Những chủ nhân thật sự của thế giới?

Trang nhất tuần san Le Nouvel Observateur (Pháp) vừa đăng tải một bài viết hết sức đáng chú ý. Dòng tít lớn có nội dung “Những chủ nhân thật sự của thế giới?”, theo đó cho rằng thống trị toàn cầu hiện không phải là các nhà chính trị mà là những đại tập đoàn xuyên quốc gia.
Những chủ nhân thật sự của thế giới?

Trang nhất tuần san Le Nouvel Observateur (Pháp) vừa đăng tải một bài viết hết sức đáng chú ý. Dòng tít lớn có nội dung “Những chủ nhân thật sự của thế giới?”, theo đó cho rằng thống trị toàn cầu hiện không phải là các nhà chính trị mà là những đại tập đoàn xuyên quốc gia.

  • GDP cao hơn một quốc gia

Còn nhớ, năm 2005, một số tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ vô tình bị lọt ra ngoài cho thấy Tổng thống Mỹ thời điểm đó, ông George W.Bush, đã không ký vào bản nghị định thư Kyoto về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do chịu quá nhiều sức ép từ phía tập đoàn dầu lửa Mỹ ExxonMobil cùng ông lớn của nhiều ngành công nghiệp khác. Theo tài liệu trên, từ năm 2001 đến 2004, các quan chức cấp cao của ExxonMobil đóng vai trò tích cực trong việc đưa ra những kiến nghị và quyết định về chính sách biến đổi khí hậu cho Chính phủ Mỹ.

Những thông tin mà tổ chức Hòa bình xanh sau đó thu thập được cũng chứng minh rằng ExxonMobil nhúng tay vào mọi chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường. Mới nhất, người ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của các tập đoàn, tổ chức đến các chính sách, đời sống xã hội của Mỹ qua tranh cãi về quyền sử dụng súng tại cường quốc số 1 thế giới. Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama nỗ lực tìm kiếm các biện pháp kiểm soát súng, Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) - tổ chức vận động hành lang về quyền sử dụng súng lớn nhất của Mỹ, đã ra sức ngăn cản, khiến Chính phủ Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Bên trong Nhà máy sản xuất xe buýt của Marcopolo.

Bên trong Nhà máy sản xuất xe buýt của Marcopolo.

Những tập đoàn lớn trên thế giới, không chỉ ở Mỹ, giờ đây đã trở thành những thế lực thực sự. Theo các chuyên gia, có nhiều đại tập đoàn xuyên quốc gia còn mạnh hơn một số nước, tức là có GDP cao hơn. Ví dụ, giá trị chứng khoán của tập đoàn ExxonMobil được xếp giữa GDP của Áo và Bỉ. Hồi năm 2000, 500 đại tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đã chiếm đến 70% ngành thương mại thế giới, sử dụng đến 90 triệu lao động và tạo ra đến 25% GDP toàn cầu. Năm 2012 kim ngạch của 2.000 đại tập đoàn hàng đầu thế giới đã đạt đến 36.000 tỷ USD.

Bên cạnh những tập đoàn tài chính còn có các đại tập đoàn trong nhiều lĩnh vực khác chi phối hầu hết đời sống thường nhật của con người như thức ăn hàng ngày và sức khỏe của mọi người, thậm chí là chi phối cả đời sống riêng tư của mọi người như các trang mạng xã hội chẳng hạn. Báo L’Express còn cảnh báo các đại tập đoàn xuyên quốc gia còn điều khiển cả đời sống chính trị, làm tê liệt mọi sự chỉ trích, gây ảnh hưởng đến các chuẩn mực và nguyên tắc.

  • Sức mạnh từ các nền kinh tế mới nổi

Cơ quan tư vấn Boston Consulting Group (BCG, Mỹ) công bố báo cáo cho hay 100 tập đoàn có tiềm năng phát triển cao nhất thế giới đều vươn lên từ các nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi.

Phần lớn trong số 100 tập đoàn đó còn là những cái tên xa lạ với công chúng. Ví dụ như mấy ai biết được Synutra từ đâu và hoạt động trong lĩnh vực nào, cho dù Synutra đã tham gia sàn chứng khoán Nasdaq của New York (Mỹ). Vào thời buổi khó khăn về kinh tế như lúc này mà tập đoàn chế biến lương thực thực phẩm Synutra của Trung Quốc đã tung 100 triệu EUR để mua lại một nhà máy sản xuất sữa của vùng Bretagne, miền Bắc nước Pháp. Tham vọng của ông khổng lồ châu Á này là sử dụng nhà máy vừa mua lại được của Pháp để hàng năm chế biến 280 triệu lít sữa thành sữa bột, chỉ để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc. Synutra cũng đang ấp ủ tham vọng trở thành ông vua thực phẩm, ngang hàng với những ông khổng lồ trong ngành như Nestle.

Năm 2011, thu nhập của 100 đại gia công nghiệp đến từ các nước thứ ba trong bảng xếp hạng của BCG lên tới 2.600 tỷ USD. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2011, cũng 100 công ty khổng lồ đó tạo công việc làm cho 1,4 triệu người. Chìa khóa thành công đến từ chỗ những tập đoàn trên phát triển nhờ sức tiêu thụ nội địa rất lớn và sức sáng tạo không mệt mỏi. Nhờ thu nhập của tầng lớp trung lưu tại Brazil, châu Á tăng nhanh, các ông vua trong ngành lương thực, thực phẩm đã nhanh chóng trở nên giàu có. Các hãng chế tạo xe hơi hay luyện kim của Ấn Độ, Chile bỗng chốc thấy doanh thu của mình được tính bằng bạc tỷ USD. Một số khác thì đã gây dựng sự nghiệp từ sự chuyển giao công nghệ. Từ năm 2007 đến 2011, ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển của một số tập đoàn đã được nhân lên gấp ba. Hai tập đoàn viễn thông của Trung Quốc là Huawei và ZTE cộng lại vào năm 2006 chiếm chưa đầy 1% thị phần quốc tế, nhưng chỉ đến mùa hè 2012, các ông trùm trong ngành như Nokia, Alcatel Ericsson đã bị hai đối thủ Trung Quốc giành mất thị trường.

Xe ô tô giá rẻ của Bajaj.

Xe ô tô giá rẻ của Bajaj.

Mục tiêu nhắm tới của các tập đoàn xuất thân từ nền kinh tế đang phát triển là thị trường châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Hãng xe giá rẻ Bajaj của Ấn Độ cũng đã kiếm bạc tỷ với một kiểu xe hơi đơn giản nhưng lại bền với cái giá chỉ bằng 1/5 hay 1/7 so với các kiểu xe Âu Mỹ. 40% lượng xe hơi được xuất khẩu sang châu Á, trong đó một nửa là để cung cấp cho khách hàng Đông Nam Á và nửa còn lại là để bán sang châu Phi. Một thành tựu đáng chú ý khác là trường hợp của hãng xe Brazil Marcopolo. Hiện tại, đây là tập đoàn công nghiệp lớn thứ 2 của Brazil và Marcopolo đứng hàng thứ 3 trong số các nhà cung cấp xe buýt của thế giới. Trên thị trường nội địa, cứ 2 chiếc đang hoạt động thì có 1 xe của Marcopolo và 40% doanh thu của đại tập đoàn này có được nhờ xuất khẩu. Marcopolo có tổng cộng 5 nhà máy sản xuất tại Brazil và đã mở chi nhánh ở Argentina, Colombia, Mexico. 

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục