Những con phố in dấu chân Người ở Boston

Những con phố in dấu chân Người ở Boston

Tháng 5 là giữa mùa xuân ở Boston, hàng cây đã thay áo mới với một màu xanh mơn mởn của những chiếc lá non đang rung rung trong gió. Bạn bè từ Việt Nam sang Mỹ, ai cũng muốn ngay hôm sau đến khách sạn Omni Parker House, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng sống và làm việc trong những năm đầu của thế kỷ 20. Và có lẽ, có khá nhiều khách từ Việt Nam đến địa danh này nên khi chúng tôi chỉ cần nói “Xin chào” là người quản lý khách sạn biết ngay chúng tôi muốn đến tham quan di tích Hồ Chí Minh. Bạn cũng không thể hình dung được, mà tôi cũng không thể diễn tả hết cái cảm giác lạ thường nếu bạn đứng trước khách sạn này vào tháng 5, tháng có ngày sinh nhật của Người.

Khách sạn Omni Parker House, nơi lưu dấu chân Người trong hành trình tìm đường cứu nước.

Khách sạn Omni Parker House, nơi lưu dấu chân Người trong hành trình tìm đường cứu nước.

Tác giả Mary Billingsley đã từng viết một bài về khách sạn Omni Parker House, trong đó có những chi tiết: “Trong suốt thời gian dài của những năm đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại tiệm bánh của khách sạn Omni Parker House. Cũng trong thời gian này, Người còn theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)”.

Trước khi lên đường đến Boston, tôi đã đọc được những dòng này và tự hào mình sẽ được đến nơi Bác Hồ kính yêu đã từng sinh sống và học tập. Nên khi đặt chân đến Boston, tôi đã dành chủ nhật đầu tiên thăm khách sạn cổ kính giờ trở thành địa chỉ thu hút khách du lịch: khách sạn Omni Parker House.

Từ MIT đến khách sạn, nếu lái xe chỉ mất 7 phút, còn đi bộ chắc khoảng 15 đến 20 phút. Tôi quyết định đi bộ. Vòng qua những con phố với 3 lần rẽ phải và một lần rẽ trái, bạn sẽ đến khách sạn Omni Parker House. Suy nghĩ miên man trên những con đường ồn ào của khu trung tâm thành phố, tôi tưởng tượng những bước chân của Người vào năm 1912-1913 khi đi qua những con phố này. Mùa này trời ấm áp, nhưng mùa đông ở Boston thì lạnh thấu xương. Người đã đi bộ dưới trời tuyết giá lạnh để đến trường và làm việc vất vả trong lò bánh lúc nào nhiệt độ cũng khoảng 35°C.

Trong đầu tôi lại hiển hiện đoạn cuối trong bài viết của Mary Billingsley: “Ngày ấy, người thợ bánh mang chí tiến thủ đạp tuyết giữa mùa đông giá lạnh ở Boston, ngày ngày đi bộ mấy dặm đường để đến MIT gần bờ sông Charler”.

Người thợ làm bánh Văn Ba (Ảnh tư liệu).

Người thợ làm bánh Văn Ba (Ảnh tư liệu).

Câu chuyện về người thanh niên Văn Ba (Nguyễn Tất Thành) từng làm việc tại khách sạn này trong hai năm 1912-1913 mới được nhiều người Việt Nam biết đến sau chuyến thăm Mỹ vào tháng 6-2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhưng trên cửa khách sạn, tấm biển ghi dòng chữ: “Tại khách sạn Omni Parker, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc như một người chạy bàn, Tổng thống J.F. Kennedy đã tuyên bố tranh cử tổng thống, nhà văn Charles Dickens đã viết những tác phẩm nổi tiếng …” đã được gắn lên từ lâu.

Vì nhiều lý do tế nhị trong quan hệ hai nước, câu chuyện này mới được biết đến khi quan hệ song phương đã có những bước chuyển biến tích cực. Trong những tờ rơi giới thiệu về khách sạn, người ta vẫn viết về chiếc bàn nơi Bác Hồ nhào bột và nặn bánh.

Lò bánh nằm ở hầm 3, nền lát gạch nâu đỏ. Các điều kiện làm việc như thông gió, ánh sáng rất hiện đại. Nhưng vào những năm đầu của thế kỷ 20, chắc nó không được như thế. Đứng rất lâu bên chiếc bàn Bác Hồ đã làm bánh, trước mắt tôi luôn hiển hiện hình ảnh người thanh niên nhỏ nhắn, dáng thư sinh đang vận hết sức mình để nhào bột. Đôi mắt Người nhìn chăm chăm vào mẻ bột nhưng suy nghĩ của Người không phải ở đó mà đang hướng về bên kia bờ Thái Bình Dương xa xăm. Tự nhiên trong lòng mình trào dâng một cảm xúc khó tả, nước mắt rưng rưng, thương Người một mình gian truân, bôn ba trên hành trình tìm đường cứu nước.

Trong cuốn lịch sử của Omni Parker House cũng ghi dấu ấn về một niềm vinh dự của khách sạn này, đó là quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống tại Boston, từng là một người đầu bếp chuyên làm bánh từ những năm tháng đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước.

Trong quyển sách nhỏ viết về khách sạn này xuất bản năm 2001, nhân kỷ niệm 150 năm của khách sạn, nữ nhà văn, nhà báo của tờ Boston Globe, bà Susan Wilson viết: “Thật thú vị để lưu ý rằng, một nhà cách mạng trứ danh là lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng làm việc như một người thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của Omni Parker House từ năm 1911 đến năm 1913. Vị đầu bếp đặc biệt ấy đã đem đến niềm vinh dự cho nơi này…”.

Khách sạn nằm ngay vị trí của con đường mòn nổi tiếng mang tên Tự Do trước đây, nay là phố School, chỉ cách 4 tòa nhà, là đến cảng Boston. Bác chọn dừng chân ở đây có lẽ vì nó nằm gần bến cảng, khi Người vừa rời tàu Đô đốc La Touche Tréville. Và cũng có lẽ thời gian làm việc trên con tàu này đã đủ để cho người học cách làm bánh của người phương Tây. 

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện một số nhà báo kể về người cựu binh Mỹ Kevin Bowen quyết tâm mang chiếc bàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng làm việc để tặng Việt Nam nhưng không thành. Khi biết được khách sạn Omni Parker có lưu giữ chiếc bàn ấy, Kevin đã đến khách sạn để nhìn tận mắt chiếc bàn. Và ngay lúc đó, ông nghĩ tới việc đưa chiếc bàn này về Việt Nam. Tôi nghe nói Kevin đã dẫn một đoàn đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc với khách sạn Omni Parker, đặt vấn đề xin được mang chiếc bàn đó về Việt Nam. Nhưng yêu cầu của họ đã bị Ban giám đốc khách sạn từ chối.

Kevin cũng không từ bỏ quyết tâm của mình. Sau đó, ông đã tự tìm đến những người quản lý khách sạn Omni Parker và đề nghị bán chiếc bàn đó cho ông. Sau đó, ông sẽ thuê người làm một chiếc bàn khác giống y chiếc bàn thật để thay thế. Ông hứa mọi việc sẽ được giữ bí mật. Nhưng một lần nữa, “ý tưởng bí mật” của ông lại bị từ chối. Những người quản lý khách sạn nói chiếc bàn đó là một trong những tài sản vô giá của họ.

Điều này cũng dễ hiểu. Bởi chiếc bàn đó là đồ dùng để làm việc của một vị lãnh đạo xuất chúng và là một nhà văn hóa lớn của thế giới: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã có một thời gian làm việc tại khách sạn của họ. Đó còn là nhân chứng vô giá của lịch sử. Cảm ơn tấm lòng của Kevin đối với Bác Hồ và với Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ, chiếc bàn nằm ở khách sạn Omni Parker House mới thật sự có giá trị.

Tiếc rằng những thông tin về thời gian Người học ở Viện Công nghệ Massachusetts không nhiều. Trường giờ đây cũng không còn nằm tại vị trí nơi Người đã theo học, mà được chuyển sang khu Cambridge từ năm 1916. Nhưng đứng trước đại vòm rộng lớn này, tôi cũng tưởng tượng nơi này Bác đã đi qua, nơi kia có lẽ Người đã ngồi đọc sách.

Nơi đây đã từng có 76 người đoạt giải Nobel và rất nhiều chính khách nổi tiếng. Khẩu hiệu của trường được viết bằng tiếng Latin: “Mens et Manus” có nghĩa là “Khối óc và đôi tay”. Chỉ như thế cũng nói lên tất cả những gì mà Massachusettes mang lại cho sinh viên của mình. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã mang theo bên mình câu khẩu hiệu này để mang lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Đặng Trần Trang Nhã
(Đại học Brandeis, TP Waltham)

Tin cùng chuyên mục