Những chuyển biến tích cực

Nhiều bất ngờ
Những chuyển biến tích cực

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014

Kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, nhiều điểm sáng tích cực thể hiện nỗ lực đổi mới đã được dư luận đánh giá cao thông qua việc Bộ GD-ĐT đã mạnh dạn thay đổi cấu trúc đề các môn thi của khối A, A1. Cũng trên tinh thần ấy, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định trong đợt thi thứ 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 diễn ra ngày 9, 10-7, đề thi sẽ tiếp tục đổi mới, đồng thời các đáp án, công tác hướng dẫn chấm thi các môn cũng được đổi mới theo hướng đánh giá cao năng lực và tư duy sáng tạo của thí sinh ở những môn tự luận.

Thí sinh thi đợt 1 làm bài thi môn Toán tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM.

Thí sinh thi đợt 1 làm bài thi môn Toán tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM.

Nhiều bất ngờ

Kết thúc đợt thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 cả Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ quốc gia và dư luận đều có nhiều bất ngờ. Nếu như đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013, cả nước có đến 134 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó có 111 trường hợp bị đình chỉ thi và 1 trường hợp thi hộ thì kết thúc đợt thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 dù tỷ lệ thí sinh dự thi cao hơn nhưng cả nước chỉ có 73 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó đình chỉ thi: 48, có 8 trường hợp đến muộn không được dự thi và 2 cán bộ coi thi bị khiển trách.

Các cụm thi, từ chính quyền đến các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều nỗ lực tối đa đảm bảo cho thí sinh đến dự thi và tình trang kẹt xe, mất điện, cúp nước hoàn toàn được khắc phục. Công tác coi thi, kỷ luật phòng thi được đảm bảo, tập huấn kỹ và không còn hiện tượng thiếu đề, đề thi mờ, cán bộ giải thích đề thi, cán bộ hủy bài thi và bắt thí sinh làm bài lại mà không tính thêm giờ như những năm trước. Các trung tâm in sao đề thi trên cả nước đều được chuẩn bị tốt về mặt kỹ thuật.

Bất ngờ lớn nhất của kỳ thi năm nay là công tác ra đề thi. Đúng như Bộ GD-ĐT đã cam kết, đề thi sẽ đổi mới theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh chứ không đánh đố, kiểm tra kiến thức. Đánh giá về đề thi khối A và A1, Th.S Phạm Hồng Danh, Trưởng bộ môn Toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng: “Cấu trúc đề thi môn Toán thay đổi (bỏ phần tự chọn) và đi theo hướng từ dễ đến khó. Cách ra đề này hạn chế việc thí sinh phân vân chọn lựa và mất thời gian quá nhiều vào việc đọc đề. Ngoài ra, với cách ra đề này công tác chấm thi cũng dễ và thuận lợi hơn so với cách ra đề như mọi năm”.

Về đề thi môn Hóa học và Vật lý, Th.S Phạm Hồng Danh cho biết có nhiều câu rất khó, thậm chí có nhiều câu các giáo viên luyện thi phải mất 30 phút để giải và chứng minh tại sao chọn đáp án đó. Tuy nhiên, do đây là đề thi tuyển nên cách ra đề như thế hoàn toàn chấp nhận được. Dự đoán về việc đạt điểm tuyệt đối ở đề thi môn Hóa và Lý, Th.S Phạm Hồng Danh quả quyết “nếu thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối thì do may mắn là nhiều”.

Đợt 2 thi sẽ căng thẳng

Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ quốc gia năm 2014: “Đợt thi thứ 2 là đợt thi căng thẳng nhất vì bao gồm nhiều khối thi như B, C, D1. Trong đó, có nhiều môn thi tự luận như Toán, Văn, Lịch sử và Địa lý. Do đó, ngay khi kết thúc đợt thi đầu tiên, ban chỉ đạo đã nhắc nhở các cụm thi, các hội đồng thi tăng cường công tác đảm bảo cho kỳ thi.

Trong đó, công tác coi thi, phổ biến quy chế thi, giám thị, đặc biệt quan tâm đến kỷ luật phòng thi. Trong đó, đặc biệt lưu ý các hội đồng thi quan tâm đến các thiết bị công nghệ cao, phao thi, tài liệu quay cóp của thi sinh”. Do đó, thí sinh nên tập trung tinh thần để chuẩn bị làm bài thi cho tốt, không nên có suy nghĩ về gian lận. Mọi hình thức gian lận sẽ bị xử lý nghiêm và thí sinh sẽ bị hủy cả kỳ thi.

Về đề thi, GS-TSKH Bùi Văn Ga cho biết: “Đề thi trong đợt thi thứ 2 sẽ tiếp tục đổi mới. Các môn tự luận sẽ tập trung đánh giá năng lực, tư duy sáng tạo của thí sinh chứ không bắt thí sinh phải học thuộc lòng. Đây cũng là chủ trương đã được Bộ GD-ĐT quán triệt với ban ra đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014”. Về hướng dẫn công tác chấm thi, GS-TSKH Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Cùng với việc đổi mới đề thi, các đáp án, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn công tác chấm thi trên tinh thần “mở”. Những môn tự luận sẽ hướng dẫn chấm điểm mở nhằm phát huy và cho điểm những ý sáng tạo của thí sinh trong bài làm”.

Cũng theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, ghi nhận ý kiến từ các cơ quan truyền thông cũng như ý kiến của các cụm thi trên cả nước, ngay khi kết thúc đợt thi đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng soạn ngay công văn chỉ đạo và hướng dẫn để các trường chỉnh sửa về đối tượng và ưu tiên khu vực cho thí sinh. Công tác chỉnh sửa sẽ được thực hiện sau khi thi cho đến khi công bố điểm và nhập học cho thí sinh. Do đó, những thí sinh bị trường ghi sai đối tượng, sai khu vực ưu tiên có thể yên tâm thi và sau đó bổ sung các giấy tờ cho nhà trường để đảm bảo quyền lợi.

Thí sinh cần lưu ý

- Đợt thi thứ 2: Ngày 8-7, thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi, chỉnh sửa sai sót trên giấy báo dự thi, nghe phổ biến quy chế tuyển sinh. Ngày 9 và 10-7, thí sinh sẽ thi các khối B, C, D1 và các khối năng khiếu.

- Thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại di động, tài liệu vào phòng thi. Dù có sử dụng hay không sử dụng, khi bị phát hiện thí sinh sẽ bị đình chỉ thi.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục