Từ cội nguồn lịch sử, Thủ đô Hà Nội, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh mối quan hệ ruột thịt, anh em, gắn bó “là cây một gốc là con một nhà”, được xây dựng và phát triển cùng với quá trình phát triển đi lên của dân tộc và đất nước.
Tình cảm sâu nặng, thiết tha của những người con đất Việt phương Nam, thành đồng Tổ quốc luôn mang nặng tình yêu và nỗi nhớ Thăng Long - Hà Nội. Ai đi về Bắc cho theo với/Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Và tấm lòng của đồng chí, đồng bào Thủ đô, của nhân dân miền Bắc, luôn thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Mở rộng xa lộ Hà Nội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Cùng với tình cảm gắn bó từ chiều sâu lịch sử, Thăng Long - Hà Nội và Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh với tình cảm và trách nhiệm của hai thành phố lớn, luôn quan tâm trao đổi, học tập kinh nghiệm, bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển, nhất là những khi phải giải quyết các vấn đề mới, khó, phức tạp. Một thành phố là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và một của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bởi vậy, mọi hoạt động cũng như thành tựu của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chẳng những có tác động, ảnh hưởng qua lại với nhau, mà cũng là thành tựu, niềm vui, niềm tự hào của hai thành phố và nhân dân cả nước. Theo dòng chảy của thời gian, mối quan hệ gắn bó đó càng trở nên mật thiết trong thử thách của chiến tranh cũng như trong hòa bình, cùng xây dựng đất nước Việt Nam ngày thêm giàu đẹp.
***
Với ý chí quyết tâm chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc, nhân dân Hà Nội - Sài Gòn cùng với nhân dân cả nước luôn kề vai sát cánh bên nhau quyết chiến đấu và chiến thắng hai kẻ thù lớn mạnh, hung hãn nhất của loài người trong thế kỷ XX, góp phần tô đẹp thêm truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu chống thực dân Pháp tái xâm lược (1945), Hà Nội đã tiên phong trong phong trào Nam tiến. Trở thành Thủ đô, đồng thời là trung tâm của hậu phương lớn (1954), nhân dân Hà Nội cùng nhân dân các tỉnh miền Bắc ra sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Hà Nội đã tổ chức nhiều phong trào, nhiều hoạt động chia sẻ tình cảm, trách nhiệm với đồng bào miền Nam ruột thịt. Hàng ngàn cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai, các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh thống nhất Tổ quốc”; “2 mũi tiến công thắng Mỹ”... đã góp phần cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Sài Gòn, miền Nam; hiệu triệu, thôi thúc, động viên lớp lớp cán bộ, thanh niên Thủ đô, thanh niên miền Bắc thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Đó là lớp thanh niên, sinh viên Thủ đô, tiêu biểu như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cùng những ước mơ, hạnh phúc cá nhân để phụng sự cho ước mơ và tình yêu lớn của non sông đất nước; sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Chỉ tính từ năm 1965 đến năm 1975, với 29 đợt động viên tuyển quân, Hà Nội và tỉnh Hà Tây đã bổ sung cho các chiến trường hơn 262.000 bộ đội. Hàng ngàn gia đình có từ 2 đến 6 - 7 con đi bộ đội; hàng trăm gia đình có một con trai độc nhất tình nguyện nhập ngũ; hàng chục ngàn người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm lại ở các chiến trường; hàng ngàn gia đình có từ 2 đến 5 con liệt sĩ. Về vật chất, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua Ban Thống nhất, miền Bắc đã chi viện miền Nam hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, quân trang quân dụng, xăng dầu, thuốc men và nhiều vật dụng khác. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc còn dành tất cả tình cảm, trách nhiệm của mình làm tốt nhiệm vụ đào tạo, nuôi dưỡng, ươm trồng những hạt giống đỏ là con em của miền Nam học tập trên đất Bắc. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; trở về Nam chiến đấu trong những năm tháng diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoặc là những cán bộ cốt cán của các tỉnh, thành miền Nam sau ngày giải phóng.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, là địa bàn trọng điểm đánh phá rất ác liệt của địch, nêu cao tinh thần “Lửa miền Bắc giục lửa miền Nam, lửa Hà Nội giục lửa Sài Gòn”, “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời; miền Bắc gọi, miền Nam xốc tới”,... Thủ đô Hà Nội không chỉ luôn xứng đáng là thành trì vững chắc của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mà còn tiêu biểu cho khí phách anh hùng, bất khuất trong những trận đánh đương đầu với kẻ thù xâm lược, là lương tri và phẩm giá của con người. Hà Nội luôn đảm bảo giao thông thông suốt, là tổng trạm luân chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam, kiên cường chiến đấu và chiến thắng mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù định, lập nên chiến công lừng lẫy “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo bước ngoặt dẫn đến đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
***
“Miền Nam đi trước về sau”. Tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn. Quân và dân thành phố Sài Gòn cùng với quân dân các địa phương đã anh dũng đứng lên trong âm hưởng hào hùng đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến, cùng xông ra nơi trận tiền. Trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, Sài Gòn luôn là trung tâm của phong trào đấu tranh đô thị, địa bàn trọng điểm, quyết chiến chiến lược của chiến trường miền Nam. Giữa sào huyệt của kẻ thù, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Sài Gòn kiên gan, bất khuất, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi cam go, thử thách, làm rạng danh “Thành đồng Tổ quốc”.
Chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, từ chống “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”,... và trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, những người con miền Bắc đã sát cánh cùng Sài Gòn, cùng miền Nam lập nên nhiều chiến công hiển hách. Những bà má, chị Hai, anh Ba đã đùm bọc những người con, người em Hà Nội xa nhà vào Nam chiến đấu, coi họ như con em ruột thịt của mình. Cứ địa lòng dân vững chắc là biểu tượng cao đẹp của tình cảm Bắc - Nam nói chung, tình cảm Hà Nội - Sài Gòn nói riêng.
Hòa nhịp với “Ba sẵn sàng” của thanh niên Hà Nội và miền Bắc, phong trào “Năm xung phong” của thanh niên Sài Gòn và miền Nam đã động viên hàng triệu thanh niên bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc với quyết tâm thống nhất đất nước. Giữa sào huyệt của kẻ thù, hàng ngày, hàng giờ đối mặt với một chế độ bạo tàn, chịu đựng nhiều hy sinh mất mát, người Sài Gòn vẫn luôn hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Bác Hồ với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của toàn dân tộc. Máu chảy, ruột mềm, Sài Gòn và miền Nam chăm chú dõi theo và sẻ chia với những đau thương, mất mát do cuộc ném bom tàn bạo 12 ngày đêm tháng 12-1972 của đế quốc Mỹ xuống Thủ đô Hà Nội. Biến đau thương thành hành động, đẩy mạnh đấu tranh, phối hợp cùng Hà Nội, cùng miền Bắc “đánh giỏi, thắng lớn”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đó là những trận tập kích Kho xăng Nhà Bè, Sân bay Tân Sơn Nhất, khách sạn Caravelle, tòa Đại sứ Mỹ, Tổng nha cảnh sát... Những ngày tháng Sài Gòn sục sôi, trí thức, công nhân, tiểu thương, sinh viên đình công, bãi khóa, bãi thị, xuống đường biểu tình phản đối đế quốc Mỹ và tay sai... Những địa danh lịch sử như Củ Chi đất thép, Phú Thọ Hòa gan góc, Hóc Môn 18 thôn vườn trầu, rồi chiến khu Rừng Sác- Cần Giờ, Vườn Thơm - Bình Chánh... mãi mãi ngân vang trong trái tim người dân Việt Nam. Sài Gòn, miền Nam ruột thịt xứng đáng là “Thành đồng Tổ quốc”. Với sứ mệnh lịch sử vẻ vang, lập nên những chiến công hiển hách, Hà Nội, Sài Gòn có chung niềm tự hào vì đã có những đóng góp hết sức to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
***
Đất nước thống nhất, Sài Gòn được vinh dự mang tên Bác - thành phố Hồ Chí Minh. Bước vào thời kỳ mới, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Những ngày đầu sau giải phóng, Hà Nội và miền Bắc đã chuyển giao nhiều vật tư, thiết bị, phương tiện giao thông; điều động hàng vạn lượt cán bộ kỹ thuật, quản lý các ngành, nghề, giảng viên các trường đại học, giúp thành phố Sài Gòn, các tỉnh miền Nam khẩn trương ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội; cùng cả nước nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, vượt qua mọi khó khăn của thời kỳ đầu giải phóng, quyết tâm tìm tòi, đi đầu trong việc thực hiện công cuộc đổi mới.
Những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh phía Nam được đẩy mạnh trên tinh thần phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Các hoạt động song phương, đa phương giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình với đất nước, Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh đã luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt vai trò trung tâm, hạt nhân quan trọng của hai vùng động lực phát triển của cả nước, tích cực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, để Việt Nam vững tin, chủ động tham gia hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa.
Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hai thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đều có những bước phát triển vượt bậc, khẳng định rõ vị thế đầu tàu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu như trong giai đoạn 5 năm đầu đổi mới (1986 - 1990), tốc độ tăng GDP của Hà Nội mới chỉ ở mức 4,48%, của thành phố Hồ Chí Minh là 5,3%; thì đến giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng GDP của Hà Nội là 9,65%, cao gấp 1,6 lần mức bình quân cả nước; của thành phố Hồ Chí Minh là 10,1%, cao gấp 1,7 lần mức bình quân cả nước.
Mấy năm qua, mặc dù phải khắc phục nhiều khó khăn, thách thức, hai thành phố vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện. Năm 2013, Thủ đô Hà Nội với dân số chiếm 7,9%, diện tích chiếm 1% cả nước, đã đóng góp hơn 163.000 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng thu ngân sách cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh với dân số chiếm 8,9%, diện tích chiếm 0,6% cả nước, đã đóng góp gần 230.000 tỷ đồng, chiếm 29% tổng thu ngân sách cả nước. Những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đã đóng góp tích cực làm thay đổi nhanh chóng diện mạo và đời sống của nhân dân từ khu vực đô thị đến nông thôn, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của không chỉ hai của thành phố, mà của cả nước.
***
Nhìn lại chặng đường bốn mươi năm qua, chiến tranh đã lùi xa, một trong những bài học kinh nghiệm vô cùng quí báu mà hai thành phố rút ra, đó là bài học đoàn kết, gắn bó, vì cả nước, với cả nước. Hai thành phố luôn kề vai sát cánh bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng làm nên chiến thắng. Đó cũng là những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc Việt Nam, con Lạc cháu Hồng, góp phần tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc, tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên hai đảng bộ và nhân dân hai thành phố Hà Nội - Hồ Chí Minh vững bước trên con đường đổi mới, phát triển và hội nhập thành công.
PHẠM QUANG NGHỊ (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội)