Những câu chuyện không phải trong mơ

Tối 23-8, tại Nhà văn hóa Thanh niên, gần 500 thanh niên, sinh viên trên địa bàn TPHCM giao lưu cùng 5 gương thanh niên, người khuyết tật có những thành tích cao trong học tập, lao động sản xuất tại chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” do Trung ương Đoàn phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Tối 23-8, tại Nhà văn hóa Thanh niên, gần 500 thanh niên, sinh viên trên địa bàn TPHCM giao lưu cùng 5 gương thanh niên, người khuyết tật có những thành tích cao trong học tập, lao động sản xuất tại chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” do Trung ương Đoàn phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Với ý chí kiên trì, bền bỉ nhiều thanh niên khuyết tật đã vượt lên chính mình, đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, đồng thời thắp lên ngọn lửa niềm tin, khát vọng, ý chí thực hiện ước mơ đẹp đẽ trong các tầng lớp thanh niên cả nước.

  • Vượt lên chính mình

Bị bệnh sởi cướp đi ánh sáng khi mới lên 3, hơn 30 năm qua, Nguyễn Văn Long, giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu luôn khao khát vươn lên, nỗ lực cống hiến. Những năm tháng miệt mài học tập, anh chỉ ấp ủ duy nhất một ước mơ: sẽ có một ngày được làm thầy giáo, được đứng trên bục giảng dạy các em nhỏ có chung hoàn cảnh như mình.

Nhưng học hết THCS, vấn đề khó khăn của cả thầy và trò Trường Nguyễn Đình Chiểu khi đó là chưa có trường phổ thông hòa nhập, học sinh của trường nếu muốn học cấp 3 thì phải học bổ túc. Thương cậu học trò hiếu học, các thầy cô ở trường phải chạy vạy, năn nỉ để anh tiếp tục được đến trường. Ý chí, quyết tâm và nghị lực đã giúp cậu học trò Nguyễn Văn Long luôn vươn lên trong học tập, học lực 3 năm học và tốt nghiệp phổ thông của anh đều xếp loại giỏi.

Đến năm 2009 anh hoàn tất bằng thạc sĩ văn hóa học với thành tích đáng nể: 9,75 điểm cho khóa luận tốt nghiệp “Quá trình hòa nhập cộng đồng của người khiếm thị” - điểm số cao nhất của khoa Văn hóa học từ trước tới nay.

Nhìn ngôi nhà tràn ngập giấy khen về các thành tích bơi lội của cô gái “vàng” Nguyễn Thị Sari ai cũng khâm phục. Không những vậy, cô gái bé nhỏ với nụ cười lạc quan này còn là sinh viên có nhiều thành tích tiêu biểu trong học tập cũng như đóng góp cho hoạt động Đoàn - hội tại Trường Đại học Hùng Vương TPHCM.

Với nỗ lực không ngừng, cô đã đoạt 2 huy chương bạc bơi lội tại Para Games 2008; 3 huy chương vàng và cúp vận động viên xuất sắc nhất tại Para Games 2009 vì phá kỷ lục châu Á cự ly 50m ếch; huy chương đồng tại Đại hội thể thao người khuyết tật khu vực châu Á diễn ra ở Trung Quốc. Năm 2010 nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước tặng.

Đôi tay không lành lặn nhưng anh Nguyễn Văn Tài (quản lý sản xuất Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật - Tập đoàn Thanh Niên - TPHCM) không mặc cảm mà ngược lại còn khiến cho nhiều người khâm phục ở sự miệt mài sáng tạo kỹ thuật. Say mê, có trách nhiệm với công việc được giao nên anh Tài được tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý sản xuất của trung tâm.

Tại đây, anh đã cùng nhiều anh em khác nghiên cứu thành công và chế tạo nhiều sản phẩm tiết kiệm điện năng với giá thành thấp nhưng có ứng dụng cao cho xã hội như đèn quang cảm ứng, các IC kích điện, IC tiết kiệm xăng… Điều đó góp phần tạo sự uy tín và thương hiệu các sản phẩm do thanh niên khuyết tật nghiên cứu và sản xuất.

  • Cùng thắp sáng ước mơ

Nguyễn Thế Vinh là cái tên không xa lạ trong các hoạt động văn nghệ ở TPHCM, thế nhưng ở trường Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (Bình Dương) người dân vẫn gọi anh bằng cái tên trìu mến “thầy giáo Vinh”. Anh chính là người đã sáng lập ra Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương, nơi nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật học chữ và học nghề.

Tại ngôi nhà ấm áp của 42 trái tim bé nhỏ có những mất mát trong cuộc sống nhưng giàu nghị lực vươn lên. Năm nay, niềm vui của người thầy này càng nhân lên khi hay tin 16 em do mình chuyên tâm nuôi dạy tại trung tâm có 14 em thi đậu đại học. Anh không chỉ lo ổn định chỗ ở cho các em tại TPHCM mà còn chủ động tìm cách liên hệ với các trung tâm hỗ trợ người khuyết tật tạo việc làm giúp các em có kinh phí trang trải cuộc sống.

Hay tấm gương của anh Đậu Thanh Lâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ người khuyết tật Hy Vọng – Đắc Lắc, là một điển hình trong hoạt động của người khuyết tật. Không chỉ thành công với mô hình chăn nuôi hươu hiệu quả, anh còn là người mang lại nhiều niềm vui, giúp những thanh niên khuyết tật như mình vươn lên trong cuộc sống. Câu lạc bộ người khuyết tật Hy Vọng và nhóm nhạc Nhịp Sống nơi anh tham gia điều hành là địa chỉ quen thuộc của nhiều thanh niên khuyết tật hiện nay tại Đắc Lắc.

Vượt qua những mặc cảm, dám ước mơ, đi đến tận cùng của ước mơ và giúp đỡ cho nhiều bạn trẻ có cùng hoàn cảnh như mình, những tấm gương tiêu biểu thanh niên khuyết tật đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, khát vọng, ý chí thực hiện ước mơ đẹp đẽ trong các tầng lớp thanh niên cả nước.

Dịp này, ban tổ chức đã trao 30 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho các thanh niên khuyết tật đang học tập tại các trường ĐH, CĐ, trường nghề tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. 

THANH AN

Tin cùng chuyên mục