Người trẻ trong cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội
Nhìn vào danh sách tác giả đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014 thấy ngay một điều là giới trẻ “lấn lướt”. 12 trong hàng trăm tác giả dự thi được lựa chọn trao giải, ngoài tác giả Dương Đức Khánh (sinh năm 1960 và tác giả Doãn Dũng, sinh năm 1971) còn lại là một loạt những cái tên thuộc thế hệ 7X đang vào độ chín văn chương như Tống Ngọc Hân, Trương Anh Quốc, Hồ Kiên Giang… Thế nhưng, ở độ tuổi dưới bốn mươi cũng không được coi là trẻ nữa, thì vui thay, các gương mặt thuộc thế hệ 8X đã xuất hiện và đoạt những giải cao, thậm chí là cao nhất: Nguyễn Thị Kim Hòa (sinh năm 1984, giải nhất); Đinh Phương (sinh năm 1989, giải nhì); Trịnh Sơn (sinh năm 1982, giải ba); Hương Thị (sinh năm 1984, giải tư); Cao Nguyệt Nguyên (sinh năm 1990, giải tư).
Gây chú ý nhất trong dư luận và giới văn chương có lẽ là giải nhất Nguyễn Thị Kim Hòa. Gây chú ý bởi trước hết đây là một cái tên khá xa lạ với bạn đọc cả nước, dù chị đã ở tuổi ba mươi và in tới 4 tập truyện. Một điều gây chú ý nữa và cảm phục là khi Kim Hòa xuất hiện nhận giải, người ta mới có dịp biết đến những khó khăn về sức khỏe của cô gái đến từ vùng Phan Rang, Ninh Thuận. Có thể nói chùm 5 truyện ngắn dự thi của Kim Hòa lần này không chỉ thuyết phục được Ban Giám khảo gồm những nhà văn đậm chất nghề như Chu Lai, Bảo Ninh mà còn thuyết phục được bạn đọc. Dù Ban tổ chức cuộc thi chỉ lựa chọn 3 truyện Đỉnh khói, Thôi mùa cỏ cháy, Hương thôn dã của chị để trao giải nhưng nếu ai có trong tay cuốn “Truyện ngắn hay và đoạt giải Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tập hợp các truyện ngắn hay và đoạt giải của cuộc thi sẽ thấy 5 truyện của Nguyễn Thị Kim Hòa như 5 màu sắc khác nhau của bông hoa phù dung văn chương mới nở nơi đồng khô cỏ cháy. Kim Hòa đã thể hiện được sự tài hoa, trường sức, biên độ rộng cũng như sự biến hóa của ngòi bút với một tâm thế vững vàng, phông kiến thức sâu rộng. Các cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội vẫn được cho là “âm thịnh dương suy” khi ngôi vị cao nhất thường thuộc về phái nữ với những tinh tế uyển chuyển đậm nữ tính ở thể loại truyện ngắn nhưng đọc Nguyễn Thị Kim Hòa sẽ thấy không có nhiều “chất nữ” như các đàn chị từng giành vị trí quán quân trước đây, cho dù hầu hết các truyện của chị nhân vật chính hoặc nhân vật kể chuyện đều là nữ.
Nguyễn Thị Kim Hòa nhận Giải Nhất tại cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014, được tổng kết và trao giải đầu tháng 1-2015.
Đinh Phương - chàng trai sinh năm 1989 đến từ Quảng Ninh là người khá kiệm lời và rụt rè với một vẻ ngơ ngác trong giao tiếp, nhưng những truyện ngắn của anh lại mang một gương mặt khác. Với chùm 4 truyện đã in Lau lách chiều trắng xóa, Chiều ký ức phủ gai, Chuyến trở về của cỏ, Về phía cuối dòng, Đinh Phương đều nhất quán theo một hướng đi, miệt mài tự đào trong chữ nghĩa một “hố khảo cổ văn chương” của riêng mình vào lịch sử. Điều đáng mừng là cả hai tác giả đoạt giải nhất và giải nhì cùng một số tác giả trẻ khác đều lựa chọn viết về lịch sử, chỉ khác là ngoài lịch sử thì Kim Hòa còn viết những đề tài khác còn Đinh Phương thì chung thủy trước sau. Nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thường trực cuộc thi truyện ngắn 2013 - 2014 cho biết, cuộc thi đã xuất hiện những tác giả còn rất trẻ chủ tâm hướng tác phẩm tới “cái đinh” lịch sử để treo bức tranh ngôn từ của mình lên. Ông so sánh giữa Đinh Phương và Nguyễn Thị Kim Hòa: “Nếu Nguyễn Thị Kim Hòa chọn những tình huống mang tính bước ngoặt của các triều đại để đặc tả tâm lý các nhân vật lịch sử có thật, xoáy sâu vào tâm trạng ưu thời mẫn thế hay sa cơ lỡ bước của những ông hoàng, bà chúa, danh tướng, phi tần thì Đinh Phương lại chọn những cuộc khởi nghĩa nông dân hoặc những cuộc binh biến nhỏ lẻ, bất thành, từ đó tạo dựng những nhân vật lịch sử “thấp cổ bé họng”, đại diện cho các kiểu con dân bị các cơn sóng cuốn đi, theo đó là sự kiếm tìm, nổi trôi hoặc tan vỡ những khát vọng đời thường rất đỗi bình dị của mỗi phận người”.
Cuộc thi truyện ngắn lần này của Văn nghệ Quân đội ghi nhận một gương mặt văn xuôi mới từ Bà Rịa - Vũng Tàu, đó là Trịnh Sơn. Lần đầu tiên Trịnh Sơn thử sức với truyện ngắn và đã thành công ở một cuộc thi danh giá. Trước đó bạn bè trong văn giới thường biết đến anh qua những bài thơ và anh đã mang “chất thơ” vào mỗi trang văn của mình. Trịnh Sơn gây thiện cảm với bạn đọc bằng loạt truyện ngắn giàu chất thơ cũng như nhạc điệu. Anh cũng đặc biệt thành công khi viết về những thân phận trong thời tao loạn, nhiễu nhương, khi mà các khái niệm ta - địch, thắng - thua, tốt - xấu... là thứ đôi khi khó mà phân định, khi mà các giá trị như bị đảo lộn, nhấn chìm. Người đọc như bị kéo vào câu chuyện, như ngửi thấy “mùi” của một thời đã qua và chưa xa qua cách dựng truyện và tái hiện không khí lịch sử tài tình của Trịnh Sơn trong những truyện ngắn của anh.
Với tác giả Hương Thị, dù đã tham dự một số cuộc thi văn học và luôn có duyên với... giải tư, tuy nhiên, giải tư cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội lần này như một lời khẳng định chị đã và sẽ bước những bước đều và chắc trên con đường văn chương dài và xa. Hầu hết các tác giả lọt vào vòng chung khảo đều có số lượng truyện được in từ 3 đến 5 truyện và nữ tác giả đang làm việc tại Báo Tuổi trẻ Thủ đô có bút danh Hương Thị cũng là một trong số đó với các truyện ngắn Đò đêm, Nợ anh hùng, Chúa Sim. Với phụ nữ có gia đình, lại đang chăm con nhỏ thì những gì chị làm được tại cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014 là một cố gắng rất lớn.
Một tác giả trẻ khác, Cao Nguyệt Nguyên, cô gái sinh năm 1990 đến từ Quảng Ninh này cũng đã thể hiện sự nỗ lực trong các truyện ngắn dự thi Trăng màu hổ phách, Trên đỉnh Chumpua, Núi, mây và bồ câu xám. Tất nhiên, Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải cho cô không phải vì Cao Nguyệt Nguyên trẻ nhất mà vì chính tài năng văn chương của cô. Cao Nguyệt Nguyên còn trẻ, và cô cũng không ngại tìm tòi, không ngại thử nghiệm, cho dù những thử nghiệm có thể thành công hay chưa nhưng đó là sự dấn thân cần thiết ở những người trẻ.
Với hàng ngàn truyện ngắn dự thi, với hàng trăm truyện ngắn được lựa chọn giới thiệu đến bạn đọc thì con số 12 tác giả đoạt giải là hơi ít. Điều đó cho thấy ban tổ chức cũng rất khắt khe trong việc lựa chọn khi chỉ đóng khung những tôn vinh trong một giới hạn “thòm thèm”. Cũng như có thể khẳng định, mỗi giải thưởng được trao là một dấu ấn cho mỗi văn tài. Và những tác giả trẻ vừa nêu hoàn toàn xứng đáng với những dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của mình.
THIỆN NGUYỄN