Thời tiết lạnh là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn và virus có trong không khí tồn tại lâu dài, nguy cơ làm gia tăng các bệnh ở trẻ, nhất là các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng kém như trẻ biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng, trẻ có bệnh lý bẩm sinh hoặc trẻ sinh non.
Mùa lạnh trẻ thường mắc các bệnh về hô hấp
Cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm V.A, viêm amidan, viêm phế quản phổi, hen phế quản... là bệnh rất hay gặp ở trẻ trong mùa lạnh.
Những dấu hiệu ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, sợ lạnh, toàn thân khó chịu... hay gặp khi trẻ bị cảm lạnh hoặc viêm mũi họng, bệnh kéo dài vài ngày đến một tuần thì khỏi nếu được chăm sóc, điều trị tốt.
Trường hợp viêm V.A thường trẻ bị sốt 38-39°C, hoặc cao hơn, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy, mủ, ngạt mũi, ho, trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở hôi... Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị hợp lý.
Trẻ bị viêm amidan cấp sẽ sốt cao từ 39-40°C, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi... Bệnh rất dễ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.
Viêm phế quản có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết, hoặc bị viêm họng, viêm mũi không được điều trị đầy đủ... Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ dẫn đến biến chứng bội nhiễm gây viêm phế quản phổi rất nguy hiểm.
Hen phế quản thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như có bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa... thời tiết lạnh là yếu tố dễ khởi phát cơn hen với biểu hiện khó thở khi thở ra, phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè, môi tím, vẻ mặt sợ hãi, trẻ cần được xử trí kịp thời nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Giúp trẻ phòng bệnh hô hấp trong mùa lạnh
Các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ cẩn thận tránh nhiễm khuẩn hô hấp trong mùa lạnh:
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp cơ thể trẻ ngăn chặn vi khuẩn, virus xâm nhập. Cần cho trẻ ăn uống đủ lượng và chất. Không để trẻ còi xương, suy dinh dưỡng. Không để trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.
- Chú ý giữ ấm trẻ, tránh nhiễm lạnh, nơi ở cần thoáng mát, đủ ánh sáng, tránh gió lùa.
- Vệ sinh ăn uống và răng miệng cho trẻ thường xuyên.
- Phát hiện sớm trẻ bị viêm đường hô hấp trên như ho, sốt, sổ mũi, khò khè... và đưa đến cơ sở y tế nơi gần nhất hoặc bác sĩ nhi khoa để được khám và điều trị. Không tự ý mua thuốc để điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Theo dõi và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh để những biến chứng không đáng có xảy ra.
- Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ.
Dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh đường hô hấp
Những bệnh này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, trẻ thường biếng ăn do mệt mỏi, do ho, sốt, nôn ói... dễ dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng, đặc biệt cho hệ miễn dịch, nếu dinh dưỡng không tốt bệnh có nguy cơ nặng thêm, kéo dài lâu khỏi. Chính vì vậy ngoài việc điều trị thuốc men, vấn dề dinh dưỡng cho trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng, cần có cách chăm sóc đặc biệt để giúp trẻ hồi phục nhanh chóng.
- Trong lúc bệnh, nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, nhiều nước, dễ tiêu nhưng vẫn đầy đủ dưỡng chất như súp, cháo, sữa giàu năng lượng... đảm bảo đủ 4 nhóm bột đường, đạm, béo, rau và trái cây, chế biến hợp khẩu vị hàng ngày của trẻ. Tăng cường những thực phẩm giàu sinh tố A, C, giàu chất kẽm và chất sắt như thịt bò, gà, trứng, sữa, yaourt, nước ép trái cây, trái cây tươi, rau có màu xanh đậm, rau trái có màu cam, đỏ... giúp tăng cường sức đề kháng. Hạn chế những món ăn chiên xào quá nhiều dầu mỡ.
- Trẻ bệnh không muốn ăn do đó nên chia nhỏ bữa ăn, cho ăn nhiều lần trong ngày, có thể 8-10 lần/ngày, mỗi lần ăn một ít, có thể cách khoảng 2 giờ cho trẻ ăn 1 lần. Nên khuyến khích trẻ ăn, có thể cho ăn tất cả những gì trẻ thích.
- Sau khi khỏi bệnh cần tăng cường mỗi ngày một bữa ăn trong 1-2 tuần giúp trẻ hồi phục dinh dưỡng nhanh chóng.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
PCT HĐQT Công ty NutiFood