay khéo léo của bà con nông dân nơi đây tạo nên. Như phím đàn dương cầm khổng lồ chạy dài hun hút trên những con đường nông thôn mới, đó là những cọng lục bình được cắt dài bằng nhau, xếp thành hàng đều đặn, phơi dọc theo hai bên lề đường. Cái đẹp bất chợt như bức tranh, màu xanh màu vàng đậm nhạt tự nhiên của lục bình, lung linh trên màu cỏ vàng dịu dàng trong nắng trưa. Chắc hẳn chỉ ở Ngãi Tứ mới có được nét đẹp như thế này. Nét đẹp từ một làng nghề đan thảm lục bình đã gần 30 năm.


Tôi dừng lại khi gặp một người đàn ông có nét mặt sạm nắng, chân bước đi khập khiễng vì anh bị khuyết tật một chân trái. Anh đang phơi lục bình dưới cái nắng chang chang. Anh nhoẻn miệng cười vui vẻ, nói: “Gặp cái nắng cháy mặt này, ai cũng ngán, cũng muốn chạy trốn nó, nhưng đối với người phơi lục bình như tụi tui thì mê lắm, mê còn hơn gái một con”. Câu pha trò mà cũng đúng với công việc của anh, khiến chúng tôi cùng cười xòa. Anh nói tiếp: “Phơi vài cái nắng như hôm nay, lục bình khô ngon lành, không có sượng, dẻo còn hơn nếp mới”. Rồi anh đưa tay chỉ hàng lục bình đang phơi trong nắng, giới thiệu với tôi: “Mớ lục bình này của tôi trồng, đem phơi khô để bỏ mối cho mấy người đan lục bình”. Giọng nói anh thêm hào hứng: “Ngày xưa lục bình nhiều vô kể, nơi đâu cũng có. Nhưng giờ, lục bình ngày càng hiếm, do cả vùng Ngãi Tứ này ai cũng dùng làm hàng mỹ nghệ nhiều quá nên phải mua thêm ở Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng... Thấy vậy, tôi bèn bỏ nghề đan lục bình, nhảy ra trồng lục bình. Do tôi không có vườn, không có ruộng nên tận dụng đất bồi ven sông. Hơn nữa, tôi là người khuyết tật, đan lục bình năng suất không cao nên tôi cũng được ban chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) ưu tiên giúp đỡ cho trồng lục bình. Nào dè, trồng lục bình có ăn còn hơn trồng lúa. Khi hút hàng, lục bình bán gần 30.000 đồng/kg, thấp nhất cũng không dưới 20.000 đồng/kg. Nhờ vậy mà hoàn cảnh kinh tế nhà tôi cũng đỡ hơn, không còn nghèo túng như xưa.

Tạm biệt anh trồng lục bình vui tính, tôi chợt nhớ ra mình quên một điều, nên ngoảnh lại hỏi: “Mai mốt tôi có về đây tìm anh, biết hỏi anh tên gì?”. “Thì cứ hỏi Năm Xi Cà Que, ai cũng biết”, anh vẫy tay trả lời. 

Nghề của nông nhàn

Chúng tôi được anh Châu Văn Thắng, Trưởng ấp An Phong (xã Ngãi Tứ), đưa đến tham quan HTX Đan lục bình Ngãi Tứ, nằm hoành tráng dưới chân cầu Ngãi Tứ, trên con đường 909. Chị Hai Diệp thay mặt Ban chủ nhiệm HTX Đan lục bình Ngãi Tứ tiếp chúng tôi. Chị cho biết, Ngãi Tứ có 9 ấp thì có 5 HTX đan thảm lục bình, nghĩa là hầu hết người dân nơi đây đều tham gia nghề đan lục bình. Bởi vì nghề này không đòi hỏi thời gian, khi việc đồng áng rảnh rỗi thì làm. Hoặc ban ngày lo làm ruộng, làm rẫy, đến đêm đem ra đan vài giờ rồi đi ngủ. Làm chơi mà ăn thiệt, thu nhập mỗi người làm kiểu tài tử từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên; còn làm chuyên nghiệp thì vô chừng, từ 5-6 triệu đồng/tháng. 

Ngoài cổng HTX, một xe tải biển số TPHCM từ từ chạy vào. Chị Diệp cho biết, đó là xe của các công ty xuất nhập khẩu xuống đây “ăn hàng”. Chị phấn khởi giới thiệu các mặt hàng đan lục bình giao đợt này gồm có thảm, bình, hộp, lon… “HTX chúng tôi luôn sáng tạo những mẫu mã mới, đẹp mắt, đa dạng, được khách hàng yêu thích. Đây cũng là điều sống còn để phát triển HTX”. Có một điều mà chúng tôi tâm đắc, đó là cách tổ chức trong sản xuất kinh doanh của HTX khá bài bản. Xã viên không còn đến trực tiếp HTX giao thành phẩm, nhận nguyên liệu và tiền gia công. HTX chia thành tổ, tổ trưởng quản lý các thành viên tại nhà. HTX nhận thành phẩm từ tổ trưởng, rất tiện lợi. 
Trao đổi với chúng tôi, dường như chị Diệp cứ ngập ngừng, băn khoăn, khó nói, lát sau chị bày tỏ: “Có điều thiệt thòi cho bà con xã viên chúng tôi là làm hàng xuất khẩu, nhưng chúng tôi không được trực tiếp xuất khẩu mà phải qua trung gian. Tôi mong mỏi chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chúng tôi có được pháp nhân, trực tiếp xuất khẩu. Nguyện vọng của HTX như vậy là chính đáng, mong rằng lãnh đạo địa phương quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ”.

Trên đường về, chúng tôi thấy một ngôi nhà nhỏ ẩn mình dưới bóng cây xoài xum xuê trái, trước thềm hàng ba mát rượi có hai mẹ con đang chăm chỉ ngồi đan lục bình. Chúng tôi dừng xe bước vào, chủ nhà ngỡ ngàng dừng tay, ngại ngùng hỏi: “Các chú tìm ai?”. “Tôi chỉ tham quan cảnh cô đan lục bình thôi”, nghe tôi trả lời nhẹ nhàng, cô gái đổi mặt làm vui, vội đứng dậy định đi rót nước mời khách. Qua những bước chân xiêu vẹo, tôi chợt nhận ra cô gái bị khuyết tật chân. Vừa đi, cô vừa nói: “Cháu sống bằng nghề đan lục bình này hơn 20 năm rồi. Nếu không có làng nghề đan lục bình, người khuyết tật như cháu không biết làm gì để sống. Bởi vậy, đối với người khỏe mạnh lành lặn làm một, cháu phải làm gấp 3-4 lần. Sản phẩm lúc nào cũng phải đạt chất lượng, tạo niềm tin cho HTX”. 

Thấy chúng tôi trầm trồ khen ngợi những sản phẩm của cô đã làm xong phơi ngoài nắng, cô gái tỏ vẻ hài lòng: “Ngoài thời gian đan lục bình để có sản phẩm tính tiền lo cho cuộc sống, cháu thường để dành chút thì giờ tìm tòi mẫu mã mới. Vì trong nghề đan lục bình, không mày mò sáng tạo sẽ nhanh chóng lạc hậu với thị trường. Nếu vậy, HTX sẽ không phát triển, các xã viên thất nghiệp”. Tôi hỏi: “HTX có yêu cầu cháu sáng tác mẫu mã mới không?”. Cô gái lắc đầu cười: “Dạ không, đó là do cháu yêu nghề nên tự nguyện làm việc như vậy”. 

Ngoài kia cơn nắng chiều dìu dịu, gió mơn mang thổi lao xao bờ tre. Tôi thấy lòng mình ấm cúng đến lạ lùng. Thật đáng trân trọng, một tấm lòng trong sáng đôn hậu. Lo cho mọi người, lo cho sự phát triển của làng nghề cũng là lo cho chính mình.

Tin cùng chuyên mục