Những cung đường trên đất “Chín Rồng”

40 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hệ thống hạ tầng giao thông ở ĐBSCL đã được chú trọng đầu tư mạnh mẽ, hoàn chỉnh cả về đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không. Đây là bàn đạp vững chắc, nhằm tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường cho vùng đất “Chín Rồng” vốn nhiều tiềm năng, thế mạnh.
Những cung đường trên đất “Chín Rồng”

40 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hệ thống hạ tầng giao thông ở ĐBSCL đã được chú trọng đầu tư mạnh mẽ, hoàn chỉnh cả về đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không. Đây là bàn đạp vững chắc, nhằm tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường cho vùng đất “Chín Rồng” vốn nhiều tiềm năng, thế mạnh.

Vùng trũng khởi sắc

Đi trên tuyến đường Nam Sông Hậu dài 147km, nối liền TP Cần Thơ với các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, nhiều người ấn tượng trước sự “thay da đổi thịt” mạnh mẽ của những vùng đất khuất nẻo trước đây. Đó là Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, quy mô gần 2.000ha ngày càng sung túc; các khu công nghiệp mọc lên thu hút nhiều dự án đầu tư; trung tâm điện lực Sông Hậu, Long Phú đang hình thành; hàng hóa nông thủy sản của người dân làm ra được lưu thông thuận tiện...

Cầu Cổ Chiên vừa hợp long, chuẩn bị thông xe kỹ thuật vào tháng 5 tới.

Nông dân Nguyễn Văn Phát, 60 tuổi, ở xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng phấn khởi nói: “Mấy năm qua, nông dân chúng tôi bán chôm chôm, vú sữa, măng cụt, bưởi năm roi rất thuận tiện, không còn bị thiệt vài trăm đồng, thậm chí vài ngàn đồng/kg sản phẩm như trước đây vì giao thông đã thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều. Trước đây, thương lái phải đưa xe tải nhỏ men theo đường nông thôn, từ TP Cần Thơ về tới đây hơn 80km, mất 5 - 6 giờ mới xong 1 chuyến và cũng chỉ chở được 1,5 - 2 tấn là cùng”. Khu công nghiệp sông Hậu có vị trí đặc biệt thuận lợi khi một mặt giáp đường Nam sông Hậu, mặt còn lại tiếp giáp sông Hậu, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nói: “Nếu không có đường Nam sông Hậu thì chúng tôi không thể nào mở nhà máy, tạo việc làm cho 2.000 công nhân ở đây được”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón, cầu Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là thu hút đầu tư. Hiện Khu công nghiệp Hòa Phú (giai đoạn 1 đã lấp đầy) và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long  vừa làm việc với 2 đoàn nhà đầu tư lớn đến từ Hà Lan và Hoa Kỳ xúc tiến xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi nông thủy sản; trại thực nghiệm quy mô, hiện đại về thủy sản phục vụ cho cả khu vực ĐBSCL và dự án xây dựng nhà máy chế biến rau quả tại các khu công nghiệp.

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận định: “Hệ thống giao thông trong vùng đã thật sự khởi sắc, phục vụ đắc lực cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và du lịch. Nhiều công trình trọng điểm ở ĐBSCL đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần “giải phóng” hàng hóa nông sản của vùng.

Kết nối liên hoàn

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang cho biết: “Đến nay toàn vùng thu hút hơn 1.600 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn trên 416.000 tỷ đồng. Cùng với đó là 836 dự án nước ngoài (FDI) với tổng vốn 11,8 tỷ USD. Các tỉnh thành trong vùng đang mời gọi đầu tư 178 dự án trọng điểm với tổng vốn 171.000 tỷ đồng và 1,5 tỷ USD. Ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư thì hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, nên có vai trò rất lớn trong việc kéo nhà đầu tư đến ĐBSCL và cần phải tiếp tục được quan tâm đầu tư hoàn thiện hơn nữa.”

Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, lượng hàng hóa xuất khẩu từ các cảng ở TPHCM có 30% của ĐBSCL, chủ yếu là gạo, tôm, cá… Trong khi đó, 75% nguồn hàng ở ĐBSCL xuất khẩu qua các cảng ở TPHCM được vận chuyển bằng đường thủy và đường bộ. Chỉ có 25% xuất trực tiếp qua các cảng ở ĐBSCL; trong đó 10% xuất đi các nước ASEAN bằng tàu nhỏ vì tàu lớn không thể vào được và 15% ra miền Bắc để xuất sang Trung Quốc. Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, hệ thống 15 cảng biển trên sông Hậu chỉ khai thác chưa đến 50% công suất; nhiều cảng hoạt động cầm chừng... Việc khơi thông luồng Định An được các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế xác định là vấn đề cấp bách hiện nay. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ cho thấy, trung bình mỗi tấn hàng hóa trung chuyển từ ĐBSCL lên các cảng ở TPHCM, Đông Nam bộ tốn chi phí thêm từ 7 - 10 USD... Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, khẳng định: “Phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và đường biển là tối ưu nhất hiện nay. Dùng tàu càng lớn thì giá thành rẻ, tăng khả năng cạnh tranh”.

Trong chuyến kiểm tra các công trình giao thông trọng điểm tại ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Trong năm 2015, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 sẽ hoàn thành, trong đó có đoạn từ TPHCM - Hậu Giang. Hoàn thành dự án cải tạo hệ thống đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL và luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Cùng với các dự án khác đang triển khai, hệ thống giao thông ĐBSCL sẽ được thay đổi rất cơ bản, có sự kết nối liên hoàn, tạo thuận lợi cho người dân, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu”.

HUY PHONG

Tin cùng chuyên mục