Những chuyện tình xuyên biên giới

Trong quá trình qua lại làm ăn, thăm người thân; nhiều chàng trai, cô gái ở xã biên giới thuộc các huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai (tỉnh Gia Lai của Việt Nam) và Campuchia đã gặp và cảm mến, yêu nhau, rồi “bắt” nhau về làm vợ, làm chồng theo luật tục của người Jrai, viết nên những câu chuyện tình lãng mạng xuyên biên giới.
Những chuyện tình xuyên biên giới

Trong quá trình qua lại làm ăn, thăm người thân; nhiều chàng trai, cô gái ở xã biên giới thuộc các huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai (tỉnh Gia Lai của Việt Nam) và Campuchia đã gặp và cảm mến, yêu nhau, rồi “bắt” nhau về làm vợ, làm chồng theo luật tục của người Jrai, viết nên những câu chuyện tình lãng mạng xuyên biên giới.

Lấy chồng xa

Chị Rơ Mah H’Deh (27 tuổi, làng Nú, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) có chồng là anh Châu Sóc Khên (30 tuổi, quốc tịch Campuchia). Họ cưới nhau từ năm 2008, hiện có 2 người con chung và sống tại làng Nú. Chị H’Deh kể, việc 2 người nên duyên là do duyên số. Hồi đó, anh Khên từ Campuchia qua làng Nú làm thuê cho một xưởng gỗ. Một lần đi làm, Khên thấy H’Deh tay xách nách mang mớ rau rừng, gương mặt lấm lem mồ hôi nên chạy đến phụ giúp. H’Deh dù ngại ngùng nhưng cũng gật đầu đồng ý. Sau buổi gặp “định mệnh” đó, Khên thấy thích H’Deh nên hay qua nhà chuyện trò. “Mỗi lần đến anh ấy đều mang hoa, bánh trái và nước ngọt, có khi mang cả bia để giao lưu. Anh Khên nói chuyện có duyên và cuốn hút. Dần dần mình thích anh ấy, không gặp là nhớ. Một tháng sau, anh Khên ngỏ lời muốn lấy mình làm vợ và mình chấp nhận. Nhiều người cũng thắc mắc sao không ưng chồng trong làng mà ưng chồng bên nước bạn cho xa xôi, cách trở. Mình nghĩ duyên đến thì nhận, còn chuyện khác mình cũng không nghĩ đến”, chị H’Deh kể. Sau khi chốt ngày lành tháng tốt, gia đình của Khên bên Campuchia dắt nhau qua nhà H’Deh ở làng Nú mổ heo, uống rượu cùng ăn mừng. Cuộc sống của họ đầm ấm, hạnh phúc đến bây giờ.

Vợ chồng anh Kpuih Bỗ và chị Siu H’Găng hạnh phúc bên nhau

Câu chuyện tình của anh Kpuih Bỗ (27 tuổi, xã Pó Nhầy, huyện Ôza Đao, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) và chị Siu H’Găng (29 tuổi, làng Sơn, xã Ia Nan) được nhiều người ngưỡng mộ, xem đó là câu chuyện tình đẹp nhất vùng biên giới. Hồi còn ở xã Pó Nhầy, Kpuih Bỗ được buôn làng đánh giá là chàng trai khỏe như voi và chịu thương chịu khó. Cũng vì điều này mà anh được nhiều cô gái trẻ đẹp thầm thương trộm nhớ, muốn “bắt” làm chồng nhưng anh không ưng. Thế rồi vào năm 2007, Kpuih Bỗ qua xã Ia Nan chơi tết và tình cờ gặp chị Siu H’Găng. “Cô ấy nhìn xinh như thiên thần. Cứ ngắm nhìn mà tim mình đập loạn nhịp. Ngay lúc đó mình đã xác định cô ấy là một nửa của mình và tự dặn lòng phải “bắt”  làm vợ cho bằng được”, Kpuih Bỗ nói. Sau một năm kiên trì theo đuổi, Kpuih Bỗ mới tán “đổ” H’Găng.

Nhiều cặp chưa đăng ký kết hôn

Sau khi ưng nhau, nhiều cặp vợ chồng làm lễ cưới theo luật tục rồi dọn về ở với nhau. Đời sống tuy còn khó khăn nhưng sống hạnh phúc, đầm ấm. Tuy nhiên, nhiều cặp uyên ương không làm giấy đăng ký kết hôn, gây thiệt thòi quyền lợi cho bản thân và con cái. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, vào tháng 6-2016, hội phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tổ chức buổi truyền thông về hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại các xã biên giới ở các huyện Đức Cơ, Ia Grai... Có 57 cặp vợ chồng đến dự. Trong đó có một cặp vợ là người Campuchia, chồng Việt Nam; còn lại là những cặp chồng Campuchia, vợ Việt Nam.  Có 21/57 cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn, trong đó 15 cặp không làm được vì chồng quốc tịch Campuchia nhưng không có giấy tờ tùy thân. “Hội đề xuất Sở Tư pháp làm việc với ngành tư pháp huyện, xã xem xét những trường hợp nào làm được giấy kết hôn thì làm sớm cho họ. Chúng tôi cũng chỉ đạo hội phụ nữ các huyện biên giới, trong quá trình triển khai công tác cần có sự quan tâm và hỗ trợ các trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số kết hôn với người Campuchia; tập trung các nguồn lực nhằm giúp các hộ từng bước thoát nghèo như hỗ trợ vốn vay, triển khai các đề án, dự án, tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, về chăm sóc sức khỏe sinh sản”, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Trưởng ban Chính sách luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết.

Theo ông Dương Mah Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, việc các cặp vợ chồng đến với nhau mà không đăng ký kết hôn, một phần do nhận thức chưa đến nơi đến chốn. Họ yêu nhau thì làm con gà, chai rượu rồi dọn về ở với nhau. Con cái không có khai sinh nên đến khi đi học mới gặp trở ngại. “Huyện thường xuyên chỉ đạo ngành chức năng rà soát các hộ chưa đăng ký kết hôn để nhắc nhở bà con sớm bổ sung giấy tờ làm giấy đăng ký kết hôn để đảm bảo quyền lợi chính sách”, ông Tiệp nói.

Hữu Phúc

Tin cùng chuyên mục